Theo đó, quy định thực hiện mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ/nghỉ tại chỗ) đã khiến các doanh nghiệp, người kinh doanh "bó tay". Bởi hiện nay nhà hàng không có khu vực tắm rửa và nghỉ ngơi cho nhân viên, rất nóng và ngột ngạt khi đóng cửa vào cuối ngày, do đó không đảm bảo sức khỏe và không phù hợp để làm nơi ở cho nhân viên.
Thời gian bán hàng là từ 6 giờ sáng đến 18 giờ là quá ngắn, không kịp thực hiện các đơn hàng phục vụ giờ ăn tối của người dân. Quy định nhân viên phải được xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 hai ngày/lần, với mức phí doanh nghiệp tự chi trả cho xét nghiệm nhanh sẽ khiến tăng chi phí hoạt động. Trong khi đó, đa số nhân viên nhà hàng đã trở về tỉnh và chưa được tiêm vắc xin nên khó trở lại TP.HCM để làm việc.
Một nguyên nhân nữa khiến việc mở cửa khó thành hiện thực là thiếu nguyên vật liệu do một số hạn chế trong việc giao hàng liên tỉnh, liên quận của các nhà cung cấp.
Hiện tại, do phải tạm dừng hoạt động quá lâu, người lao động không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng, nhà hàng đang rơi vào tình thế không thể thanh toán tiền mặt như điều kiện kinh doanh bình thường. Nếu không có phương án cho dòng tiền, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản rất cao. Điều này khiến cho không chỉ hàng triệu lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu gia đình, mà hệ lụy tới hàng nghìn doanh nghiệp là nhà cung cấp, đối tác chiến lược cũng bị suy thoái theo, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị lên lãnh đạo UBND TP.HCM và các cơ quan ban ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và các doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống, mô hình chuỗi cửa hàng, nhà hàng nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này và tạo điều kiện công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người lao động bằng các giải pháp như: ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Những người được tiêm ít nhất 1 mũi có thể trở lại làm việc tại văn phòng và tại cơ sở kinh doanh ăn uống, bán lẻ, dịch vụ. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên, đảm bảo tuân thủ 5K nghiêm ngặt. Cho phép nhân sự giao hàng riêng của doanh nghiệp bán lẻ và dịch vụ được đi giao hàng chứ không giới hạn chỉ có tài xế công nghệ được di chuyển. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất có đủ nguồn cung nguyên vật liệu (kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn...).
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Miễn giảm 100% nghĩa vụ phải nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội. Được miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong hai năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm kế tiếp. Được chấp nhận tất cả các chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải chịu: xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị được cấp nguồn cho vay và hỗ trợ các doanh nghiệp trong vòng 24 tháng trong và sau dịch, hoặc hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 trong vòng hai năm kể từ ngày 1.10.2021. Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Đồng thời khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2 - 3% kể từ ngày 1.10.2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Bình luận (0)