Chợ nổi Cái Răng: Không có thương hồ thì không có chợ nổi

21/03/2019 20:02 GMT+7

“Không có thương hồ thì không có chợ nổi này. Vậy thì thương hồ tăng giảm thế nào, cần những chính sách hỗ trợ thế nào để thương hồ ở đây làm ăn, gắn bó với chợ nổi", Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói.

[VIDEO] Bảo tồn chợ nổi Cái Răng: Phải chăm lo cho thương hồ trước
Hiện nay, mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng có khoảng 200 – 300 ghe thương hồ buôn bán rau củ, nông sản; đồng thời thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong đó rất đông khách nước ngoài. Chợ nổi này cũng được xem là điểm tham quan nổi bật, độc đáo nhất Cần Thơ.
Ngày 20.3, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam vừa đi kiểm tra kết quả “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” sau hơn 2 năm có quyết định phê duyệt đề án này.
Chợ nổi Cái Răng là điểm tham quan yêu thích của du khách châu Âu ĐÌNH TUYỂN
Trước đó, quyết định phê duyệt đề án bảo tồn phát triển chợ nổi Cái Răng ký tháng 7.2016, có 13 hạng mục, công trình ưu tiên cho chợ nối với tổng kinh phí thực hiện hơn 63,5 tỉ đồng.
Đến nay đã gần cuối quý 1/2019, chỉ có một số hạng mục đơn giản thực hiện được như vớt rác, tăng cường tuyên truyền, chăm lo thương hồ, tăng cường quảng bá hình ảnh… Còn lại nhiều phần việc quan trọng như hỗ trợ di dời 38 hộ bè; phát triển du thuyền, hỗ trợ vốn vay… vẫn "giậm chân tại chỗ”.
Ông Vương Công Khanh, Phó chủ tịch UBND Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ) cho biết, có rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề án, trong đó khó nhất là sự suy giảm của phương tiện mua bán ở chợ nổi khi giao thương đường bộ ngày càng phát triển; nhiều công ty lữ hành đến khai thác chợ nổi nhưng lại không có đóng góp gì cho chợ; việc quản lý trật tự rất khó khăn...
Ông Nam đề nghị Q.Cái Răng cũng như sở ngành liên quan trước hết tập trung đánh giá ngay 3 vấn đề cốt lõi trước khi có cuộc sơ kết để “tháo gỡ” các vướng mắc trong bảo tồn phát triển chợ nổi Cái Răng.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ (bìa phải) nói chuyện cùng đoàn khách Châu Âu đang tham quan chợ nổi Cái Răng ĐÌNH TUYỂN
“Đầu tiên phải nói đến là thương hồ. Không có thương hồ thì không có chợ nổi này. Vậy thì thương hồ tăng giảm thế nào, cần những chính sách hỗ trợ thế nào để thương hồ ở đây làm ăn, gắn bó với chợ nổi. Thứ 2, phải đánh giá các dịch vụ phục vụ du khách tại chợ và tương lai phát triển là gì. Cùng với đó là phải cải thiện dịch vụ lữ hành đưa khách tới chợ”, ông Nam nói.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ lưu ý:  “Hình thức homestay phải tính đến vì thực tế đã có những tour rất hiệu quả đưa khách từ Cần Thơ lên chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang chỉ để du khách ngủ trên sông, ngắm ban mai và hoà mình vào nhịp sống của thương hồ ở đây”.
Dự kiến, tháng 7, UBND TP.Cần Thơ sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện đề án rồi tìm đơn vị tư vấn thực sự đủ năng lực để hoạch định một chiến lược bảo tồn, phát triển chợ nổi Cái Răng khả thi hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.