Ngày 19.2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn.

Người đi bộ len lỏi giữa các ô tô đỗ trên vỉa hè ở phố Đại Cồ Việt, nơi có vỉa hè rộng từ 3 - 7 m. Đại Cồ Việt là tuyến phố đủ điều kiện được nghiên cứu cho thuê
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Nên cho thuê vỉa hè ở 1 số khu vực phù hợp
Góp ý với đề án, nguyên Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Bạch Thành Định cho rằng đề án "động chạm" đến tất cả đời sống đô thị nên không thể xem xét rời rạc. Cạnh đó, cần đưa căn cứ thực tiễn đặc trưng của từng tuyến phố, mật độ dân cư, khung thời gian để thực hiện đề án có hiệu quả.
"Ví dụ, có tuyến phố ban ngày kinh doanh được, nhưng ban đêm không hiệu quả. Có tuyến phố buổi sáng tắc đường, mà lại sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho trông giữ xe thì không ổn", ông Định nói.
Cạnh đó, ông Định đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ chủ thể quản lý và phân cấp quản lý trong việc cho thuê vỉa hè, lòng đường; không phải cứ cấp phép là xong.
"Chúng ta phải thực hiện đồng bộ. Chủ thể nào thực hiện từ khâu cấp phép đến quản lý, kiểm tra, giám sát… Rồi trách nhiệm hoàn trả mặt bằng vì có phải kinh doanh 24/24 giờ đâu… Phải đồng bộ nếu không sẽ làm rối beng, nát bét cả thành phố. Gọi là xây dựng văn minh đô thị nhưng không đồng bộ rồi cho kinh doanh lại biến thành bãi rác", ông Định bày tỏ.

Nguyên Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Bạch Thành Định nêu ý kiến phản biện tại hội nghị
ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG
Đặc biệt, nguyên lãnh đạo Công an TP.Hà Nội cho rằng cần xem xét lại nếu áp dụng cho thuê tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường trên địa bàn toàn thành phố. Thay vào đó, nên lựa chọn 1 số khu vực kinh doanh cho phù hợp, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, phát triển lịch sử, văn hóa của thành phố.
"Mình phải làm sao tạo điểm nhấn để cạnh tranh với đô thị trong nước và các đô thị khác trong khu vực. Như vậy mới tạo ra nét văn hóa", ông Định cho hay.
Người đi bộ chưa phải là ưu tiên số 1
Góp ý phản biện tại hội nghị, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho rằng đề án đã có quan điểm tiến bộ hơn so với trước kia. Và, người đi bộ cũng chưa phải là ưu tiên số 1 trên vỉa hè. Bởi lẽ, vỉa hè chính là không gian chuyển tiếp từ đường phố tới công trình 2 bên.
"Người dân sinh sống ở 2 bên đường phải đi qua vỉa hè thì mới vào được nhà. Muốn vào cơ quan, khách sạn, trung tâm thương mại cũng vậy, đi qua vỉa hè mới vào được bên trong. Những đối tượng đó là đối tượng được ưu tiên hơn cả người đi bộ từ nơi khác tới", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đề án cần quan tâm đầy đủ hơn đến các đối tượng liên quan đến hoạt động cho thuê vỉa hè, lòng đường. Đồng thời cần xem xét chi tiết về nhu cầu sử dụng của từng đối tượng.
"Vỉa hè liên quan nhiều đối tượng lắm, không thể đơn thuần chỉ liên quan đến người đi bộ, người bán hàng mà liên quan đến cả cộng đồng dân cư, cộng đồng xã hội xung quanh. Chỉ khi quy định phản ánh được nhu cầu chung của các đối tượng thì quy định đó mới có khả năng thực hiện được và đi vào thực tiễn", ông Tuấn phân tích.
273 tuyến phố đủ điều kiện áp dụng
Theo đề án, có 6 tiêu chí để cho thuê vỉa hè, trong đó, hè phố cho phép kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 3 m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở Q.Hoàn Kiếm). Bề rộng hè phố đảm bảo từ 3 m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5 m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ xe.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3 m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép…
Căn cứ đặc điểm của 273 tuyến phố, 889 vỉa hè đã khảo sát, đồng thời dựa trên các tiêu chí được đưa ra, Sở Xây dựng đã đề xuất 9 mô hình áp dụng với các vỉa hè có bề rộng mặt cắt từ tối đa 1,5 m đến hơn 7,5 m để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ xe.
Bình luận (0)