(TS Xuân) Ở đâu có người Việt, ở đó có chợ Việt. Ở Berlin còn có một chợ Việt rất lớn khác là Trung tâm thương mại quốc tế Thái Bình Dương; còn nếu tới Prague, Czech, người Việt thường tìm đến Trung tâm thương mại Sapa - một Đồng Xuân khác ở châu Âu. Ở Úc có Little Saigon Shopping Centre nằm ở khu Footscray (Melbourne). Ở Mỹ có rất nhiều chợ Việt, như chợ Thái Bình ở Boston; chợ “chồm hổm” ở Houston, Texas; chợ ABC ở khu Little Saigon...
Một gian hàng bán tạp hóa ở chợ Đồng Xuân (Đức)
|
Thùy, bạn tôi, lấy chồng ở La Louviere, một thành phố cách thủ đô Brussels (Bỉ) khoảng 1 giờ tàu lửa. Hằng ngày Thùy đi học tiếng Pháp và làm thêm ở nhà trẻ, chẳng có thời gian rảnh. Nhưng đêm đến, cô miệt mài xới khoảnh đất ở sân nhà trồng rau thơm. Mấy cây rau thơm còi cọc mọc lên trong tiết trời lạnh lẽo châu Âu cũng đủ làm cô ấm lòng. Qua Bỉ đã 3 năm, nhưng chưa lúc nào cô thôi nhớ chợ Việt. Hễ rảnh là cô rủ người quen đi chợ châu Á gần biên giới với Pháp, để tìm kiếm vài món đồ dùng cần thiết, mua mớ rau thơm, rau giá... “Vừa rồi về VN chơi, nơi mà mình chạy tới đầu tiên là chợ. Cái gì cũng muốn mua, cũng muốn mang đi. Có bữa lội chợ buổi sáng, chiều đã lại ra chợ, ngồi tỉ tê nghe mấy cô bán rau, bán thịt nói chuyện. Ở đây, vào siêu thị có được trả giá hay nói chuyện với ai như ở chợ quê xứ mình đâu”, Thùy đau đáu.
Có lần tôi đến Linz, một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Đức, để thăm nhà anh Phong - một người quen. Cộng đồng người Việt ở Linz rất ít, chỉ vài chục người, do sau ngày nước Đức thống nhất, đa số đến định cư ở Berlin để tiện làm việc. Ở xung quanh khu vực này không có chợ Việt, lẫn chợ châu Á. Vì thế, mảnh đất vườn nhà anh Phong được tận dụng trồng rau để dùng và chia lại một phần cho bà con. Có nhà làm đậu hũ, rau giá để bán cho các gia đình người Việt khác. Đấy cũng là cách mà bà con người Việt ở một số nước châu Âu thường “chia ngọt sẻ bùi” với nhau.
Siêu thị Thuận Phát ở Mỹ bán nhiều hàng hóa nhập khẩu từ VN
|
Bến Thành, Đồng Xuân...
Anh Phong hay Thùy là những người không may mắn như nhiều người Việt ở Berlin (Đức) hay Paris (Pháp), Prague (Czech), bởi ở đây có những khu chợ không khí giống ở quê nhà. Chợ Đồng Xuân ở quận Herzberg phía đông Berlin có đầy đủ hình ảnh và không khí của một chợ Việt, kể cả tấm bảng thông tin dán chi tiết những tờ giấy giới thiệu việc làm, thông báo họp mặt, sửa máy tính, gia sư tiếng Việt...
Đồng Xuân có thể xem là chợ Việt sầm uất nhất châu Âu, rộng 2 ha, gồm 4 khu nhà với 450 hộ gia đình kinh doanh và hơn 1.000 người làm việc. Chợ Đồng Xuân vượt ra khỏi phạm vi kinh doanh của cộng đồng người Việt ở Đức, mà còn của nhiều nước Đông Âu lân cận và trở thành một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất Berlin. Không chỉ người Việt khắp nơi mỗi lần đến Berlin đều dành thời gian tới Đồng Xuân ăn uống, mua sắm mà du khách quốc tế cũng lặn lội tới đây. Du khách có tên Huukie ở Deidesheim (Đức) kể: “Một người bạn VN nói tôi hãy đến chợ Đồng Xuân vì có thể thưởng thức những món ăn ngon nhất thế giới. Tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời ở chợ và sẽ quay lại thường xuyên”.
Chợ Đồng Xuân bán hầu như đầy đủ các mặt hàng cần thiết cho một gia đình người Việt, từ rau củ, gừng, tỏi, riềng cho đến các đặc sản ngày tết như bánh chưng, bánh tét hoặc vàng mã. Bên trong chợ còn có một sạp sách báo bán các báo xuất bản ở VN và một khu bán đồ ăn thức uống, nhiều nhất là các hàng phở, xôi, chè. Ngoài ra còn có nhiều tiệm làm tóc, làm móng và cả xăm mình. Vừa bước vào cổng chợ, tôi có cảm giác như đang ở một nơi nào đó tại Hà Nội, vì hầu như chỉ nghe giọng Bắc.
Nếu đến Paris, hãy nhớ tới quận 13, khu vực có đông người Việt sinh sống nhất nước Pháp, để hòa vào không khí hàng quán, chợ Việt. Vừa ra khỏi ga tàu điện ngầm trung tâm Ivry tôi đã thấy nhiều bảng hiệu tiếng Việt, đi kèm tiếng Campuchia và cả tiếng Hoa, như tiệm “bán thịt heo quay, nhận quay cho lễ hội tiệc cưới”, quán phở 33, phở Bida, nhà hàng Paris Đông Phương, tiệm vàng Hạnh Phúc...
Đang lang thang ở sân giữa khu thương mại Tang Freres (bán chủ yếu các mặt hàng châu Á) tôi bất ngờ khi thấy bảng hiệu thật to: Chợ Bến Thành - cô Sáu Đào. Nói là chợ, nhưng thực tế là một siêu thị nhỏ. Cô Sáu Đào quê gốc Sóc Trăng mở chợ này từ 10 năm trước, xuất phát từ nhu cầu của chính cô - cần một chỗ để người Việt tụ tập và mua được những món quê hương. Dẫn tôi đi một vòng chợ, cô giới thiệu “có bán hạt giống cho các loại rau, bột nêm, mắm các loại như mắm nêm, mắm cá lóc, mắm tôm chua, mắm ruốc xào sả...”.
Khách đến chợ Bến Thành không chỉ có kiều bào người Việt ở Paris mà có cả người Pháp. Họ là những du khách từng đến VN, từng thử một vài món và không thể nào quên. Dù khuôn viên chợ Bến Thành này không lớn, nhưng cô dành một khu vực rộng hơn hết để trưng bày rất nhiều loại cà phê VN.
Sạp báo ở chợ Đồng Xuân bán nhiều báo, đĩa nhạc chuyển từ VN sang
|
Bảng tin rao vặt có nhiều thông tin liên quan đến cộng đồng ở chợ Đồng Xuân
|
Nhớ quay quắt chợ quê nhà
Ngay ở các quốc gia có đông người Việt sinh sống, có nhiều chợ bán đồ VN, nhưng nỗi nhớ chợ Việt truyền thống cũng chưa bao giờ nguôi trong lòng những người xa xứ. San Jose, bang California (Mỹ) có nhiều chợ bán hàng VN. Gọi là chợ, nhưng thực ra là siêu thị, phần lớn chủ người Hoa và thường gọi chung là chợ châu Á như chợ Lion, Ranch 99, Thuận Phát... Chợ bán đầy đủ thực phẩm VN, không thiếu món gì như các loại mắm, mì gói, gia vị nấu bún bò, bún riêu, phở. Ngoài ra, chợ cũng bán nhiều đồ ăn làm sẵn từ bánh ướt, bánh cuốn đến bò bía, gỏi cuốn, bì cuốn tới chè, bánh khoai mì nướng, bánh đậu xanh nướng, bánh bò, bánh giò, bánh bao rồi gà quay, vịt quay...
Dù đầy đủ là vậy, nhưng chị Loan, một người Việt sinh sống ở San Jose, tâm sự “vẫn nhớ quay quắt không khí chợ ở quê nhà, nhất là những ngày giáp tết”.
|
Bình luận (0)