Cho vay nặng lãi núp bóng dịch vụ xóa nợ xấu

19/11/2018 06:58 GMT+7

Tràn lan các dịch vụ nhận xóa nợ xấu trên hệ thống Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC, thuộc Ngân hàng Nhà nước) ra đời nhưng đằng sau đó là các chiêu lừa bịp, cho vay núp bóng lãi suất trên trời.

Lãi suất 90%/năm
Khi tiếp nhận hồ sơ vay vốn, các ngân hàng (NH) sẽ kiểm tra thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC để biết khách hàng có vay ở NH khác, có trả nợ đúng hẹn hay bị nợ xấu… rồi mới quyết định cho vay hay không. Xuất phát từ việc này, dịch vụ xóa nợ xấu “đã ra đời”. Hầu hết các dịch vụ nhận xóa nợ xấu đều cam kết “làm sạch” lịch sử tín dụng của khách hàng trên hệ thống CIC.
Đơn cử trang web Chungminh... quảng cáo: “Khi các bạn nộp hồ sơ và bị từ chối vay, tức là các bạn bị nợ xấu hoặc có lịch sử bị nợ xấu. Hãy dừng ngay việc đem hồ sơ đi nộp NH. Nếu nộp thì vẫn bị từ chối và nát hồ sơ. Gọi ngay cho chúng tôi, chúng tôi cam kết khi bạn dùng dịch vụ xóa nợ xấu sẽ vay được tiền NH và vay được nhiều tiền”.
Để đảm bảo quyền lợi và tránh những thiệt hại đáng tiếc, người dân có thể liên hệ CIC qua website hoặc tổng đài để được hỗ trợ. Ngoài ra gần đây xuất hiện một số tổ chức, cá nhân lợi dụng danh nghĩa của CIC để cung cấp báo cáo thông tin tín dụng cá nhân bất hợp pháp. Hành vi này có thể bị phạt lên đến 600 triệu đồng.
Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc CIC

Liên hệ qua điện thoại, người đầu dây hướng dẫn nếu khoản nợ xấu còn ở NH thì họ sẽ cho vay tiền để trả. Sau đó nếu muốn vay tiền NH, họ sẽ làm thủ tục nhưng khoản vay sau phải trên 100 triệu đồng mới nhận và sẽ thu phí tùy theo số tiền vay.
Liên hệ với nhiều trang web có dịch vụ xóa nợ xấu thì hầu hết đều triển khai việc cho vay tín chấp, thế chấp. Ở trang web xóa nợ k…bank.com giới thiệu những dịch vụ cho vay của các công ty như Công ty TNHH MTV tư vấn tài chính L. cho vay tín chấp từ 1 - 10 triệu đồng, tối đa 1 tháng, lãi suất 16.600 đồng/ngày đối với khoản vay 1 triệu đồng; Công ty CP S. cho vay tín chấp từ 1 - 5 triệu đồng qua online, chỉ cần cung cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, lãi suất vay 2.200 đồng/ngày trên 1 triệu đồng; Công ty cổ phần V. cho vay từ 10 triệu đồng, lãi suất 2.500 đồng/ngày trên 1 triệu đồng… Với mức lãi suất tính theo ngày như trên tương đương khoảng 7,5%/tháng và 90%/năm.
Ngoài ra, những dịch vụ này còn tìm kiếm đối tác là những nhân viên tín dụng của các NH để mua lại thông tin khách hàng đang có những khoản nợ xấu ở NH với giá từ 6.000 - 8.000 đồng/hồ sơ.
Lừa bịp lấy lãi, phí
Hiện NH phân loại nợ thành 5 nhóm. Nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn (quá hạn dưới 10 ngày); nhóm 2 nợ cần chú ý (quá hạn từ 10 - 90 ngày); nhóm 3 nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 - 180 ngày); nhóm 4 nợ nghi ngờ (quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày), nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 360 ngày). Khách hàng có nhóm nợ thứ 3 đến 5 được xem là nợ xấu và sẽ khó tiếp cận được vốn NH hơn. Nếu xóa được các chứng tích này, tiếp cận vay vốn đơn giản hơn.
Giám đốc xét duyệt hồ sơ tín dụng cá nhân một NH cổ phần tại TP.HCM khẳng định không thể nào xóa được nợ xấu trên hệ thống CIC. Thực chất, những người triển khai dịch vụ này muốn tiếp cận những khách hàng đang bị nợ xấu từ đó cho họ vay để trả nợ với lãi suất cao. Sau đó, cấu kết với cán bộ tín dụng ở NH cho khách hàng vay một khoản khác cao hơn để lấy phí từ 5%.
Vị giám đốc này cho hay các NH vừa qua triển khai phê duyệt hồ sơ tín dụng tập trung nên những dịch vụ này cũng khó “sống”. Tuy nhiên ở nước ngoài, dịch vụ này được NH công nhận, đặc biệt ở Mỹ đã triển khai khi tình hình kinh tế khó khăn. Trong trường hợp khách hàng trả nợ cho NH gặp khó khăn, bị áp lực, có thể thương lượng với một NH khác mua lại khoản nợ này, khách hàng sẽ trả lãi cao hơn nhưng được giãn thời gian vay, mức đóng hằng tháng cũng thấp hơn.
Ông Cao Văn Bình, Phó tổng giám đốc CIC, cho biết theo quy định, lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống trong vòng 5 năm. Chính vì vậy những dịch vụ xóa nợ xấu là hoàn toàn bịa đặt. CIC chỉ có thể sửa thông tin tín dụng của khách hàng trong trường hợp NH cung cấp thông tin sai sót kỹ thuật như nhầm ngày trả nợ, chuyển nhầm nhóm nợ của khách hàng từ nợ chú ý sang thành nợ xấu...
Công văn đề nghị chỉnh sửa thông tin này gửi cho CIC phải do tổng giám đốc của NH ký. Hơn nữa, dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng chỉ được CIC cung cấp cho các tổ chức tín dụng, hoặc chính khách hàng đó, chứ CIC không cung cấp cho một đơn vị khác hoặc một cá nhân khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.