Theo quy hoạch 10 năm trước, TP.HCM đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỉ USD. Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP.HCM.
Tuy vậy, đến nay TP.HCM mới có tuyến ĐSĐT số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2032. Các tuyến khác mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và kêu gọi đầu tư.
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xin chủ trương đề án phát triển hệ thống ĐSĐT. Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đánh giá việc hoàn thành 200 km ĐSĐT trong 12 năm tới là một mục tiêu rất lớn, và nếu không có những cơ chế đột phá về huy động nguồn lực, rút ngắn thủ tục... thì không thể thực hiện.
Phải thay đổi quyết liệt
So sánh về chặng đường 10 năm qua chỉ "sắp hoàn thành 19,7 km tuyến ĐSĐT số 1" với áp lực "hoàn thành 200 km ĐSĐT trong 12 năm tới", bạn đọc (BĐ) Sanh Pham tỏ ra lo lắng: "Thực tế mỗi năm chỉ làm được 2 km bây giờ muốn làm xấp xỉ 20 km/năm, tức là tăng tiến độ gấp 10 lần, hoàn toàn không phải là câu chuyện dễ dàng". BĐ Sanh Pham đồng thời nhận xét: "Thách thức lớn nhất chính là năng lực quản trị và khả năng tổ chức thực hiện, còn cơ chế chỉ là một nguyên nhân, không khó để giải quyết".
Tán thành, BĐ Dung Le Viet cũng cho rằng phải có những thay đổi quyết liệt mới giúp TP.HCM chạy nước rút "với tốc độ gấp 10 lần hiện tại". BĐ này cho rằng: "Với việc chậm chạp trong các khâu thủ tục, giải phóng mặt bằng như hiện tại thì e rằng khó làm xong những dự án này vào năm 2030 - 2035. Rất rất cần có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm và phải làm thiệt nhanh chóng, quyết liệt chứ không thể rầy rà như hiện giờ".
Nhận xét về hàng loạt thách thức mà TP.HCM đã nhận diện, bao gồm về vốn, thủ tục, nhân lực triển khai các dự án, nhân sự vận hành…, BĐ Minh Nghĩa nêu: "Nếu đã xác định phải có những cơ chế đột phá, cũng cần lưu ý đến những công nghệ đột phá".
Cùng suy nghĩ này, BĐ NewWay chia sẻ: "Tôi từng đi ĐSĐT bên Pháp, toàn bộ 1 trạm ga tôi chỉ thấy có 1 nhân viên bán vé, còn lại đều tự động, kể cả xe cũng chạy tự động. Nên nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước đã nhiều năm phát triển, vận hành ĐSĐT".
Hy vọng đột phá
Trong đề án phát triển mạng lưới ĐSĐT nội thị, so sánh với một số đô thị hiện đại trong khu vực như Quảng Châu, Thâm Quyến (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, TP.HCM đánh giá quy hoạch 220 km ĐSĐT vẫn chưa tương xứng và cần thiết quy hoạch mạng lưới hơn 500 km vào năm 2035 và tầm nhìn sau năm 2035 là khoảng 700 - 800 km. Đề cập đến tầm nhìn quy hoạch này, BĐ Trường Sanh nhận xét: "Phải làm bài bản, mạnh mẽ, có bước chuẩn bị xa như vậy mới thành công. Hy vọng kế hoạch về ĐSĐT thực sự là chiến lược đột phá của TP.HCM".
Tuy nhiên, cũng không ít BĐ lo ngại về áp lực rất nặng đè lên hạ tầng TP.HCM khi hàng loạt các đề án dân sinh khác cũng đang được tiến hành đồng loạt. BĐ Đỗ Nguyễn Mạnh cho rằng: "TP.HCM còn nhiều thứ phải lo nữa, như kẹt xe, lấn chiếm vỉa hè buôn bán nhếch nhác, giao thông đường bộ ùn ứ, chật hẹp, mưa ngập...". Chia sẻ nỗi lo lắng này, BĐ Trân băn khoăn: "Nên chăng TP.HCM chọn cách dồn sức lực tập trung giải quyết dứt điểm một bài toán dân sinh, hơn là bức tranh rất nhiều những công trình đang tiến hành dang dở như hiện nay?".
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
* Có mỗi cái metro mà làm tới giờ còn chưa xong, giờ muốn phủ sóng ĐSĐT ở TP.HCM thì còn phải khắc phục rất nhiều khâu.
Lại Quang Tấn
* Nên làm đồng loạt một lần mới hiệu quả cao, làm lẻ vài tuyến không phát huy được vì khách nếu đi một tuyến, xuống tàu đi bằng cái gì để tới nơi muốn đến hoặc về nhà ?
Van Dong Nguyen
* Đề xuất ra mục tiêu thì đồng thời cần phải đề xuất ra phương án, giải pháp thực hiện.
Pháp Cư
Bình luận (0)