Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Người được ở nhờ 'bẻ kèo' ra sao?

23/07/2019 11:15 GMT+7

Theo án tuyên đã có hiệu lực 17 năm qua, ông Liêu Việt Khánh buộc phải trả toàn bộ tài sản là nhà, đất từng được cho ở nhờ để đi học cho cụ Võ Thị Thảnh (bên cho ở nhờ). Ông Liêu Việt Khánh từng cam kết trả như thế nào?

Như Thanh Niên từ ngày 20.7 đã phản ánh, bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre tuyên buộc vợ, chồng ông Liêu Việt Khánh phải trả toàn bộ tài sản là nhà, đất tại số 157/1, đường 30.4, P.4, TP.Bến Tre (Bến Tre) cho gia đình cụ Võ Thị Thảnh (sinh 1921, ngụ xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre; đã chết năm 2007) và được lưu trú lại trong thời hạn 12 tháng để đủ thời gian dọn đến nơi ở mới.
Thế nhưng, 17 năm đã trôi qua, Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre vẫn “đứng bánh” trong việc thi hành bản án đúng theo quy định pháp luật.
Dư luận thương cảm trước cảnh cơ hàn, nhà cửa cũ nát của con cháu cụ Võ Thị Thảnh (người cho ông Liêu Việt Khánh ở nhờ để đi học, và sau đó mất luôn nhà); và không khỏi bức xúc trước sự sự thi hành án quá chậm trễ của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thi hành án.

“Người chịu ơn” từng hứa trả từ hơn 20 năm trước

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại các bút lục của tòa án và các biên bản đòi nhà có sự chứng kiến của UBND P.4 (TP.Bến Tre), từ năm 1993 đến 1997, những người con được thừa kế của cụ Võ Thị Thảnh, trong đó có Lý Mỹ Lan và Lý Hòa đã được ông Liêu Việt Khánh hứa trả tổng cộng 6 lần.
Và mỗi lần hứa trả đều có nội dung tương tự nhau: “do con cái bận học, vợ đau bệnh, chưa có tiền dời nhà…”. “Và lần này tôi xin hứa với gia đình Mợ Hai (tức cụ Võ Thị Thảnh) sẽ ở lại đến hết năm học 1996 - 1997 sẽ dọn đi”, ông Liêu Việt Khánh cam kết bằng văn bản tại UBND P.4, TP.Bến Tre, vào ngày 27.10.1996.

Ngôi nhà của cụ Võ Thị Thảnh ở TP.Bến Tre trước đây từng cho ở nhờ, và nay người ở nhờ không trả mà dùng làm nơi ở và nơi kinh doanh

BẮC BÌNH

Cú “bẻ kèo” của ông Liêu Việt Khánh bị vạch mặt

Cam kết của ông Liêu Việt Khánh bằng văn bản tại UBND P.4, TP.Bến Tre (vào ngày 27.10.1996), được xem là lần cuối cùng ông Liêu Việt Khánh có ý định trả nhà cho gia đình phía cụ Võ Thị Thảnh (từng có lòng tốt cho ông Liêu Việt Khánh và 2 người em của ông này ở nhờ để đi học).
Liệu không còn khất hẹn được nữa, ông Liêu Việt Khánh và vợ là bà Nguyễn Thị Minh Hồng một mặt vẫn năn nỉ phía gia đình cụ Võ Thị Thảnh, một mặt “lặng lẽ” tìm đến chủ cũ của căn nhà là bà Dương Thị Hòa (ngụ P.1, TP. Bến Tre) để đưa một lượng vàng rồi yêu cầu ký hợp đồng mua bán. Tuy nhiên hợp đồng đã không công chứng được, vô hiệu.
Vợ chồng ông Liêu Việt Khánh còn nhờ bà Dương Thị Hòa công nhận đã thu tiền thuê trọ vợ, chồng ông từ năm 1975, nhưng bà Hòa không đồng ý và khẳng định chồng bà đã bán căn nhà cho bà Võ Thị Thảnh từ trước năm 1975.
Tại tòa, 2 người em gái của ông Liêu Việt Khánh là Liêu Hồng Nhung, Liêu Lệ Hương (từng trọ học tại căn nhà số 157/1, đường 30.4, P.4, TP.Bến Tre) cũng khẳng định (cam kết bằng văn bản) rằng căn nhà là tài sản của cụ Võ Thị Thảnh từ trước năm 1975; việc vợ chồng ông Liêu Việt Khánh quay mặt hòng chiếm dụng nhà của người mình từng mang ơn, là không thể chấp nhận được.

Tôi nói đó là nhà của mẹ tôi, mẹ tôi cho ở nhờ rồi bị chiếm mất. Nay tòa có bản án tuyên người được cho ở nhờ phải trả lại. Đó là điều hiển nhiên và hợp đạo lý, chứ chúng tôi đâu tranh chấp gì ai...

Ông Lý Minh Tài, con của người cho ở nhờ và bị mất luôn nhà

“Chúng tôi đâu tranh chấp gì ai”

“Bẵng đi một thời gian không thấy cơ quan chức năng đả động tới, gia đình tôi cũng lo buôn bán tạp hóa kiếm sống qua ngày. Nhưng, vừa rồi có người gọi điện thoại đến xưng là cán bộ ở P.4 (TP.Bến Tre) hỏi tôi có còn tranh chấp nhà, đất số 157/1 đường 30.4 nữa không, nếu không thì chính quyền sẽ làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cho gia đình ông Liêu Việt Khánh.
Tôi nói đó là nhà của mẹ tôi, mẹ tôi cho ở nhờ rồi bị chiếm mất. Nay tòa có bản án tuyên người được cho ở nhờ phải trả lại. Đó là điều hiển nhiên và hợp đạo lý, chứ chúng tôi đâu tranh chấp gì ai. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ công lý được thực thi”, ông Lý Minh Tài (75 tuổi, con cụ Võ Thị Thảnh), khẳng định với PV Thanh Niên vào ngày 23.7.
Theo lời ông Lý Minh Tài, gần 100 năm về trước, ông nội ông và ông nội của ông Liêu Việt Khánh tìm đến chợ Cầu Móng (thuộc quận Hương Mỹ, tỉnh Kiến Hòa cũ; được đổi tên xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam sau năm 1975) để lập nghiệp.
Cũng theo lời kể của ông Lý Minh Tài, bà Liêu Việt Hương (em gái ông Liêu Việt Khánh) là bạn học của bà Lý Mỹ Lan (con gái cụ Võ Thị Thảnh). Ngoài ra, 2 gia đình là hàng xóm của nhau ở Hương Mỹ. Từ đó, qua sự nhờ cậy của người hàng xóm và bạn học (phía gia đình ông Liêu Việt Khánh), gia đình cụ Võ Thị Thảnh cho ông Liêu Việt Khánh và 2 em gái: Liêu Hồng Nhung và Liêu Việt Hương ở nhờ để đi học. “Khánh, Nhung, Hương gọi mẹ tôi là Mợ Hai”, ông Tài nhớ lại.
Gia đình ông Lý Minh Tài hiện ở xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre) trong căn nhà cũ nát, tần tảo buôn bán mưu sinh qua ngày ở chợ Cầu Móng (xã Hương Mỹ). Do nhà cửa cũ nát, chật hẹp lại chứa đủ thứ hàng hóa bán ở chợ, nên khu vực bàn thờ tổ tiên của cụ Lý Minh Tài bị bít lối vào đốt nhang từ lâu. Ông Tài bảo, mỗi lần đến ngày giỗ mới dọn ra đốt nhang tổ tiên được một lần, hàng ngày thì đốt nhang ở bàn ông địa mà khấn vái tổ tiên.

Và cụ Võ Thị Thảnh đã qua đời, được thờ tự trong căn nhà cũ nát, không có lối vào thắp nhang ở xã Hương Mỹ

BẮC BÌNH

Người cho ở nhờ đã về nơi chín suối, nhà vẫn bị chiếm

“Tôi nghe người ta nói giờ ông Liêu Việt Khánh dùng căn nhà đó để bán nước đóng bình và là điểm giao dịch cho thuê xe du lịch. Các con của ông ấy thì có người kinh doanh, có người định cư ở Mỹ… Chắc giờ ông Khánh nói mình nghèo thì không có ai tin nữa đâu, phải không?”, ông Lý Minh Tài ngậm ngùi.
“Cái nhà đó cho ở nhờ, mẹ tôi chờ đến chết vẫn chưa được thi hành án; giao quyền thừa kế lại cho em gái tôi là Lý Mỹ Lan cũng chờ không nổi rồi chuyển quyền sang em trai tôi là Lý Hòa; Lý Hòa chờ đến chết cũng vẫn chưa được, rồi giao lại cho tôi cũng gần chục năm rồi.
Chắc nay mai tôi ra UBND xã Hương Mỹ làm giấy chuyển quyền thừa kế sang cho con tôi, để chúng tiếp tục đi đi đòi căn nhà của ông bà tổ tiên”, ông Lý Minh Tài nghẹn lời, và ông đã bật khóc khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên trong góc căn nhà cũ nát của mình, không có lối vào để đốt nhang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.