Nửa thế kỷ qua, đối diện với bến xe khách Chợ Lớn - TP.HCM vẫn tồn tại một khu chợ khá đặc biệt: chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung, Q.6.
Những người bán hàng hầu hết đều luống tuổi. Bà Dương Thị Hai (76 tuổi, ngụ trên đường Ba Tháng Hai, Q.11), miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay nhẹ nhàng lau sạch từng quả cau để kết buồng. Bán hàng ở đây từ trước năm 1975, bà nói hồi đó cả đường Lê Quang Sung này tấp nập lắm, chỉ có mỗi trầu cau thôi mà người mua kẻ bán nườm nượp. Bây giờ chỉ còn trên dưới chục hàng ngồi co cụm trên đoạn đường chưa đầy trăm mét từ Nguyễn Hữu Thuận đến Chu Văn An.
Cảnh mua bán chỉ còn nhộn nhịp vào mỗi dịp cuối tuần, cuối năm cận tết hay mùa cưới. Một mâm trầu cau làm lễ vật ngày ăn hỏi chỉ có giá 150.000 đồng, với 60 trái cau và mười bó trầu dắt quanh. Trên mỗi quả cau đều dán chữ “hỉ”, gắn nơ hồng và dắt thêm nhánh hoa cau rất khéo.
Chị Thanh Hà, nhà ở Q.5 đến mua một mâm lễ chuẩn bị đám cưới của con trai, nói: “Nhà cưới đứa thứ nhất nên cũng không biết nhiều nghi lễ. Đến đây các bà các cô chuẩn bị mâm lễ cẩn thận, đầy đủ, còn chỉ cho mình từng chút một xem mua bao nhiêu trầu, bao nhiêu cau, mang về đặt ở đâu, lễ lạt như thế nào, yên tâm lắm”.
“Con cháu tui cứ rầy la hoài, nhưng tui nói cho má đi bán hàng cho vui, chứ một ngày ở nhà thôi là má buồn chân buồn tay lắm. Bán vài ký trầu với mấy chục cau chẳng lời lãi bao nhiêu đâu, đấy là chưa kể trầu cau còn không để được lâu, bán không hết hàng là trầu dập, cau héo ai mà mua. Nhưng mà vui lắm, tui không đi là khách quen người ta kiếm không được. Thế nên ngày mưa ngày gió tui cũng phải cố đi cho bằng được” - bà Hai cười nói.
Với giá bán lẻ cau 1.000 -1.500 đồng/quả, 50.000 đồng/kg trầu và tốc độ bán mua đìu hiu, ảm đạm, những người bám chợ dường như sống với nghề bằng hoài niệm chứ không phải lời lãi.
Cụ Nguyễn Thị Lên (78 tuổi), thường gọi là cụ Sáu Lên, quê ở Bà Điểm, Hóc Môn. Hằng ngày, đúng 4g30, bà cùng con dâu và cháu gái lục tục bắt xe buýt số 23 lên đây ngồi bán hàng. Bà bảo đi bán phụ con phụ cháu thôi, chiều rồi chúng nó lại bắt về sớm. Lên đây ngồi kết chùm, kết buồng cau, rảnh thì chạy qua hàng nọ hàng kia ngồi nói chuyện.
“Người ta cứ lo kẻ bán người mua rồi đến tan tác cả thôi, nhưng chắc chừng nào người Sài Gòn cưới mà không cần trầu cau nữa thì chợ này mới dẹp. Còn tui phải bán đến khi nào không còn đi bán được nữa mới thôi” - bà Sáu bảo vậy.
Theo Mai Hoa / Tuổi Trẻ
>> Cổ vật để thưởng thức trầu cau
>> Chợ Tết cuối năm ở Little Sài Gòn
>> Người dân Sài Gòn háo hức dạo phố xuân
>> Tấp nập chợ nổi trái cây giữa Sài Gòn
>> Lá tết cho Sài Gòn
Bình luận (0)