Như Báo Thanh Niên đã thông tin, bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre, tuyên buộc ông Liêu Việt Khánh (bên mượn nhà lúc còn đi học), ngụ 157/1 đường 3.4, P.4, TP.Bến Tre phải trả tài sản là nhà, đất tại địa chỉ này cho cụ Võ Thị Thảnh (bên cho mượn nhà), ngụ xã Hương Mỹ, H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre).
Thế nhưng, bản án có hiệu lực thi hành đã 17 năm trôi qua, nhưng con cháu cụ Thảnh - người cho mượn nhà, rơi vào tình cảnh bi đát, đang phải thường xuyên chịu cảnh sống cơ hàn, vì “ngôi nhà cho mượn bị mất mà mãi không đòi lại được”.
Nơi quyết thi hành theo luật, nơi "đòi" tạm dừng
Ông Nguyễn Duy Thành, Chi cục phó Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre (Bến Tre), nơi chịu trách nhiệm thi hành vụ án này, cho biết trong 17 năm qua, đơn vị đã nhiều lần được Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre ký quyết định cho phép triển khai kế hoạch cưỡng chế, buộc hộ ông Liêu Việt Khánh phải trả toàn bộ ngôi nhà cho cụ Võ Thị Thảnh. Cùng với đó, chấp hành viên phụ trách thi hành vụ án cũng đã hàng trăm lần đến tận nhà vận động, giải thích nhưng cũng đều bất thành.
Theo ông Nguyễn Duy Thành, năm 2003, Cơ quan Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre đã ra quyết định thi hành án và đã không được phía gia đình ông Liêu Việt Khánh tự nguyện thi hành. Năm 2005, quyết định cưỡng chế tiếp tục được ban hành, nhưng tổ công tác chưa đến nơi, thì bị UBND TP.Bến Tre yêu cầu tạm dừng.
Lý do mà UBND TP.Bến Tre yêu cầu tạm dừng thi hành quyết định cưỡng chế, là vì đối tượng Liêu Thế Thuận (36 tuổi, con trai ông Liêu Việt Khánh) rãi truyền đơn tại nhiều cơ quan, nơi đông người như trường học, bệnh viện… nhằm kích động dư luận gây hiểu sai lệch về bản chất của vụ án. Sau đó, đối tượng Liêu Thế Thuận bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre xử lý.
Cùng năm đó, ông Liêu Việt Khánh có đơn “kêu oan” gửi Công an TX.Bến Tre (nay là TP.Bến Tre) qua đường bưu điện, cho rằng phần đất của căn nhà 157/1 đường 30.4 mà gia đình ông đang ở, được mua lại từ chủ đất là bà Dương Thị Hòa.
Mặc dù, trong bản án dân sự phúc thẩm số 16/DS-PT ngày 16.1.2002 của TAND tỉnh Bến Tre đã giải thích, chứng minh rất rõ rằng, giao dịch này là không có căn cứ, vô hiệu. Nhưng, đáng nói là vào thời điểm đó, Trưởng Công an TP.Bến Tre, thượng tá Nguyễn Văn Thuận đã ký công văn yêu cầu tạm hoãn thi hành bản án, vì cho rằng phần đất của ngôi nhà chưa xác định là của ai cả, đang tranh chấp (!?)
|
Thi hành án… đã hết cách?
Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chi cục phó Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, từ năm 2007 - 2015, Cơ quan thi hành án nhiều lần có thư mời vợ chồng ông Liêu Việt Khánh đến giải quyết, đối thoại với phía gia đình cụ Võ Thị Thảnh về các đơn thư khiếu nại của vợ chồng họ, nhưng đều không đến và cũng không nêu rõ lý do.
Trong khi tại các lần cưỡng chế khác trong suốt thời gian từ 2005 - 2015, vợ chồng ông Liêu Việt Khánh liều lĩnh, nguy hiểm, đương đầu với cơ quan chức năng trong tư thế “sẵn sàng chết”, nên các đoàn cưỡng chế đành bất lực bỏ về.
Ông Nguyễn Duy Thành cho rằng, từ nhận định tính chất của bản án chưa chính xác của Công an TX.Bến Tre vào năm 2007; tiếp sau đó, một số cơ quan là thành viên khác của Ban chỉ đạo Thi hành án TP.Bến Tre suy diễn bản án tuyên trả lại nhà, chứ không cần trả đất, hoặc còn tranh chấp; một số ý kiến khác thì cho rằng chủ trương của tỉnh là không được cưỡng chế nhà cửa để người dân phải ra đường…, cũng khiến cho việc thi hành án “đứng bánh”.
“Khó khăn đến nỗi đơn vị chúng tôi phải sang Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cố xin được ngôi nhà trong chương trình Đại đoàn kết, giao cho hộ ông Liệu Việt Khánh để tự nguyện thi hành án. Nhưng ông Khánh cũng không chịu”, ông Thành cho biết.
Trong bối cảnh đó, đại diện Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Bến Tre, khẳng định rằng quan điểm của đơn vị trước sau vẫn như một, đó là gia đình ông Liêu Việt Khánh bắt buộc phải trả toàn bộ nhà, đất cho gia đình cụ Võ Thị Thảnh vì bản án có hiệu lực thi hành đã rất rõ ràng.
“Chúng tôi cũng rất trăn trở, bức xúc cho cụ Võ Thị Thảnh vì đến chết vẫn không đòi được nhà mình đã bỏ tiền ra mua rồi bị mất vì cho ở nhờ”, vị này nói.
Bình luận (0)