Chờ xử lý dứt điểm xe khách 'trá hình' tuyến cố định tại Tiền Giang, Bến Tre

21/09/2024 20:47 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải ở Tiền Giang công khai hoạt động xe hợp đồng như tuyến cố định, trong đó có DN còn "thò tay" sang tỉnh Bến Tre gom khách tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các nhà xe.

Không đăng ký tuyến cố định vẫn gom, trả khách công khai

Sau khi nhận được nhiều phản ánh của nhiều DN vận tải hành khách ở 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, PVThanh Niên ghi nhận nhiều nhà xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách với giấy phép xe hợp đồng nhưng công khai trung chuyển, gom trả khách như đang khai thác tuyến bến xe cố định. Nhiều nhất là xe của Công ty TNHH Duy Quý, Công ty TNHH XD-TM-DV Hùng Hiếu, Công ty TNHH MTV Tân Lập Thành (3 DN này cùng có trụ sở tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang). Mỗi nhà xe này đều có hoạt động bán vé giá cố định (chỉ lấy tiền nhưng không xé vé), gom, trả khách nhiều nơi để chạy tuyến Tiền Giang - TP.HCM. Cứ mỗi 15 đến 30 phút, 3 nhà xe này đều có xe xuất bến đi TP.HCM và ngược lại, chuyến đầu tiên vào khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày.

Chờ xử lý dứt điểm xe khách 'trá hình' tuyến cố định tại Tiền Giang, Bến Tre- Ảnh 1.

Xe của Công ty Duy Quý (Tiền Giang), và Duy Quý - Thảo Châu (Bến Tre) đậu gần như liên tục trên đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn này có biển cấm dừng cấm đỗ

BẮC BÌNH

Trên các tuyến đường dẫn vào cao tốc (TP.HCM – Trung Lương) là nơi cấm dừng cấm đỗ nhưng không hiểu sao, xe của các DN trên vẫn ngang nhiên đậu chờ khách, đón và trả khách, đậu san sát nhau. Thậm chí, trên các tuyến nội ô TP.Mỹ Tho như đường Ấp Bắc, Lý Thường Kiệt,… có cấm dừng, cấm đỗ theo giờ, song các hoạt động đón, trả khách của các DN trên vẫn phớt lờ lệnh cấm đó. Tình trạng này gây nhiều bức xúc cho người dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, cho biết, 2 DN Duy Quý và Hùng Hiếu đã không còn đăng ký khai thác tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ đầu năm 2024. Riêng DN Tân Lập Thành vẫn còn đăng ký khai thác tuyến cố định với số lượng 6 chuyến/ngày tuyến Bến xe (BX) Tiền Giang – BX.Miền Tây. Từ đầu năm đến nay, nhiều xe của các DN này bị Sở GTVT Tiền Giang phạt hành chính với lỗi không cấp "thẻ nhận dạng lái xe" cho lái xe theo quy định; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không thực hiện đúng quy định về đón, trả khách…

Chờ xử lý dứt điểm xe khách 'trá hình' tuyến cố định tại Tiền Giang, Bến Tre- Ảnh 2.

Người dân ở TP.Mỹ Tho rất bức xúc khi hàng ngày xe của 3 nhà xe này thường xuyên dừng đỗ đón trả khách nghênh ngang trên đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

BẮC BÌNH

"Thực trạng này (xe hợp đồng trá hình tuyến cố định - PV) đã tồn tại dai dẳng trong thời gian qua và có xu hướng phát triển ngày càng cao. Ngoài các nhà xe ở Tiền Giang, còn rất nhiều xe hợp đồng của các tỉnh hoạt động ngang qua địa bàn tỉnh Tiền Giang đón, trả khách như tuyến cố định. Các phương tiện này chủ yếu vận chuyển hành khách đến TP.HCM. Theo quy định xe hợp đồng được đón, trả khách tại những điểm ghi trong hợp đồng nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng khi tiến hành xử lý vi phạm. Sở GTVT Tiền Giang cũng cần sự phối hợp của nhiều ngành chức năng khác trong tỉnh và các Sở GTVT tại các tỉnh, thành có liên quan mới xử lý dứt điểm được", ông Thanh nói.

Gây bức xúc cho nhiều DN vận tải

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin "Bến Tre: Xe 'trá hình' tuyến cố định gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải". Ngay sau đó, UBND tỉnh Bến Tre có yêu cầu Sở GTVT Bến Tre báo cáo. Ngày 13.9.2024, Sở GTVT Bến Tre đã tổ chức phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra toàn diện về hoạt động của Công ty TNHH Duy Quý - Thảo Châu có địa chỉ tại đường Nguyễn Thị Định, TP.Bến Tre và địa điểm kinh doanh của DN này tại H.Giồng Trôm.

Chờ xử lý dứt điểm xe khách 'trá hình' tuyến cố định tại Tiền Giang, Bến Tre- Ảnh 3.

Nhà xe Duy Quý sang tỉnh Bến Tre cũng đăng ký xe hợp đồng nhưng hoạt động kinh doanh gom khách... như tuyến cố định, giống như cách hoạt động tại tỉnh Tiền Giang

ẢNH: BẮC BÌNH

"Chúng tôi vẫn chờ phía đại diện DN Duy Quý - Thảo Châu giải trình theo thủ tục về các hoạt động kinh doanh kiểu khai thác tuyến cố định trong khi DN này chỉ đăng ký, được Sở GTVT Bến Tre cấp phép kinh doanh xe hợp đồng. Nếu tình hình vẫn tồn tại gây bức xúc cho các DN kinh doanh tuyến cố định thì Sở GTVT Bến Tre sẽ xử lý nghiêm để chấm dứt kiểu kinh doanh gây mất công bằng trong cạnh tranh giữa các DN vận tải hành khách", ông Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Sở GTVT Bến Tre cho hay.

Hiện tại, nhiều DN kinh doanh vận tải hành khách ở 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vẫn đang bức xúc và trông chờ cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh "trá hình", cạnh tranh không lành mạnh trên. "Xe hợp đồng thì họ được tự chủ động khai với cơ quan hữu quan về các hợp đồng vận chuyển hành khách. Trong khi các DN vận tải khai thác tuyến cố định thì phải được Sở GTVT cấp giấy đủ điều kiện khai thác tuyến cố định, bắt buộc phải đăng ký với 2 bến xe của nhà nước (tại nơi đi, nơi đến - PV), trung bình mỗi tháng phải đóng phí bến khoảng 6 triệu đồng/xe, còn phải xé vé cho hành khách rồi đóng thuế giá trị gia tăng 10%/vé… Như vậy làm sao các DN có đăng ký khai thác tuyến cố định như chúng tôi có thể cạnh tranh nổi với những DN hoạt động trá hình như vậy", chủ một DN kinh doanh vận tải hành khách ở Bến Tre than.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.