Chợ truyền thống, trung tâm thương mại vắng vẻ

25/02/2023 07:27 GMT+7

Thông tin nhiều cửa hàng trong Bitexco "cửa đóng then cài" đang gây bất ngờ cho nhiều người bởi tòa nhà văn phòng thương mại Bitexco từng là địađiểm vui chơi, mua sắm của người dân lẫn du khách đến TP.HCM.

Đây cũng là một trong những biểu tượng cho sự phát triển kinh tế, thương mại của thành phố năng động nhất cả nước.

TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI ĐÌU HIU

Tại Bitexco hiện giờ, hàng loạt cửa hàng ăn uống, thời trang đóng cửa khiến nhiều tầng rơi vào cảnh đìu hiu. Hầu hết cửa hàng ở tầng 1, tầng 2 đã ngưng hoạt động. Tầng 3 của tòa nhà từng có rạp chiếu phim cũng "cửa đóng then cài" và từ đó đến tầng 6 đều đóng cửa. Ban quản lý tòa nhà Bitexco Finacial Tower vừa phát đi thông báo giải thích nhiều cửa hàng tại các tầng trong trung tâm thương mại (TTTM) và dịch vụ Icon68 đóng cửa, trả mặt bằng do tòa tháp đang có kế hoạch cải tạo, nâng cấp để phục vụ khách hàng với nhu cầu cao hơn. Dự kiến, một số hạng mục có thể đưa vào sử dụng trở lại từ quý 2/2023…

Chợ truyền thống, trung tâm thương mại vắng vẻ - Ảnh 1.

Hàng loạt cửa hàng tại Trung tâm thương mại Bitexco đóng cửa

Nhật Thịnh

Nhưng ngay cả lý do của Bitexco cũng không "bào chữa" được tình trạng vắng khách ở một số TTTM tại TP.HCM hiện nay. Khảo sát của chúng tôi vào hôm qua 24.2 cho thấy hầu hết TTTM lớn tại khu vực trung tâm đều vắng khách. Gần 11 giờ ngày 24.2, tại NowZone (đường Nguyễn Văn Cừ, Q.1), ngoại trừ các cửa hàng cà phê nằm ngay mặt tiền có khách còn bên trong hầu như vắng lặng. Từ các quầy hàng đồng hồ mắt kính ở tầng trệt lên đến tầng 3 với nhiều cửa hàng, shop quần áo, hàng gia dụng… không một bóng khách. Lác đác vài người dẫn con nhỏ đi dạo vòng quanh nhưng không có ai ghé vào các gian hàng.

Diamond Plaza vắng vẻ, nhân viên nhiều hơn khách hàng

Tình trạng này có đỡ hơn tại TTTM Vạn Hạnh Mall (Q.10) vào gần sát giờ trưa nhưng quan sát cho thấy chủ yếu là khách vào siêu thị Co.opXtra ở tầng hầm và một số gian hàng ăn uống trên các tầng cao. Còn các gian hàng đồ tiêu dùng của những thương hiệu nước ngoài đến trong nước đều ế ẩm. Hiếm hoi có vài khách hàng nữ ghé vào một gian hàng giày đề bảng giảm giá 50% để lựa chọn. Chị Ngọc Mai (Q.3) cho hay thỉnh thoảng chị có đưa con đến TTTM Vạn Hạnh Mall vui chơi giải trí vì đây là địa điểm mới, có nhiều dịch vụ đa dạng từ rạp phim đến nhà sách, ăn uống… 

"Riêng việc mua sắm tại TTTM rất ít, trừ khi tháng cuối năm có nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá thì tôi mới lựa chọn", chị Mai nói. Đó cũng là tâm lý đến TTTM của nhiều người TP hiện nay. Ngay một số TTTM vốn được xem là nhộn nhịp nhất của TP.HCM như Takashimaya, Crescent Mall… quy tụ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng nhưng cũng chỉ thu hút khách hàng trong những ngày cuối tuần dù so với trước cũng giảm hơn. Và đa phần khách hàng đến TTTM cũng chỉ là đi chơi, ăn uống hay xem phim, trong khi các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách thì lướt qua khá hờ hững.

Bitexco vắng vẻ bất ngờ, nhiều gian hàng cửa đóng then cài

Chợ truyền thống, trung tâm thương mại vắng vẻ - Ảnh 2.

Hoạt động mua bán ở chợ dân sinh vắng vẻ

NG NGA

SỨC MUA Ở CHỢ CŨNG GIẢM MẠNH

Tại các chợ dân sinh, nơi những bà nội trợ có thói quen xách làn đi chợ hằng ngày hiện cũng vắng vẻ. Đến chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) lúc 9 giờ - khung giờ cao điểm nhất - thì nhiều quầy sạp ngay trong nhà lồng cũng không có cảnh mua bán. Một dãy 6 quầy bán thịt các loại trước đây, nay nghỉ bán, được sử dụng làm nơi chứa ghế, thùng nhựa cũ kỹ. Ước tính các quầy sạp bán thịt trong chợ chỉ còn hơn 50% mở bán, còn lại bỏ không, phủ bụi. 

Một tiểu thương bán thịt heo cạnh những sạp trống này cho hay: "Mấy sạp này đóng cửa từ năm đầu tiên dịch bùng phát, chắc họ không quay lại chợ nữa, mà cũng không có người khác thuê bán…". Khung cảnh vắng vẻ cũng diễn ra ngay tại những quầy hàng ăn uống, nơi trước đây đông vui, nhộn nhịp nhất. Chị Liên, chủ sạp canh bún, so sánh giả sử trước bán được 10 tô, nay may mắn lắm chỉ được 5 - 6 tô, trong đó hết 2 tô từ khách vãng lai, khách thường xuyên tại chợ đã giảm hơn một nửa.

Tương tự tại chợ Tân Định (Q.1), một trong những chợ có mãi lực vào hàng nhất nhì quận trung tâm thì số người bán đông cũng hơn người mua. Quầy rau củ, thực phẩm đã vãn khách mua do vào giờ trưa. Tuy nhiên, theo chị Thắng, tiểu thương ở chợ này, có đến chợ lúc 8 giờ hay 15 giờ vẫn ít khách. "Nay mỗi ngày bán được 800.000 đồng - 1,1 triệu đồng là mừng rồi, trong khi trước đây ngày bán hơn 2 triệu đồng là bình thường", giọng chị Thắng không nén nổi sự chán nản.

Đặc điểm riêng của chợ Tân Định là thường có rất nhiều khách du lịch, giới văn phòng… mua sắm giày dép, vải, áo quần vào giờ trưa. Trước chợ là khu vực chuyên "trị" các mặt hàng vải "độc, lạ", bán theo ký hoặc theo khúc và rất hút khách vì "không đụng hàng". Nhưng theo chị Thuận - chủ sạp chuyên bán đồ phụ kiện thì "nay chợ ế lắm". Hỏi chị vì sao ế vẫn bán, chị thở dài "mình làm nghề mua bán, không ra chợ thì làm gì?". Vắng khách, chị kể trước đây trưa là giờ đắt hàng. Lúc nào quầy chị cũng có dăm ba khách vây quanh. Có người mua 4 - 5 sợi dây đeo cổ, mấy cái trâm cài áo chỉ vì thích. Rất nhiều người chuẩn bị đi ăn tiệc, đám cưới ghé mua để chưng diện.

"Nay thì mua một chiếc trâm cài áo hay sợi dây đeo cổ 150.000 đồng thôi cũng có lý do, mục đích rõ ràng. Trước khách Việt kiều có khi mua 50 - 70 món đồ để biếu tặng vì rẻ. Năm nay, Việt kiều về dịp Tết Nguyên đán, một số mối quen cũng có ghé mua, nhưng một người mua nhiều nhất là 15 món. Họ bảo phải thắt lưng buộc bụng, trang sức là thứ không quá cấp bách…", chị nhận xét.

Thị trường có nhiều trung gian đẩy giá lên làm cho nhà sản xuất lợi nhuận giảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải chịu giá cao. Đó là lý do lớn nhất khiến sức mua giảm. Ngoài ra, các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… đánh vào xăng dầu lúc này là phi thực tế, rồi thuế VAT tăng trở lại khiến nỗ lực kích cầu càng gian nan hơn. Nên Chính phủ cần xem xét để có giải pháp sớm, kịp thời hỗ trợ lại để tăng sức mua nhằm thúc đẩy kinh tế đi lên.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

PGS-TS Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận định sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu nhất là do thu nhập sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến chi tiêu của người dân giảm sút. Bên cạnh đó, các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu cũng giảm mạnh. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay cũng làm cho chi phí cơ hội của việc tiêu dùng đắt đỏ hơn khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, do đó cũng ảnh hưởng đến sức cầu. Chính vì vậy, lạm phát không phải là vấn đề đáng quan ngại của VN trong năm nay mà đáng lo hơn là suy giảm tăng trưởng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng nếu không có chính sách kích cầu đột biến lúc này thì mãi lực khó tăng, độ trì của thương mại kéo dài hơn. Trong khi đó, giá điện nhấp nhổm tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu tăng, thuế giá trị gia tăng cũng điều chỉnh tăng so với năm trước… Theo ông Phú, có một số vấn đề liên quan về giá cần quản lý kê khai và bám sát thực tế hơn, giúp kích cầu. Thứ nhất, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng hằng ngày tại VN đang cao một cách vô lý. 

Chẳng hạn, giá heo hơi giảm 37% so cùng kỳ năm trước, trong khi giá thịt heo bán trong một số siêu thị vẫn cao chót vót, lên 192.000 đồng/kg, trong chợ cùng loại là 150.000 đồng/kg. Như vậy, người tiêu dùng đã khó, đang bị "móc túi" đến 40.000 đồng/kg thịt từ chợ vào siêu thị. Hoặc cam sành tại miền Nam đang "giải cứu" là 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng tại Hà Nội ông vẫn phải mua 30.000 đồng/kg. Đó là những lý do khiến sức cầu đã yếu, càng không thể bật lên nổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.