Chợ tiền tỉ bỏ không

08/04/2021 08:06 GMT+7

Với một tỉnh nghèo như Quảng Trị, sự tồn tại của những ngôi chợ “lạ” này gây nhức mắt đối với người dân, dư luận, và là ví dụ điển hình cho sự lãng phí .

Chợ chỉ có... 2 tiểu thương

Chuyện tréo ngoe đó đang diễn ra ở chợ trung tâm xã Triệu Đông (trước thuộc xã Triệu Đông, nay là xã Triệu Thành, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Chợ trung tâm xã Triệu Đông được hoàn thiện năm 2018 với mức đầu tư 3,3 tỉ đồng. Chợ được xây dựng với tổng diện tích 540 m2 trên nền đất 2.500 m2. Năm 2019 đã đấu giá được 34 lô, quầy ở chợ với tổng số tiền 86 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngôi chợ chỉ có... 2 tiểu thương buôn bán.
Nguyên nhân ngôi chợ này “thất thủ” bởi không cạnh tranh nổi với 2 chợ xép tự phát cách đó vài trăm mét. Cụ thể, dù nhếch nhác, lấn chiếm giao thông nhưng chợ xép thôn Nại Cửu và chợ xép thôn Bích La Đông có hơn 130 hộ tiểu thương dựng lều bạt buôn bán. Các tiểu thương bám 2 ngôi chợ xép này vì tiền chợ rẻ (chỉ 2.000 - 5.000 đồng/ngày và trả ngay trong ngày) và vì đã quen buôn bán ở khu vực. Phần nữa do thói quen đi chợ của người dân địa phương, dù chính quyền xã đã tích cực vận động.
Trong khi đó, tiểu thương đã vào trong chợ mới tiền tỉ cũng khổ. Như bà Hoàng Thị Hường (thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành) cho biết tháng 4.2019, bà tham gia đấu giá 1 ki ốt ở chợ trung tâm xã Triệu Đông với giá 40 triệu đồng/5 năm. Những tưởng chợ mới sẽ tấp nập bán buôn nhưng không ngờ sau hơn 2 năm, chỉ có bà và 1 tiểu thương nữa buôn bán. “Chỉ khi chính quyền thực hiện lời hứa, dẹp bỏ 2 chợ xép, đưa toàn bộ tiểu thương vào chợ mới buôn bán thì chúng tôi mới thoát cảnh… cô đơn này”, bà Hường nói.
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Triệu Thành, cho biết trước khi xây chợ mới, chính quyền đã lấy ý kiến người dân thì rất được ủng hộ, nhưng thực tế lại khác. “Chợ mới không ai vào, gây lãng phí, còn chợ xép thì mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị xã sẽ tích cực vận động tiểu thương và chúng tôi rất mong được ủng hộ”, ông Phương nói.

Chợ Mai Xá không có tiểu thương vào buôn bán

Ảnh: THANH LỘC

Chợ tiền tỉ thành... chợ hoang

Tệ hơn chợ trung tâm xã Triệu Đông, chợ Mai Xá (xã Gio Mai, H.Gio Linh, Quảng Trị) thậm chí còn không có tiểu thương nào vào buôn bán, dẫu được đầu tư lên tới 3,9 tỉ đồng, phần nhiều từ nguồn ngân sách nhà nước. Công trình này hoàn thành cuối năm 2019, bàn giao đưa vào sử dụng đầu năm 2020, nhưng chính quyền địa phương bất lực khi không mời được tiểu thương vào chợ. Cũng vì không có tiểu thương nên chính quyền không thu được số tiền đấu giá lô quầy như kỳ vọng (3 lần đấu giá, chỉ có 4 lô được mua với số tiền 77 triệu đồng). Vì thế, công trình còn đang nợ nhà thầu thi công 500 triệu đồng.
Cũng theo tính toán của ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai, nếu được chấp thuận phương án và người dân tham gia thì số tiền đấu giá được thu vào khoảng 475 triệu đồng, gần đủ để trả nợ cho nhà thầu thi công. Ông Lương đề nghị UBND H.Gio Linh nhanh chóng có phương án chỉ đạo để đưa chợ Mai Xá vào hoạt động, tránh lãng phí.
Đáng nói, hơn một năm nay, hàng chục tiểu thương tập trung buôn bán ở chợ xép, nằm trong khu vực trung tâm học tập cộng đồng thôn Mai Xá. Theo nhiều tiểu thương, họ rất muốn vào chợ mới cho đàng hoàng nhưng giữa họ và chính quyền “không có tiếng nói chung” trong việc thuê lô quầy. “Mức cho thuê lô quầy từ 14 - 18 triệu đồng/10 năm là quá cao vì chúng tôi buôn bán ở chợ được khoảng 1 - 1,5 tiếng đồng hồ, thu nhập không bao nhiêu. Đã thế lại còn nộp 1 lần, chúng tôi không đủ tiền”, bà Nguyễn Thị Lựu (66 tuổi, trú xã Gio Mai) bán đồ ăn sáng cho hay.
Trong khi đó, bà Hà Thị Phượng (bán rau củ) trăn trở, bà nay đã 80 tuổi, mà nộp tiền thuê lô quầy ở chợ Mai Xá 10 năm một lần, trong khi bà cũng không biết có sống được thêm 10 năm. Vì thế, tiểu thương đề nghị chính quyền giảm tiền đấu giá lô quầy và cho nộp tiền thuê theo tháng, quý hoặc theo năm.
Ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai, cũng thừa nhận người dân không tham gia đấu giá vì các tiểu thương già cả, buôn bán mặt hàng nhỏ lẻ, lượng hàng hóa tiêu thụ không lớn, thời gian họp chợ ngắn. “UBND xã đã họp dân và thống nhất đề nghị UBND H.Gio Linh điều chỉnh phương án giảm 45% mức giá bình quân so với giá khởi điểm ban đầu cho từng lô quầy; đồng thời cho tiểu thương nộp tiền 2 lần, lần 1 nộp sau khi trúng đấu giá, lần 2 sau 1 năm kể từ ngày nộp tiền lần 1”, ông Lương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.