Chợ mới đầu tư hơn 6 tỉ đồng vắng người mua bán

20/11/2024 10:55 GMT+7

Được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỉ đồng nhưng chợ Yến mới (thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, H.Tuy An, Phú Yên) vắng người buôn bán, trong khi chợ cũ đã dẹp bỏ cách đây 6 năm lại tấp nập.

THUẾ PHÍ ĐÓNG ĐỦ, BUÔN BÁN Ế ẨM

Chợ Yến cũ hoạt động từ năm 1990, xây dựng lại năm 1994 với diện tích gần 2.000 m2, gồm nhà chợ chính và các ki ốt.

Sau hơn 20 năm hoạt động, nhà chợ chính đã xập xệ, nhiều ki ốt xuống cấp, chợ lọt thỏm giữa khu dân cư, không có nhà vệ sinh cũng như các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ, thường bị ngập úng vào mùa mưa…

Chợ mới đầu tư hơn 6 tỉ đồng vắng người mua bán- Ảnh 1.

Chợ Yến mới sau gần 6 năm đi vào hoạt động vẫn vắng người mua bán

ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN

Từ năm 2017, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân hai thôn Nhơn Hội và Hội Sơn (xã An Hòa) kiến nghị về việc cần đầu tư, xây dựng lại chợ Yến.

Tháng 8.2018, chợ Yến mới được đầu tư xây dựng tại thôn Nhơn Hội (cách chợ cũ khoảng 400 m), có diện tích hơn 3.000 m2, kinh phí đầu tư hơn 6 tỉ đồng. Chợ mới được xây dựng gồm hệ thống khu chợ chính có ki ốt trong chợ, khu hàng ăn, khu bán đồ tươi sống; ki ốt ngoài chợ, nhà giữ xe, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước…, đảm bảo cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán.

Tháng 4.2019, chợ Yến chính thức đi vào hoạt động. Nhưng không như kỳ vọng khu chợ sẽ sầm uất, tấp nập người mua bán, chợ Yến mới lại đìu hiu, vắng vẻ. Trong khi đó, tại chợ Yến cũ (nay là công viên thôn Nhơn Hội), người dân bất chấp lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Tình trạng này kéo dài gần 6 năm qua khiến nhiều tiểu thương bức xúc.

"Mỗi tháng, tôi phải đóng khoảng 500.000 đồng cho các khoản thuế phí nhưng buôn bán tại chợ mới rất ế ẩm. Mỗi ngày bán đắt lắm cũng chỉ được 15 - 20 tô bún thì lấy gì mà đóng thuế phí, lại còn chi tiêu trong gia đình. Không những tôi mà các tiểu thương trong chợ cũng lâm cảnh buôn bán cầm cự, thậm chí có người đã bỏ nghề. Mong chính quyền tìm cách giải quyết cho chúng tôi để có thể tiếp tục buôn bán", bà Phạm Thị Nữ (53 tuổi, tiểu thương chợ Yến mới) nói.

Không chỉ hàng ăn, các hàng thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm, quần áo cũng có nguy cơ phải trả mặt bằng vì buôn bán quá ế ẩm.

"Mỗi tháng, ki ốt của tôi đóng 120.000 đồng tiền thuê mặt bằng, 150.000 đồng tiền thuế kinh doanh, điện nước, tiền thuê hộp trưng bày và các khoản phí khác, vị chi tầm 700.000 đồng/tháng. Nhưng bán buôn rất ế ẩm, khách không ghé chợ, tôi sắp cầm cự hết nổi", một tiểu thương cho biết.

Chợ mới đầu tư hơn 6 tỉ đồng vắng người mua bán- Ảnh 2.

Do ế ẩm nên khu hàng ăn ở chợ Yến bị biến thành chỗ để xe, để đồ

ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN

Chợ mới đầu tư hơn 6 tỉ đồng vắng người mua bán- Ảnh 3.

Trong khi đó, người dân lấn chiếm lòng lề đường làm nơi mua bán tại chợ Yến cũ

ẢNH: TRẦN BÍCH NGÂN

CHỢ CÓC VẪN HOẠT ĐỘNG

Theo người dân và tiểu thương, chợ Yến mới hoạt động gần 6 năm nhưng vắng người mua bán là do cách xa khu dân cư, người dân ít lui tới. Nguyên nhân khác là chợ Yến cũ vẫn còn hoạt động dưới hình thức chợ cóc nên người dân đổ về đó mua bán. Các khoản thuế phí tại chợ mới khá cao, bán không được hàng nên nhiều người phải đóng cửa, trả mặt bằng để tìm đường khác.

Theo ông Bùi Sinh Nhật, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải, chính quyền địa phương thường xuyên ra quân dẹp bỏ tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường dưới hình thức chợ cóc tự phát tại công viên thôn Nhơn Hội (chợ Yến cũ). Tuy nhiên, do thói quen sinh hoạt, đa số người dân địa phương có gì bán nấy, hay tập trung tại địa điểm này để buôn bán nên khó giải quyết dứt điểm.

"Về lâu dài, địa phương vẫn quyết tâm dẹp bỏ chợ cóc và luôn động viên, khuyến khích các tiểu thương tại chợ Yến mới yên tâm buôn bán", ông Bùi Sinh Nhật nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.