Đêm mai 16.2 (mùng 7 tháng giêng), tại xã Trung Thành, H.Vụ Bản, Nam Định lại diễn ra phiên chợ Viềng. Phiên chợ cầu may này mỗi năm chỉ họp một lần nhưng không ai quên rằng ở đây có món “bê thui” nổi tiếng.
Để chuẩn bị cho chợ Viềng, người bán bê thui phải mua bê từ hàng tháng trước, đến phiên chợ mới mổ thịt. Anh Vũ Văn Hợp (ở xóm Phố, xã Trung Thành, H.Vụ Bản), người có thâm niên bán bê thui tại chợ Viềng gần 20 năm cho biết, mỗi phiên anh bán từ 10-15 con bê (khoảng 1,5 tấn thịt). Năm nay anh mua 13 con bê, đã thịt 3 con để bán cho những người đi chợ sớm.
|
Chỉ riêng tại xã Trung Thành, mỗi phiên chợ Viềng có khoảng 400 con bê được mổ, tương đương với 30 tấn thịt. Cộng cả khu vực thị trấn Gôi và xã Kim Thái - những nơi cũng diễn ra chợ Viềng, mỗi năm có khoảng 800 con bê được “hóa kiếp” dịp này.
Do nguồn cung trong địa phương không đủ, người ta phải lên các tỉnh miền núi hoặc sang Lào để mua bê. Anh Vũ Văn Châm, chủ một lò bê thui khác chiều qua cho hay, đến đêm sẽ đi Đô Lương, Nghệ An lấy 15 con bê đã đặt mua từ Lào về bán thịt tại chợ Viềng.
Tuy nhiên, để mua được thịt bê ngon tại chợ Viềng không dễ. Do bán khối lượng lớn, trong thời gian ngắn, nhiều chủ lò giết mổ theo lối công nghiệp như thui bằng ga, hoặc phun nước để tăng trọng lượng.
Bà Trần Thị Oanh, chủ lò bê thui Hùng Oanh nổi tiếng tại đây, nói loại bê ngon nhất là bê đực, trọng lượng khoảng dưới 1 tạ và phải thui bằng rơm. Theo bà Oanh, bê thui bằng ga rất nhanh, chỉ mất 20 phút so với thui rơm mất hơn 2 giờ nhưng thịt bê thui bằng ga sẽ oi, hôi, không thơm ngon bằng thui rơm.
Bê thui ga không khô thịt nên dôi hơn bê thui rơm khoảng 5-7 kg mỗi con. Để phân biệt, chỉ cần xem lớp bì là nhận ra: bê thui rơm bì vàng sậm, trong suốt, trong khi bê thui ga bì trắng, đục. Nếu thui nách, háng bê còn màu đen, bì hôi vì chưa chín.
Cũng theo bà Oanh, để tránh mua phải bê thui ngâm nước, cần chọn loại thịt bê có màu đỏ tươi nhưng sờ tay thấy ráo, không ướt.
Ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND H.Vụ Bản, Trưởng ban Chỉ đạo hội chợ Viềng Vụ Bản năm 2013 cho biết chợ Viềng gắn liền với Khu đền miếu Phủ Giày (trước đây gọi là chợ Phủ), có lịch sử vài trăm năm. Năm ngoái, có gần 30.000 người về dự chợ Viềng. Năm nay ngày nghỉ dài, ước tính sẽ có trên 30.000 người, riêng đêm mai sẽ có khoảng 50.000 người. Huyện Vụ Bản đã chuẩn bị lực lượng trên 500 người và có các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại chợ Viềng. Về việc có 2 chợ Viềng, ông Tuấn cho biết trước đây người dân phía nam tỉnh Nam Định ngại đi chợ Viềng Vụ Bản vì phải qua sông Đào bằng đò nên họp nhau lại thành chợ phụ bên kia sông, khu vực thị trấn Nam Giang, H.Nam Trực. Không chỉ tại Nam Giang, tại các bến đò để đi chợ Viềng Vụ Bản như xã Nghĩa Thịnh (H.Nghĩa Hưng), xã Mỹ Trung (H.Mỹ Lộc) cũng có chợ Viềng nhưng các chợ này đã dần vắng vì đường đến chợ Viềng Vụ Bản bây giờ rất thuận lợi. H.L |
Hoàng Long
>> Đà Lạt bắn pháo hoa 20 phút mừng năm mới
>> Mai anh đào "nhuộm" hồng Đà Lạt
>> Khu phức hợp thương mại đầu tiên ở Đà Lạt
>> Phương Trang mở tuyến xe chất lượng cao Cần Thơ - Đà Lạt
>> Bể đường ống, Đà Lạt thiếu hụt nước sạch
>> Chợ Viềng đất cảng
>> Đến chợ Viềng săn “hàng độc”
Bình luận (0)