Chợ Tết Sài Gòn chẳng hết đồ ngon

07/02/2021 10:23 GMT+7

Đợt cảnh báo dịch mới nhất đã làm không khí náo nhiệt ở chợ truyền thống giảm bớt phần nào trong những ngày giáp tết. Nhưng người ta vẫn đeo khẩu trang đến chợ vì những đồ ngon không nơi nào có được.

Chợ truyền thống không dành cho giới trẻ. Chỉ có những người tuổi trung niên mới thích đi chợ và quen với những sạp, quầy bán đồ ngon bề dày vài thập kỷ. Người mua và bán gặp nhau là trò chuyện rôm rả như những người bạn thân thiết. Thật vậy, mối mua bán cũng tính cỡ chục năm trở lên.
Khoảng 3 tuần trước tết, chợ truyền thống ở TP.HCM bắt đầu rực lên những sắc màu. Tôi vẫn thường đến chợ người Hoa có tên Phùng Hưng, nằm góc đường Nguyễn Trãi - Phùng Hưng (Q.5). Không gian chợ cũ kỹ, dường như bao năm vẫn thế. Ngay ở góc ngã tư bắt đầu bày bán các loại bánh cúng, bánh dịp tết của người Hoa như bánh bông lan to đùng, rực rỡ màu sắc, bánh bò khổng lồ - thường các công ty đặt hàng để cúng kiếng dịp gần tết.

Quầy bánh của người Hoa ở chợ Xã Tây (Q.5)

Ảnh: Giang Vũ

Chị Ngọc, chủ quầy bánh ngay trước số nhà 830 Nguyễn Trãi, thoăn thoắt gói hàng khi khách vừa xịch xe đến. Chị nói, do bánh cúng kiếng dịp cuối năm như cúng trả lễ, cúng năm mới và chưng ban thờ nên dịch thì dịch, số lượng làm vẫn y như năm ngoái. Lò bánh của chị tuổi đời đã 40 năm rồi. Năm nào tôi cũng ra đây mua bánh tổ, mang về để cho se se mặt lại rồi chiên lên ăn ngon hết sảy.
Bánh tổ người Hoa Chợ Lớn khác với bánh tổ bán ở chợ Bà Hoa ở Q.Tân Bình vốn gốc gác từ Quảng Nam. Bánh tổ người Hoa lót giấy và ni lông, còn bánh tổ gốc Quảng Nam lót lá chuối, ở trên có rắc mè.
Chợ Phùng Hưng còn có các thứ bánh Nam bộ, các loại kiệu muối, kim chi dưa cải củ sen kiểu miền Nam. Những ngày giáp tết, mấy hàng bán gà luộc cho người ta mua cúng hoạt động hết công suất, luộc xong nóng hổi, con nào con nấy vàng ươm, béo nần nẫn. Mà không hiểu sao, luộc con gà thật đơn giản mà người ta vẫn đi mua gà luộc sẵn về. Phải chăng, bây giờ nữ công gia chánh không còn mà người ta thích “nữ công ra chợ”. Hay họ ghiền cái nhộn nhịp và tấp nập ở chợ, cái thoải mái của việc tận hưởng trong một không gian xô bồ nơi phố thị vốn đã đầy mỏi mệt? Chỉ biết, từng hộp gà nóng hổi vẫn lũ lượt đặt vào tay khách hàng; phía bên trong, những nhân công ngồi rửa gà, luộc gà, xếp gà vẫn hoạt động tất bật.
Một trong những ngôi chợ tôi thường lui tới là chợ Xã Tây, được người xung quanh gọi vui là “chợ nhà giàu quận 5”. Chợ Xã Tây cũng nằm trên trục đường Nguyễn Trãi như chợ Phùng Hưng. Cái chợ nhỏ xíu mà hỏi ra cái gì cũng có. Bạn có thể mua những món ăn có tuổi đời gần trăm năm từ những gia đình người Hoa. Gần tết là các loại lạp vịt, lạp xưởng, lạp tôm, lạp thịt ba chỉ, lạp gan heo gia truyền ba đời A Thủy đã sẵn sàng mặc cho lạp xưởng siêu thị bày bán rất nhiều, nhưng không độc đáo bằng ở chợ Xã Tây.
Không thể không nhắc tới quầy bán bánh tổ, bánh củ cải, bánh lá liễu… gốc Hoa cũng ba đời nằm giữa chợ. Bánh củ cải là bánh cúng cuối năm, đầu năm của người Hoa, nên đã sẵn sàng trên sạp 3 tuần trước tết.
Ngay giáp Q.5 là chợ Nguyễn Tri Phương nằm ở Q.10. Ra chợ này đi một vòng là đủ mọi đặc sản ba vùng. Chợ Bà Hoa ở Q.Tân Bình thì chủ yếu dành cho người “rặt” xứ Quảng. Ra chợ này mua tôm cá thiên nhiên mà còn đang nhảy thì nhiều thôi rồi. Hồi các chuỗi cửa hàng nhỏ bán thịt sạch, rau sạch chưa ra đời, ra chợ mà gặp mấy dì này thì ôi thôi chảnh ơi là chảnh, vì độc quyền đồ ngon cho dân Sài Gòn mà. Nhưng giờ đây bị cạnh tranh dữ quá, các dì trở nên dễ thương hết sức, gặp khách quen là chào mời đon đả thân thiết.
Chợ Xã Tây và Nguyễn Tri Phương cũng bán các loại củ cải khô, kiệu nhặt sẵn về làm dưa món hay kiệu muối đều thuộc loại “hàng thửa”. Mua tôm khô thiên nhiên về Tết trộn củ kiệu ăn chơi cũng phải ghé chợ Nguyễn Tri Phương có mấy quầy bán đồ này hàng chục năm.
Những ngày giáp tết, chợ mới bừng lên sức sống khôn tả, là cầu nối đặc sản vùng miền, cầu nối những thân tình gắn bó đã vài chục xuân xanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.