Kỹ sư điện về quê làm nông dân
Mát mẻ, sạch sẽ, không có mùi hôi là điều đầu tiên khi bước vào trang trại vịt với quy mô 16.000 con của anh Thái Hòa Nam (41 tuổi, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình). Từ một kỹ sư điện, tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nay anh đã trở thành "ông trùm" chăn nuôi vịt ở Quảng Bình.
Trước khi trở thành một nông dân nuôi vịt, anh Nam từng có thời gian làm việc cho Tập đoàn Viettel, được cử đi nước ngoài làm việc. Trong thời gian này, anh Nam có cơ hội tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển, từ đó ấp ủ ước mơ sẽ thực hiện tại Việt Nam.
"Có cơ hội đi đến nhiều nước, nhiều nơi…, tôi được tiếp cận, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến. Riêng về vịt, có những nơi họ nuôi trên đỉnh núi cao, đầu tư cả một hệ thống vận chuyển từ trên núi xuống, cách thức họ chăm sóc, nuôi dưỡng vịt cũng rất hiện đại và hiệu quả", anh Nam chia sẻ.
Năm 2018, sau khi nghỉ việc, anh Nam trở về quê Quảng Bình rồi cùng một số người thành lập Công ty Nông nghiệp công nghệ cao An Việt, anh đã đi khắp các tỉnh, thành từ miền Trung đến miền Bắc để học hỏi, tìm hiểu thêm cách chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi vịt.
Với kiến thức của một kỹ sư sẵn có, anh Nam phối hợp với những người trong công ty tự sáng tạo, thiết kế chuồng trại, lắp đặt các thiết bị hiện đại và phù hợp nhu cầu để ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vịt khép kín.
Năm 2021, công ty của anh Nam đã đầu tư xây dựng trang trại An Việt Ecolife quy mô 3.000m2 với tổng vốn đầu tư hơn 12 tỉ đồng. Bên cạnh đó, anh còn hợp tác với đơn vị hỗ trợ thu mua sản phẩm là Công ty CP GreenFeed Việt Nam nhằm đảm bảo đầu ra và đưa sản phẩm xuất khẩu.
Cho vịt nghe nhạc jazz, tập thể dục
Việc hợp tác với đơn vị đảm bảo đầu ra, anh Nam cần phải có quy trình chăn nuôi vịt hiện đại, an toàn và mang lại chất lượng sản phẩm tốt. Mô hình chăn nuôi khép kín khiến vịt không có nhiều không gian sinh hoạt, vận động như nuôi truyền thống, vì vậy, anh Nam đã tìm hiểu, nghiên cứu để tạo ra một môi trường sống cho vịt tốt nhất.
"Trang trại của chúng tôi được đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điều hòa tự động, định lượng thức ăn, nước uống, nhiệt độ sẽ tự điều chỉnh tùy theo số lượng, thời gian tăng trưởng của vịt. Bên cạnh đó còn có các phương pháp cho vịt thư giãn bằng cách nghe nhạc, tăng cường vận động cho đàn vịt bằng hệ thống quạt", anh Nam nói.
Nghe qua có vẻ khó tin nhưng theo anh Nam chia sẻ, với cách nuôi như thế sẽ tác động vào quá trình sinh trưởng của vịt, sản phẩm cũng sẽ tốt hơn. Cách nuôi truyền thống có thể tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu, nhưng đổi lại vịt dễ nhiễm bệnh hoặc phát tán bệnh ra môi trường, hoặc thiệt hại do điều kiện môi trường dẫn đến sản phẩm có chất lượng thấp.
Từ năm 2021 đến nay, trang trại vịt của anh Nam hoạt động rất hiệu quả, mỗi lứa sẽ được xuất chuồng sau 45 ngày. Anh Nam xuất bán cho đơn vị thu mua với giá 49.000 đồng/kg, mỗi năm xuất bán được 6 lứa, trung bình mỗi lứa thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
"Tôi ao ước quê hương sẽ có những mô hình chăn nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho các bạn trẻ có đam mê, có mong muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp", anh Nam chia sẻ.
Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh đánh giá cao mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của anh Nam, và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện để mô hình này được nhân rộng trên địa bàn.
"Chúng tôi đã có nhiều lần tổ chức cho các nông dân có cơ hội tham quan tại trang trại chăn nuôi vịt của anh Nam. Đến nay mô hình phát triển rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế, hy vọng những mô hình tương tự sẽ tiếp tục phát triển trên địa bàn", ông Vinh phấn khởi chia sẻ.
Bình luận (0)