Chợ, siêu thị ngập trái cây ngoại

26/12/2022 06:28 GMT+7

Càng gần tết, lượng trái cây ngoại nhập về VN càng nhiều. Mặc dù VN vẫn xuất siêu rau, củ, quả nhưng chênh lệch đã dần rút ngắn khi tốc độ tăng nhập khẩu trái cây ngoại quá nhanh.

Thống lĩnh thị trường cao cấp

Những ngày cuối năm 2022, không khí làm việc tại các cửa hàng của hệ thống kinh doanh trái cây nhập khẩu Hoa Biển tất bật hơn bao giờ hết. Chị Võ Thị Xuân Trang, chủ hệ thống Hoa Biển, cho biết: “Nhu cầu đặt hàng trái cây làm quà tặng tết đang tăng rất cao nên tôi phải huy động hết nhân lực để làm việc. Không chỉ cửa hàng mới mở ở Đà Nẵng mà hầu hết các chi nhánh khác đều phải tăng cường vượt quá năng suất để đáp ứng nhu cầu của các khách sỉ trên cả nước”.

Theo chị Trang, các loại trái cây tiêu thụ nhiều tại đây gồm có hồng giòn Hàn Quốc, giá đang khuyến mãi 279.000 đồng/thùng (khoảng 20 quả); nho đen Icon Mỹ giá 1 thùng (8,5 kg) khoảng 1,1 triệu đồng; dưa lưới Đài Loan giá 550.000 đồng/thùng (5,5 kg). Các loại trái cây ngoại nhập có hình thức đẹp, chất lượng cao nên dùng để ăn hay làm quà tặng đều phù hợp.

Ngày càng nhiều rau quả nhập khẩu cạnh tranh với hàng nội địa

Quang Thuần

Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số cửa hàng ở TP.HCM, trái cây của Nhật Bản, Hàn Quốc đang “ôm trọn” phân khúc khách hàng cao cấp. Đắt nhất phải kể đến nho mẫu đơn, giá bình quân 2,5 triệu đồng/chùm, kế đến là nho xanh Hàn Quốc khoảng 1,5 triệu đồng/chùm. Một mặt hàng đang khá “hot” thời gian gần đây là táo mật ngôi sao của Hàn Quốc có giá từ 1,8 - 2,3 triệu đồng/hộp (15 trái).

Bên cạnh đó còn nhiều loại trái cây đắt đỏ khác như: dâu quạt của Nhật Bản giá 1,05 - 1,2 triệu đồng/vỉ; dâu VIP Hàn Quốc khoảng 700.000 đồng/hộp; táo đỏ (Sekai Ichi) của Nhật Bản từ 550.000 - 629.000 đồng/kg, mỗi trái có trọng lượng khoảng 600 - 800 gr… Hai nhà cung cấp này còn nhiều loại trái cây khác với giá “mềm” hơn một chút, từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.

Đại diện một số cửa hàng nhập khẩu chia sẻ: “Bây giờ trái cây nhập khẩu nhiều và rẻ. Chúng tôi phải tìm những sản phẩm nhập khẩu cao cấp để phục vụ nhu cầu làm quà biếu, đặc biệt là dịp tết. Những mặt hàng này cơ bản đã hiếm, lại phải vận chuyển bằng đường hàng không, bảo quản đặc biệt theo hướng dẫn của nhà xuất khẩu nên giá khá cao. Cũng vì vậy mà thời gian gần đây sức mua có giảm nhẹ, tuy nhiên khả năng cận tết sức mua sẽ tăng như thông thường các năm”.

Tại nhiều chợ, siêu thị lớn ở khu vực trung tâm TP.HCM, các loại trái cây ngoại nhập cũng được bày bán rất nhiều; ngoài khu trưng bày trên kệ mát, một số sản phẩm khuyến mãi được “đổ đống”. Cụ thể như táo bi đỏ của Pháp khuyến mãi còn 53.500 đồng/kg hay táo Fuji Nam Phi nhỏ chỉ còn 54.200 đồng/kg, táo bi đỏ Mỹ 76.500 đồng/kg, cam Úc 61.500 đồng/kg… Trong khi nhiều loại chưa khuyến mãi cũng chỉ trong khoảng từ 60.000 - 100.000 đồng/kg. Cá biệt như táo Fuji Nam Phi đóng thành túi 3 kg chỉ có giá 149.000 đồng/túi.

Các quầy bán trái cây ở những chợ truyền thống cũng tương tự, nơi nào cũng có sự xuất hiện của trái cây nhập khẩu. Có thể thấy tỷ lệ giữa trái cây nội địa và ngoại nhập đang khá cân bằng về số lượng và giá cả ở phân khúc bình dân. Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) cho biết: “Các loại trái cây ngoại nhập về chợ nhiều nhất là táo (bom), nho, lê, lựu, quýt, hồng giòn từ Trung Quốc; táo, nho (Mỹ) và cam Úc. Nếu vài tháng trước, giá trị và sản lượng trái cây ngoại bằng khoảng 30% trái cây nội địa về chợ thì hiện nay đang tăng lên xấp xỉ 50%”.

Số liệu thống kê của ngành hải quan cho biết, táo là mặt hàng trái cây được nhập khẩu nhiều nhất về VN, tính chung 10 tháng đạt 214 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chính lần lượt là New Zealand, Trung Quốc, Mỹ… Theo Hiệp hội táo của Mỹ, VN là thị trường lớn thứ 3 của quả táo Mỹ. Lịch sử xuất khẩu táo Mỹ vào VN từng ghi nhận con số kỷ lục là 2 triệu thùng/năm, tương đương khoảng 40.000 tấn. Ngoài ra, nho cũng là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao, gần 160 triệu USD, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn nhập khẩu chính từ Úc, Mỹ, Trung Quốc…

Rau, củ ngoại nhập: Trung Quốc quán quân

Ghi nhận tại các hệ thống chợ, siêu thị trên địa bàn TP.HCM, hầu như nơi nào cũng có rau, củ ngoại nhập. Tại siêu thị MM Mega Market ở P.An Phú, TP.Thủ Đức, quầy rau quả xuất hiện khá nhiều loại rau, trái cây ngoại nhập, đặc biệt là các loại nấm. Có một điều khác biệt là cùng một chủng loại nhưng giá nấm Hàn Quốc lại cao hơn khá nhiều so với nấm Trung Quốc. Đơn cử như nấm đùi gà xuất xứ Trung Quốc chỉ có giá 37.200 đồng/gói (500 gr) thì nấm đùi gà Hàn Quốc lên tới 68.000 đồng/gói (400 gr).

Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP.HCM), thông tin: “Hiện nay rau quả Trung Quốc về chợ rất nhiều, có những loại chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối như súp lơ, cải thảo, cà rốt, tỏi… Hàng nhập khẩu đã được kiểm soát, có hồ sơ nhập khẩu từ biên giới, có kết quả kiểm nghiệm đầy đủ”. Ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, cũng cho biết nhiều loại hàng khô của Trung Quốc như hành, tỏi, nấm đã rục rịch tăng nhẹ trong thời gian gần đây. So với hàng VN thì những loại này có ưu điểm là lượng hàng ổn định và giá cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu rau quả vào VN trong cả năm 2022 ước đạt trên 2 tỉ USD, tăng đến 35% so với năm 2021, tương đương 543 triệu USD. Nguồn nhập khẩu rau quả lớn nhất vẫn là thị trường Trung Quốc. Các loại rau quả Trung Quốc được tiêu thụ mạnh ở thị trường VN gồm: táo, nho, cam, quýt, tỏi, đậu xanh, hành tây, hành củ, nấm kim châm, khoai tây, nấm đùi gà, cải thảo, cải bắp, khoai tây chiên, rong biển, bột ớt, hạt dẻ cười tẩm ướp, hạt hướng dương…

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỉ USD vào năm 2025, tuy nhiên các doanh nghiệp VN hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng tươi, khó vận chuyện đi xa do không thể bảo quản được lâu. Vì thế, giải pháp trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT định hướng doanh nghiệp là tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả VN, nhận xét: “Xu hướng trong năm nay và các năm tới là hàng rau quả nhập khẩu sẽ ngày càng nhiều và rẻ hơn. Ở mặt tích cực, rau quả nhập khẩu cũng có lợi cho người tiêu dùng nói chung, mặt khác cũng thúc đẩy chúng ta phải tích cực cải thiện khâu tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại. Hiện nay ngành rau quả của VN vẫn duy trì giá trị nhập khẩu từ 50 - 60% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy là chúng ta vẫn còn xuất siêu, xem như là điều đáng mừng”.

Nhập khẩu rau quả tăng quá mạnh, trong khi xuất khẩu giảm đã khiến thặng dư thương mại của ngành hàng này bị kéo giảm xuống chỉ còn 1,22 tỉ USD, trong khi năm trước chúng ta xuất siêu hơn 2 tỉ USD. Việc tăng nhập khẩu, trong khi xuất khẩu khó khăn, đã gây sức ép khiến nhiều mặt hàng rau quả trong nước phải giảm giá bán, lợi nhuận của người nông dân không còn cao như những năm trước đây. Sức ép này buộc chúng ta phải tăng chất lượng, sản lượng và giảm chi phí để có thể cạnh tranh với hàng ngoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.