(TNO) Các khoản tín dụng từ sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc (TQ) đã và vẫn đang tiếp tục có tác động quan trọng đối việc phát triển của Huawei.
Một triển lãm của Huawei - |Ảnh: AFP
Không chỉ có vậy, hình thức tín dụng cho vay đối với các khách hàng của Huawei cũng có ảnh hướng lớn không kém. Các khoản vay này thường trùng khớp với những nỗ lực ngoại giao của Chính phủ TQ trong các thỏa thuận vay vốn phát triển.
Năm 1998, Ngân hàng xây dựng TQ ở Bắc Kinh đã cung cấp 3,9 tỉ NDT cho khoản vay tín dụng dành cho khách hàng của Huawei. Khoản vay này chiếm tới 45% các khoản tín dụng mở rộng của ngân hàng này năm đó. Năm tiếp theo Huawei nhận được 3,5 tỉ NDT khác từ Ngân hàng công thương TQ (ICBC) và Ngân hàng TQ, trong đó ICBC cho vay thêm 200 triệu USD cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei.
Đầu năm 2004 Huawei nhận khoản vay 10 tỉ USD trong 5 năm cho việc mở rộng ở thị trường quốc tế từ Ngân hàng phát triển TQ và 600 triệu USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu TQ. Các khoản vay này sau đó lên tới 30 tỉ USD và có thể còn cao hơn nữa. Sinosure, công ty bảo hiểm của Chính phủ TQ, cũng đã hỗ trợ việc bán hàng của Huawei thông qua các khoản tín dụng xuất khẩu.
Tháng 4.2011, khi chào hàng với Tele Norte (Brazil), Huawei đã đề nghị một khoản tín dụng 30 tỉ USD từ Ngân hàng phát triển TQ (CDB). Cùng với đó là khoản ân hạn 2 năm với tỷ giá lãi suất liên ngân hàng chỉ tương đương 70% mức giá thị trường. Trả lời hãng tin Bloomberg, Alex Zornig, Giám đốc tài chính của Tele Norte, cho biết các đối thủ cạnh tranh quốc tế không tài nào sánh nổi các điều khoản của CDB để hỗ trợ mua thiết bị mạng lưới Huawei.
Khoảng trống mà Hoa Kỳ và châu Âu để lại đang được người TQ lấp đầy. Họ rất xông xáo và có cực kỳ nhiều tiền. Một tình huống tương tự cũng xảy đến đối với America Movil (Mexico) với khoản nâng cấp mạng lưới trị giá 1 tỉ USD. Theo CSIS, các khoản tín dụng hoành tráng từ TQ đã biến những chương trình tín dụng xuất khẩu có ở nhiều nước, trong đó có cả Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản... thành “tép riu”.
Gian hàng Huawei tại triển lãm CommunicAsia 2010 tại Singapore - Ảnh: AFP
Theo Huawei, họ chỉ đóng vai trò “trung gian” đề xuất các khoản vay này. Nếu được chấp thuận thì các khách hàng của Huawei mới là người chịu trách nhiệm cho việc trả nợ chứ không phải Huawei.
Theo CSIS, năm 2004 CDB đã đồng ý đề nghị một mức tín dụng 10 tỉ USD cho những khách hàng của Huawei. Mức tín dụng này đã được tăng thành 30 tỉ USD trong 2009. Tính đến thời điểm hiện tại, 10 tỉ USD đã được giải ngân cho các khách hàng của Huawei từ CDB.
Theo CSIS, không quá khó hiểu việc một ngân hàng quá hào hứng trong việc cung cấp tài chính cho những thương vụ như thế này. Câu hỏi được CSIS đặt ra là việc cung cấp tài chính như vậy liệu còn có phải là một thành tố phục vụ cho những mục tiêu khác lớn hơn của Chính phủ TQ tại các quốc gia là khách hàng của Huawei hay không? Ví dụ được đưa ra là việc cho vay đầu tư các dự án viễn thông để đổi lại quyền khai thác tài nguyên tự nhiên và khoáng sản.
Huawei cũng nhận được những khoản trợ cấp đáng kế cho R&D từ Chính phủ TQ. Năm 1996, Phó thủ tướng TQ Ngô Bang Quốc đã thăm công ty và bảo đảm một khoản vay 50 triệu NDT để phát triển công nghệ di động GSM. Ông Ngô Bang Quốc đã tuyên bố “hiện tại đây là lĩnh vực độc quyền của các công ty nước ngoài. Tôi cho rằng Huawei tạo sự đột phá trong lĩnh vực di động”.
Trong báo cáo tài chính 2010, Huawei công bố khoản kinh phí 433 triệu NDT (tương đương 66 triệu USD) là tài trợ không điều kiện và 545 triệu NDT (khoảng 84 triệu USD) tài trợ có điều kiện của Chính phủ TQ cho lĩnh vực R&D. (còn tiếp)
Bình luận (0)