Chợ tiền tỉ xây xong chờ tiểu thương

24/08/2023 09:25 GMT+7

Nhiều ngôi chợ ở Quảng Ngãi được đầu tư tiền tỉ nhưng sau khi hoàn thành lại không có tiểu thương hoặc ít người đến buôn bán gây lãng phí, khiến dư luận bức xúc.

DO GIÁ THUÊ CAO

Chợ Ga (thuộc xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 4 tỉ đồng, có diện tích 4.000 m2. Thế nhưng, sau hơn 2 năm xây dựng hoàn thành, chợ vẫn không thể đi vào hoạt động.

Quảng Ngãi: Chợ tiền tỉ xây xong chờ tiểu thương

Theo tìm hiểu của PV, để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán, phục vụ đời sống người dân cũng như thực hiện chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới, UBND xã Tịnh Thọ đầu tư xây dựng chợ Ga. Tuy nhiên, sau khi chợ xây dựng xong, tiểu thương vẫn không vào chợ, mà buôn bán ở một chợ tạm cách đó không xa, thậm chí còn lấn chiếm lòng, lề đường để hoạt động. Còn chợ mới vẫn phơi nắng mưa nên tường bị ẩm mốc, xuống cấp, cỏ dại mọc xung quanh.

Từ đơn thư bạn đọc: Chợ tiền tỉ xây xong chờ tiểu thương - Ảnh 1.

Chợ Ga (xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xây xong chờ tiểu thương

HẢI PHONG

Còn chợ Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương, H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã xây dựng xong cách đây gần 6 năm với vốn đầu tư gần 5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa do UBND H.Tư Nghĩa làm chủ đầu tư. Chợ có diện tích gần 4.800 m2, gồm các hạng mục chính như nhà lồng với 32 lô sạp và 2 dãy nhà có gần 20 ki ốt.

Hiện nay, đã có tiểu thương vào chợ Nghĩa Phương thuê lô, sạp để bán nhưng công năng sử dụng chỉ được một nửa. Phía nhà lồng của chợ hiện tại làm nơi ngồi nghỉ mát, chất phế liệu và bãi đậu xe. Còn khoảng 5 ki ốt vẫn đang đóng cửa im lìm và gần 10 lô sạp chưa có người thuê. Một số hạng mục như hệ thống chữa cháy bị hoen gỉ theo thời gian.

Theo một số người dân, nguyên nhân chính là do cách bố trí, thiết kế của chợ Nghĩa Phương bất hợp lý, giá thuê cao. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền vận động, tổ chức đấu giá nhưng vẫn chưa có tiểu thương tham gia đấu giá vào các lô sạp còn trống.

Bà Trần Thị Thịnh, tiểu thương ở chợ Nghĩa Phương, cho hay ít người chịu vào chợ buôn bán vì xây dựng, bố trí phân khu không hợp lý, nhà lồng và ki ốt cách quá xa cổng chợ. "Chợ Nghĩa Phương có rất ít người đến mua mà giá thuê các lô sạp lại cao, nên tiểu thương cũng không mặn mà gì", bà Thịnh cho biết thêm.

Từ đơn thư bạn đọc: Chợ tiền tỉ xây xong chờ tiểu thương - Ảnh 2.

Khu nhà lồng chợ Nghĩa Phương trở thành nơi ngồi nghỉ mát, đậu xe và chứa phế liệu

QUÁ ÍT TIỂU THƯƠNG ĐẤU GIÁ

Bà Huỳnh Thị Ánh, tiểu thương ở chợ Ga, cho biết bà kinh doanh nhỏ lẻ, mỗi sáng lên chợ buôn bán chỉ lãi được vài chục nghìn đồng. Trong khi đó, chính quyền địa phương ra giá thuê mặt bằng rất cao và buộc phải nộp tiền một lần sau khi trúng đấu giá, nên nhiều tiểu thương không có khả năng chi trả.

"Chúng tôi mong chính quyền địa phương giảm giá cho thuê, đồng thời tiền thuê lô sạp nên đóng theo hằng tháng để tạo thuận lợi cho các tiểu thương vào chợ buôn bán ổn định", bà Ánh nói.

Theo chính quyền UBND xã Tịnh Thọ, khi chợ hoàn thành, địa phương đã vận động tiểu thương vào kinh doanh và tổ chức đấu giá 2 lần vào năm 2023 cho 104 lô sạp (mỗi lô có diện tích từ 4 đến 4,6 m2). Thời hạn cho tiểu thương thuê là 5 năm, với giá từ 22 đến 25 triệu đồng/lô/5 năm, tiền thuê đóng một lần.

Ông Nguyễn Thành Vy, Chủ tịch UBND xã Tịnh Thọ, cho biết sau khi chợ hoàn thành, UBND xã đã tổ chức đấu giá theo quy định 2 lần. Tuy nhiên, trong 2 lần này, số lượng tiểu thương tham gia đấu giá quá ít, chỉ có được 2 hộ đấu cho 3/104 lô sạp. Những hộ tiểu thương hiện buôn bán trong chợ cũ thì không tốn bất kỳ một khoản chi phí nào. Chợ Ga mới sau khi được đầu tư xây dựng và được công nhận là chợ hạng 3 nên phải tổ chức đấu giá.

"Trước những khó khăn trong việc đưa chợ Ga vào hoạt động, UBND xã Tịnh Thọ đã báo cáo xin ý kiến của UBND H.Sơn Tịnh. Sau khi huyện có ý kiến, xã sẽ tổ chức họp tiểu thương với mục tiêu đưa chợ vào hoạt động để tránh gây lãng phí, đồng thời việc nộp tiền thuê lô cũng theo tháng hoặc quý để bà con tiểu thương thuận tiện tham gia", ông Vy cho biết thêm. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.