Gần 3 tháng đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, mệt mỏi và tốn thời gian, hẳn cháu Trần Chí Kiên và gia đình, đặc biệt là bố cháu đã cảm thấy được an ủi phần nào.
Còn với tôi, phóng viên đeo bám vụ việc này từ buổi đầu tiên nhận được đơn kiện của bố cháu Kiên đến nay, thì vẫn còn một ao ước.
Ngay khi nhận được đơn của anh Trần Chí Dũng, việc đầu tiên phóng viên gặp người đứng đơn để xác nhận và hỏi thêm một số thông tin chưa rõ. Ngay sau đó là cuộc điện thoại cho bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc để xin đến trường nghe thông tin hai chiều. Trái với phản ứng hoặc lạnh lùng, hoặc cáo bận vội vã mà phóng viên thường thấy khi hỏi lãnh đạo về đơn thư tố cáo sai phạm của trường mình, bà Ngọc niềm nở: “Em xuống với chị đi”… Trên đường từ tòa soạn đến trường Tiểu học Nam Trung Yên, tôi nghĩ bụng, chắc vụ này bà Ngọc có chứng cứ chứng minh mình vô can nên mới muốn gặp báo chí nhanh thế để sớm kết thúc sự việc.
Tiếp chúng tôi, bà đề nghị không ghi âm rồi mắt chớp chớp vẻ đượm buồn nói về sự cống hiến bao nhiêu năm cho ngành giáo dục, thế mà liên tục gặp chuyện “oan ức” từ khi còn ở trường cũ. (Xin dừng một chút ở đây để nói về “nỗi oan” này. Chẳng là khi còn làm hiệu trưởng ở trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc, bà Ngọc bị tố bớt tiền ăn của học sinh để lập “quỹ đen”. Sau có kết luận sự việc, bà bị kỷ luật thuyên chuyển công tác).
Bà Ngọc bảo, còn hơn một năm nữa chị nghỉ hưu (theo tuổi quy định thì bà Ngọc nghỉ hưu vào năm 2018). “Nếu việc này mà chị bị oan nữa thì chị khổ tâm lắm, bao nhiêu năm cống hiến”… , bà Ngọc lại mắt chớp chớp như chực khóc.
Rồi bà Ngọc trở nên hoạt bát lạ thường khi nói về các mối quan hệ quen biết của mình, nào là ông to to nọ, anh “nhỡ nhỡ” kia. Rồi bà bấm máy gọi cho một anh “nhỡ nhỡ” và đưa thẳng điện thoại cho phóng viên để “nói chuyện” với anh, chẳng cần biết phóng viên có quen biết người đó hay không. “Chính anh này xin chị cho cháu Kiên vào trường đấy”- bà Ngọc giải thích.
Tôi cố gắng kiên nhẫn để nghe bà tâm sự, khi hỏi đến diễn biến của vụ tai nạn, bà kể vanh vách, rằng giờ đó, ngày đó, bà đang ở phòng A để chị đạo cô B làm việc này, việc kia, rất rõ ràng cụ thể. Còn ô tô ư? Làm gì có cái xe nào ở trường ngày hôm đó. Bản thân bà thì không biết đi ô tô, cả trường cũng không ai có ô tô màu xanh như cháu tả…
Rồi bà và cô Chủ tịch công đoàn trường đưa ra cả một chồng phiếu khảo sát, lấy ý kiến của từ giáo viên, nhân viên đến toàn bộ học sinh trong trường để khẳng định, không có ai nhìn thấy cháu Kiên bị ô tô đâm. Có không ít phiếu học sinh còn viết nắn nót: “Bạn Kiên bị ngã là do… tự ngã” hoặc “bị ngã là do chạy nhanh quá”…
Đến khi tôi hỏi: "20 ngày từ khi cháu bị tai nạn, chị có đến thăm cháu không?". Bà Ngọc lại chớp mắt buồn rầu: "Chị chưa đến được vì đợt này chị quá bận chuẩn bị cho cuộc thi giáo viên dạy giỏi… Tối nay chị sẽ đến tận nhà thăm cháu".
Tôi thì ngạc nhiên đến độ thốt lên ngay lúc đó: "Học sinh của chị bị tai nạn nặng như vậy, nếu cháu ngã ở ngoài đường chị cũng nên đến thăm, đằng này lại là trong chính sân trường mình….".
Bà Ngọc càng nói càng không làm cho tôi tin rằng bà vô can, trái lại tôi chỉ còn một ý nghĩ duy nhất, rằng bà đang làm tất cả những việc đó nhằm lấp liếm một sự thật khác.
Nhưng tôi không có bằng chứng. Phụ huynh trong đơn của mình cũng chỉ có niềm tin lớn lao nhất khi quyết định phát đơn kiện, đó là lời kể của con anh, rằng chiếc xe đâm vào con có cả cô hiệu trưởng và một cô nữa ngồi trên xe…
Tôi nhìn sâu vào mắt bà hiệu trưởng và xin phép nói ý kiến của mình. Tôi nói rằng thứ nhất tôi không tin chút nào về chồng phiếu khảo sát này và hậu quả tai hại là nếu người lớn bắt các cháu phải viết những điều mà các cháu không chứng kiến hoặc chứng kiến một sự thật khác thì chính các chị đang dạy và bắt các cháu phải nói dối.
Tôi nói rằng, tôi chỉ mong chị hãy “thượng tôn sự thật” trong buổi gặp với gia đình cháu tối nay, để gia đình cháu chấp nhận và không phải tự tìm đến các cơ quan chức năng để tìm sự thật nữa. Báo chí chúng tôi, cũng không mong viết những bài báo tiêu cực và mệt mỏi vì tranh cãi giữa hai bên.
Tôi nói, chị hãy làm như thế nào để lương tâm chị thanh thản khi gặp lại cháu Kiên, mà như chị nói chị đều coi học sinh như con như cháu mình.
Chị không nói gì với tôi nữa, chỉ mắt vẫn chớp buồn.
Hôm đó tôi hồi hộp chờ đến hơn 22 giờ đêm mới dám gọi cho anh Dũng để hỏi về kết quả cuộc gặp gỡ tối nay giữa hiệu trưởng và gia đình. Anh nói, cô hiệu trưởng xin lỗi vì đến thăm cháu muộn quá… “Thế cô có xin lỗi gì nữa không, về cái mà anh đang muốn tìm sự thật ấy” - tôi gặng hỏi nhưng anh Dũng khẳng định, cô vẫn nói mình vô can.
Thất vọng khiến cho nửa đêm hôm đó tôi ngồi viết bài đầu tiên trong loạt bài về vụ việc này. Sau đó, Phòng giáo dục - đào tạo quận Cầu Giấy mời cả hiệu trưởng và phụ huynh học sinh đến đối thoại, làm việc để mong tìm được “tiếng nói chung” nhưng bà Ngọc thì một mực chối bỏ mình có liên quan, còn phụ huynh thì cương quyết không chấp nhận “sự thật” ấy.
Rồi công an vào cuộc, rồi bà Ngọc chợt “nhớ ra” hôm đó mình và cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu phó, có đi khám bệnh và cho taxi vào sân trường. Nhưng lại khẳng định lúc xe vào thì không hề có va chạm gì, “có thể” lúc xe quay ra thì va phải cháu Kiên và lúc đó bà đã lên phòng làm việc nên không hề biết.
Tôi chờ mãi và tưởng đã nghe được một lời nói thật của bà hiệu trưởng để sự việc kết thúc và không bị đẩy đi quá xa. Vậy mà, lời kể của bà Ngọc mới chỉ có một nửa sự thật.
Rồi nghỉ Tết Nguyên đán, rồi sự im lặng một thời gian... Thỉnh thoảng liên lạc với anh Dũng, bố của cháu bé để hỏi “có gì mới” không, tôi đều nhận được câu trả lời “chưa”…
Ngày 6.2, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã khiến dư luận “dậy sóng” khi khẳng định bà Ngọc quanh co, bưng bít thông tin, không đủ tư cách làm Hiệu trưởng nữa, cần phải thuyên chuyển ngay.
Nhưng “ngay” cũng phải chờ đến 15 ngày sau. Trong 15 ngày đó, dù công an đã tìm ra tài xế lái taxi đâm phải cháu bé và người này khai rằng, khi cháu bé bị tai nạn, cả Hiệu trưởng, Hiệu phó vẫn ở trên xe.
Những tưởng lần này là cơ hội cuối cùng để nghe sự thật từ chính bà Ngọc. Thế nhưng, bà và bà Hiệu phó Hương cùng Chủ tịch công đoàn trường tiếp tục “tung hứng” thậm chí ký cả văn bản “báo cáo sự việc cần xem xét” gửi báo chí và cơ quan chức năng để lấp liếm sự thật và đổ lỗi cho giáo viên.
Báo cáo này khiến phụ huynh cháu Kiên buộc phải viết đơn đáp trả, “điểm danh” và phân tích tới 7 nội dung mà phụ huynh này cho rằng Hiệu trưởng, Hiệu phó đã dối trá, bưng bít sự thật.
Đỉnh điểm của gian dối trong “báo cáo sự việc cần xem xét” còn buộc một giáo viên, rồi 18 giáo viên dù rất muốn yên phận, đã đủ dũng cảm lên tiếng nói lên sự thật mà họ biết, để bảo vệ danh dự cho chính họ và cho cả nhà trường… Hơn 23 giờ đêm 16.2, điện thoại đổ chuông khi tôi đã thiu ngủ, một số máy lạ, một giọng nói ngập ngừng: “Tôi là Nhung, giáo viên chủ nhiệm của cháu Kiên… ngày mai tôi muốn gặp chị để nói sự thật…”.
Cuối cùng, chúng tôi đã được nghe những lời nói thật từ ngôi trường ấy, những lời nói thật vô cùng quý giá, dù các cô chấp nhận sự thật có thể khiến các cô phải ra khỏi ngôi trường mình gắn bó nếu bà hiệu trưởng cùng ê kíp của bà vẫn tiếp tục tại vị. Chỉ tiếc lời nói thật vẫn không phải từ bà hiệu trưởng - người đã từng có rất nhiều cơ hội được ngồi ở ghế hiệu trưởng để… nói thật.
Bình luận (0)