Cho mở cửa, quán bún, hủ tiếu, phở vẫn khó bán

10/09/2021 06:39 GMT+7

Được phép bán mang về , nhưng kèm theo hàng loạt điều kiện khiến bà chủ quán hủ tíu, cô bán bún bò… ở TP.HCM khó đáp ứng được quy định để mở bán trở lại.

Nghe ngóng và… chờ hướng dẫn

Nghe tin được mở quán kinh doanh trở lại, sáng 9.9, chị V.T.B.Thuận, chủ tiệm bún bò Ngự Hà Quán (Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú), hồ hởi kể về việc sắp xếp để khởi động trở lại. Từng bán hàng mang về kết nối qua các app công nghệ: Be, Grab, Now…, nên nay yêu cầu đặt hàng qua app không làm khó được chị.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện và TP.Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo Công văn 2800 ngày 21.8 của UBND TP.HCM.
Thế nhưng, khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, chị Thuận gọi lại giọng buồn thiu: “Tôi mới gọi quanh hỏi, từ cọng rau quế cũng tăng gấp 3 lần giá hồi trước, thịt bò 330.000 đồng/kg, tăng gần 100.000 đồng/kg. Chả cua, xương, giò heo… đều tăng. Còn bà bán rau muống bào, bông chuối sứ… đều báo chưa có hàng. Vậy làm sao nấu thành nồi bún được. Tô bún lúc trước bán 35.000 - 40.000 đồng, nay phải bán 60.000 đồng/tô chưa chắc có lãi, chưa kể phí ship cũng tăng mạnh... Nên chắc tui chưa bán lúc này được”, chị Thuận kể.
Tương tự, chủ tiệm bánh mì Tuấn Mập (đường Nguyễn Thị Nhỏ, Q.Tân Bình) cho hay phải qua ngày 15.9 mới có kế hoạch bán lại, vì hiện tại mua các loại rau bán kèm bán mì, chả bò… đều khó khăn. Chưa kể dưa leo, hành lá tăng gấp đôi, gấp 3 so với trước, bán theo giá cũ là lỗ, nhưng tăng giá lúc này rất khó.
Các quán cơm tấm chả cua, bánh xèo tôm nhảy, phở Mai, phở Nguyên, súp cua Tuyền… tại Q.11 và Q.Tân Bình cũng nóng lòng chờ hướng dẫn mới có kế hoạch cụ thể để bán lại. Vì thế, hôm qua (9.9) là ngày đầu tiên được mở bán mang về trở lại, nhưng hầu hết các quán hàng vẫn đóng cửa.

Hàng quán bán mang về: Rục rịch dọn dẹp nhưng chưa sẵn sàng mở lại!

Bán được không đơn giản

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những hộ kinh doanh hàng ăn uống có giấy phép kinh doanh, còn những quán bún bò, hủ tíu, tủ bánh mì đặt trên các đường nhỏ, mua bán tự phát và bán trực tiếp cho người trong xóm ghé mua ăn lâu nay thì hoàn toàn không được phép hoạt động trở lại theo Công văn 2994 ngày 7.9 của UBND TP quy định.
Chị Vân, chuyên bán nui, hủ tíu trong một con hẻm, cho hay gia đình chỉ nấu bán đồ ăn sáng trong xóm, nên dịp này tưởng được nấu bán lại thì rất mừng. Sáng 9.9, chị đã gọi hỏi đặt xương, thịt dự định hôm nay (10.9) để nấu. Thế nhưng, khi ra chốt kiểm tra ngay đầu hẻm hỏi để đi lấy hàng, được hướng dẫn là chỉ bán hàng qua online, shipper công nghệ giao... “Nếu vậy thì ở ngay trong xóm, ngay nhà sát hông, phải gọi shipper mới mua được tô nui nhà mình à? Thế nên, tôi vội hủy lấy hàng, chờ sau ngày 15.9 tính tiếp”, chị Vân cho biết.
Theo Công văn 2994, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy phép kinh doanh được phép hoạt động từ 6 - 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán mang về. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper). Ngoài ra, điều kiện kèm theo để các hàng quán mở cửa bán mang về trong thời điểm này là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 cứ 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.
Sau khi nghe loạt điều kiện trên, nhiều người kinh doanh quán ăn cho rằng không thể đáp ứng được điều kiện nào để bán hàng lại theo Công văn 2994. “Thực tế, mấy quán bán đồ ăn sáng không bảng hiệu, không đăng ký kinh doanh, nhưng phục vụ được nhu cầu lớn trong xóm, trong khu phố. Nếu người bán có thể đảm bảo an toàn chống dịch, bỏ bịch treo cổng cho khách, trả tiền qua chuyển khoản, thực hiện nghiêm 5K thì vẫn an toàn. Quán lớn có đăng ký kinh doanh thì tổ chức bán hàng qua shipper phải cồng kềnh hơn, chi phí nhiều hơn, đôi khi họ lại không mặn mà bán lúc này”, một người bán canh bún trong hẻm chia sẻ.
Chưa kể hàng loạt quy định xét nghiệm âm tính 2 ngày một lần, thực hiện 3 tại chỗ, không cho giao hàng liên quận, chi phí xét nghiệm, xin giấy đi đường… khiến chi phí tăng quá mạnh, quá khó khăn để mở trở lại.

Những ai được đề xuất cấp "Thẻ xanh Covid-19" sau ngày 15.9?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.