Cho vay yếu, lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm

05/03/2024 10:49 GMT+7

Một số ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm vào đầu tháng 3 khi tình hình cho vay không mấy khả quan.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa giảm lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng có mức lãi còn 3,2 - 3,3%/năm; 3 tháng còn 3,3 - 3,4%; 6 tháng còn 4,3 - 4,4%; 12 tháng là 4,8 - 4,9%… Mức lãi suất cao nhất của nhà băng này là 5,6%/năm ở kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) giảm lãi suất huy động 0,2%. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng còn 3,2%/năm, 3 tháng còn 3,55%, 6 tháng còn 4,5%, 9 tháng còn 4,6%, 12 tháng còn 5%; từ kỳ hạn 15 tháng trở lên, lãi suất ở mức 5,5%. Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng giảm lãi suất 0,2%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng còn 2,9%/năm, 3 tháng còn 3,3%, 6 tháng 4,1%, 12 tháng 4,7%… Mức lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ 1,7 - 4%/năm.

Cho vay yếu, lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm- Ảnh 1.

Lãi suất tiếp tục giảm

NGỌC THẮNG

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng giảm từ 0,3 - 3%/năm so với mức cao nhất cách đây 2 tuần. Lãi suất kỳ hạn qua đêm xuống còn 1,46%/năm, 1 tuần còn 1,71%, 2 tuần còn 1,72%, 1 tháng còn 2,53%, 3 tháng còn 2,96%, 6 tháng còn 4,07%. Điều này cho thấy thanh khoản của các nhà băng khá dồi dào.

Nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm đi xuống theo một số ngân hàng là tình hình cho vay còn chậm. Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn âm. Mác dù nhà điều hành không công bố tăng trưởng tín dụng âm bao nhiêu nhưng theo số liệu công bố từ Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 2 âm khoảng 1%. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, tín dụng âm trong tháng 2. Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong tháng 1 giảm như Vietcombank là âm 2,3% so với cuối năm 2023, BIDV giảm 1,3%, MBBank giảm 0,7%....

Đại diện Agribank cho rằng dù lãi suất huy động đã giảm nhiều, nhưng lượng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vốn của các cá nhân, doanh nghiệp sụt giảm do vấn đề sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện, nguồn vốn từ đó trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.