Chợ nông dân trên sông 'thay' chợ nổi

01/05/2018 10:22 GMT+7

Đây là ý tưởng ấn tượng nhằm giải quyết tình trạng ngày càng mai một, kém hấp dẫn của các chợ nổi tại ĐBSCL.

Ý tưởng được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn du lịch ĐBSCL hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại Cần Thơ. Đây là hội thảo nhằm kết thúc đánh giá ban đầu của dự án “Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu”, do UBND TP.Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) và Ngân hàng Quân đội ký kết.
Chợ nông dân trên sông?
Các chuyên gia quốc tế đều nhấn mạnh đến tài nguyên sông nước của ĐBSCL như một lợi thế không nơi nào có được, nổi bật nhất là sông Mê Kông. Cùng với đó là chợ nổi, một không gian du lịch với văn hóa giao thương độc đáo hiếm có. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giao thương trên bộ phát triển, chợ nổi dần thưa thớt, hoạt động mua bán không còn nhộn nhịp như xưa.
Ông John Lindquist, chuyên gia du lịch toàn cầu và là cố vấn cấp cao của BCG, cho rằng khi những hệ thống cửa hàng bán lẻ phát triển mạnh mẽ, trong đó có bán những sản phẩm của chợ nổi thì điều tất yếu là hoạt động mua bán ở chợ nổi sẽ bị đe dọa. “Tuy nhiên ở Thái Lan, cũng với câu hỏi “Ai cứu chợ nổi”, người ta đã trả lời ngắn gọn là: du khách. Điều đó cho thấy, cần phải có sự đa dạng sản phẩm phục vụ cho khách du lịch. Kinh doanh du lịch sẽ dần thay cho kinh doanh sản phẩm nông nghiệp thuần túy”, ông John Lindquist chia sẻ.
Gần với ý tưởng trên, ông Christopher Malone, Trưởng khối Phát triển kinh tế toàn cầu của BCG, cho rằng Cần Thơ cũng như ĐBSCL có thể nghiên cứu mô hình “chợ nông dân” trên cơ sở tăng cường các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng trên chợ nổi với sự kiểm soát tốt từ địa phương. “Các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, ở những đô thị lớn vẫn có những những khu chợ nông dân, nơi mà chính những người nông dân đem sản phẩm sạch họ làm ra để bán. Chúng ta cũng suy nghĩ có thể hình thành chợ nông dân trên sông hay không?”, chuyên gia Christopher Malone gợi ý.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái độc lập về Mê Kông, cho rằng mấu chốt là chất lượng, giá cả sản phẩm ở chợ nổi phải thực sự mang lại sự an tâm cho du khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch hưởng lợi từ việc đưa du khách đi tham quan chợ nổi cũng phải góp một phần chi phí phát triển chợ nổi, không thể cứ thu tiền du khách đưa họ đến chợ nổi rồi đi.
Nghỉ dưỡng trên sông
Chuyên gia Christopher Malone cho rằng ĐBSCL cần có những sản phẩm đặc thù có đủ sức lôi cuốn với khách quốc tế. Giống như ở Hạ Long, Nha Trang hay Sa Pa đều có đặc điểm du lịch và tạo dựng cho mình một vị thế riêng. Tại ĐBSCL, sông nước chằng chịt là một tài sản du lịch lớn nhưng chưa phát huy được. Ông Christopher Malone đưa ra 3 chủ đề chiến lược để xây dựng các đề xuất du lịch cho ĐBSCL, gồm: nghỉ dưỡng trên sông, Safari ĐBSCL và khám phá sinh thái - nông nghiệp; cùng với đó là biện pháp để cải thiện số lượt khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực.
Chuyên gia này cũng chỉ ra“nút thắt” lớn nhất của ĐBSCL là kết nối, phải làm thế nào khai thác được đường bay quốc tế, rút ngắn được thời gian đi từ TP.HCM xuống Cần Thơ để du khách có thể đến TP.HCM và di chuyển thẳng về ĐBSCL thay vì phải nghỉ lại TP.HCM 1 đêm. Cùng với đó là thu hút thêm những cơ sở lưu trú hiện đại, những khu resort đẳng cấp. Con số chỉ có 2 cơ sở lưu trú/1.000 du khách ở ĐBSCL hiện nay là rất thấp so với thế giới. Có chiến lược để khai thác sản phẩm lưu trú, nghỉ dưỡng trên sông.
Sự kết hợp giữa sinh thái, nông nghiệp với du lịch bền vững cũng được nhắc đến như một định hướng chiến lược cho du lịch ĐBSCL. “Bản thân nông nghiệp và thực phẩm từ nông nghiệp sạch cũng chính là tài sản du lịch. Để làm du lịch bền vững bao giờ cũng phải dựa trên nền tảng “sức khỏe” sinh thái môi trường tốt”, ThS Nguyễn Hữu Thiện nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.