Chở thú cưng bằng xe máy có thể gây tai nạn giao thông
Theo luật sư Nguyễn Hải Long (Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh), những người có thói quen chở thú cưng (thường là mèo, chó, bên cạnh đó là các vật nuôi, gia súc gia cầm khác) ra đường bằng xe máy cần lưu ý NĐ 168 (Nghị định 168/2024/NĐ–CP). Bởi lẽ có thể sẽ đối diện với mức xử lý nghiêm, bị phạt tiền.
Luật sư Long cho hay, tại khoản 3 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện một các hành vi như: đi xe dàn hàng ngang; đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác; sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định…
Điều này đồng nghĩa khi lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng xe để dẫn dắt thú cưng khi tham gia giao thông đường bộ.
Căn cứ tại khoản 8 Điều 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi trên đường bộ là người tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 32 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ, thì “người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi trên đường bộ phải cho vật nuôi đi sát mép đường bên phải; trường hợp cần cho vật nuôi đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác.
Ngoài ra, không được điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi vào làn đường dành cho xe cơ giới. Cũng như không được thả vật nuôi trên đường bộ”.Về mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ được quy định ở điểm d, khoản 1, Điều 11 của NĐ 168. Đó là phạt tiền từ 150.000 - 250.000 đồng có có hành vi vi phạm việc “để vật nuôi đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đang tham gia giao thông”.Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với hành vi vi phạm được quy định ở điểm b và điểm c, khoản 2, Điều 11 của NĐ 168: “Dẫn dắt vật nuôi chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ; Điều khiển, dẫn dắt vật nuôi đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới”.
Còn theo điểm a khoản 5 Điều 12 NĐ 168 cũng có quy định về lỗi dắt thú cưng, vật nuôi đi dạo bằng xe máy đối với người ngồi sau xe máy. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện việc "bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe". Sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi, điều khiển xe vật nuôi kéo đi vào đường cao tốc, theo quy định tại khoản 3, Điều 11 của NĐ 168.
Ngoài ra, sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm được quy định tại điểm e và điểm g, khoản 3 Điều 7, NĐ 168: “Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe; Điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác”.
Luật sư Long lưu ý thêm, theo Điều 7 (Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ) của NĐ 168, sẽ phạt tiền từ 10.000.000 - 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông, trong đó có vi phạm quy định tại điểm e, điểm g của khoản 3 của điều này. Tức “người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe” (điểm e); Điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác (điểm g).
Sở dĩ chở thú cưng ra đường bằng xe máy có thể bị phạt, vì theo luật sư Long, hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhất là khi thú cưng bất chợt nhảy xuống đường khiến người tham gia giao thông không xử lý kịp tình huống, có thể gây tai nạn giao thông...
Làm thế nào để có thể chở thú cưng bằng xe máy mà không bị phạt?
Chị Vũ Thị Như An (32 tuổi), làm việc ở 220 Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết có nuôi thú cưng và thường dẫn ra đường. Kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ–CP về việc "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe" có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, chị An không còn dám chở thú cưng bằng xe máy nữa.
Chị An hỏi: "Làm thế nào để có thể chở thú cưng bằng xe máy mà không bị phạt?". Đây cũng là thắc mắc của nhiều người trẻ hiện nay.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều hướng dẫn về điều này. Họ "hiến kế" nhiều cách như thay vì chở bằng xe máy thì hãy chở bằng ô tô. Cách khác, nên mua thùng, túi chuyên dụng và để thú cưng trong đó.
Bình luận (0)