Trong vai một phụ nữ có gia đình giàu có nhưng bị hiếm muộn, nhiều ngày PV Thanh Niên lân la vào con hẻm 297 (Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) để tìm hiểu về dịch vụ đẻ thuê tại khu vực này. Con hẻm khang trang chia làm nhiều ngõ nhỏ. Trước những mái hiên vừa cao khỏi đầu người có nhiều nhóm tụ tập nói chuyện, chơi đánh bài... tiếng chửi thề văng vẳng mỗi khi câu chuyện “giang hồ” sắp đến đòi nợ được nhắc đến.
|
“Bình thường” như mua rau, bán cải
Giữa tháng 5, tôi tìm về con hẻm, tiếp cận những người đẻ thuê, thuê đẻ ở đây. Hầu như những người chấp nhận đẻ con để đổi lấy tiền đều là người lao động bình thường, thậm chí nợ nần chồng chất. Nói như lời của một “má” chuyên dắt mối thì những người bình thường muốn đẻ thuê để kiếm chút vốn làm ăn. Còn những người phụ nữ vướng nợ nần thì muốn kiếm tiền trả nợ. Ghé vào những quán cóc bên đường hay những nhóm người đang tụ tập, tôi nói chuyện đẻ mướn, mua con. Nét mặt người nghe đều bình thường như chuyện mua rau, bán cải. Thậm chí, có người còn tỉnh bơ chỉ cho tôi nhiều mối.
|
Tôi tìm gặp Thủy trong căn phòng trọ lụp xụp của chị nhưng chị đã từ chối tiếp chuyện. Chị Thủy (27 tuổi, ở nhà thuê trong hẻm) là một người lao động nghèo, trước đây sống bằng nghề nhặt ve chai. Chị quê Sài Gòn, trước đây ở H.Hóc Môn, vì nghèo khó nên đi lang thang khắp nơi làm thuê kiếm sống. Chị vừa mới sinh được một bé trai kháu khỉnh. Sinh ra chưa đầy một tháng, đứa trẻ đã bị bán cho một gia đình hiếm muộn với giá 7 triệu đồng. Biết tôi đi tìm người để thuê bụng, người hàng xóm tặc lưỡi: “Phải chi cô tới sớm một vài ngày, rinh thằng nhỏ đó về, có 7 triệu hà. Cô mướn người đẻ làm gì cho mệt, tốn tiền chăm sóc bồi dưỡng cả năm trời nó mang thai!”.
Làm quen một nhóm người trước ngôi nhà số 297/24…, tôi nói rõ hoàn cảnh không có khả năng sinh em bé trong khi gia đình chồng chỉ có một đứa con trai. Một người đàn bà trạc 50 tuổi, mập mạp, da đen, mặt mày bặm trợn, tự xưng “má” Hai lên tiếng: “Không đẻ được thì đi xin con nuôi, mua con. Có gì mà khó”. Tôi nhăn mặt: “Con không biết chỗ má ơi!”. “Má” Hai nhiệt tình: “Ở xóm của má mấy đứa nó đẻ rồi. Con khoảng 2, 3 tuổi, có trai, có gái. Con muốn mua lúc nào cũng có. Có một đứa sắp đẻ, hình như là con trai. Không biết là con thằng nào nhưng đẻ xong chắc nó bán luôn đó, con muốn lấy không? Dưới 15 chai (15 triệu đồng - PV) thôi”. Tôi ái ngại: “Con muốn phải là giọt máu của chồng mình mới được!”.
Nghe tôi nói, “dì út” Phú (42 tuổi, đã có chồng con), đang ngồi đánh bài chen vào: “Vậy là con cũng kiếm người đẻ mướn chứ gì! Phải quan hệ với chồng con để có con hay “cấy” (cấy tinh trùng - PV)? Tiền bạc sao?”. Tôi nói, nếu chọn được người thì làm cách nào cũng được, quan trọng là người đẻ thuê phải dứt khoát giao em bé và không khiếu kiện đòi lại con… “Dì út” đáp ngay: “Tất nhiên, thỏa thuận xong thì phải làm giấy cam kết, có người chứng kiến đàng hoàng…”.
Đẻ mướn trả nợ
Nhiều người cảnh báo tôi, “má” Hai là một đàn chị có tiếng, chuyên làm chủ hụi, cho vay tiền, làm “cò mồi” các kiểu và dính đến một số nhóm giang hồ. Còn “dì út” là một tay cờ bạc, nợ nần.
Cuối tháng 5, tôi được “má” Hai và “dì út” hẹn lên nhà để gặp mặt người sẽ nhận lời đẻ mướn. “Má” Hai cho biết, “má” làm nhiều thứ chứ không chỉ riêng việc này. Mấy bà bạn của “má” thì chỉ chuyên dắt mối. Sau khi “má” sơ tuyển thì “chấm” nhất một cô. “Con nhỏ này 25 tuổi, đẹp, cao ráo, da trắng, mập mạp. Mặc dù nó có một đứa con rồi nhưng nhìn nó như con gái vậy. Chồng nó bỏ lâu rồi, giờ muốn đẻ mướn để kiếm chút vốn làm ăn. Gặp nó chắc con ưng ý lắm”. Tôi chưa kịp hỏi thêm gì thì “má” lại tiếp lời: “Nhưng có một đứa cũng 25 tuổi, có một con. Nhỏ này đang bị nợ tới mười mấy triệu. Nó kiếm tiền trả nợ. Con gặp nhỏ này trước, nếu không chịu thì má dắt gặp mấy đứa khác”. “Dì út” và “má” Hai cho người đi gọi cô gái muốn đẻ mướn kiếm tiền trả nợ đến.
Cô gái tên L. 25 tuổi, làm nghề nhặt ve chai. L. cao và ốm, gương mặt bình thường, đôi mắt to hiền. Gặp tôi, L. nói thẳng vào vấn đề như đang đi bán hàng: “Chị mướn đẻ hả chị?”. Tôi hỏi tại sao L. muốn đẻ thuê. L. tỉnh bơ: “Em đẻ để lấy tiền trả nợ, nợ nhiều quá chị ơi”. Dưới sự hướng dẫn của “dì út” và “má” Hai, L. ra giá với tôi: “Nếu chị chịu thì tiền ăn mỗi tháng chị đưa em 2 triệu đồng, tiền bồi dưỡng thêm là 4 triệu, phải mua cho em những món em thèm, sữa bồi bổ và lo cho em khám sức khỏe hằng tháng. Khi có giấy chứng nhận của bác sĩ là em mang thai thì chị lo cho em 10 triệu để trả hết nợ. Có vậy, tâm lý em mới vui vẻ mà không ảnh hưởng xấu cho em bé, con chị. Sau khi nhận em bé, đưa em thêm 50 triệu”.
Nếu chấp nhận thì tôi sẽ đưa bên chồng lên để ký cam kết. Đồng thời, tôi phải chi cho “má” Hai, “dì út” và tay đàn em mỗi người 5 triệu đồng tiền đi đứng. Riêng “dì út”, mỗi tháng phải chi thêm tiền để “dì” chăm sóc L.
Thanh Thùy
Bình luận (0)