Choáng: Giá máy bay lễ 30.4-1.5 đắt kỷ lục

14/04/2024 16:22 GMT+7

Từ Hà Nội đi Phú Quốc, một gia đình 3 người có thể phải trả tới hơn 30 triệu đồng riêng tiền vé máy bay, song, số lượng ghế trống cũng chỉ còn rất ít. Với tình hình này, nghỉ lễ 5 ngày song nhiều gia đình cũng chào thua, ở nhà cho khỏe.

Thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc có phần

Thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc có phần "thiệt thòi" nhất mùa cao điểm du lịch nội địa vì giá vé máy bay cao ngất ngưởng

N.A

4 lý do khiến giá vé máy bay 'leo thang'

"Bỏng tay" với vé máy bay

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ "chốt" lịch nghỉ lễ 5 ngày liên tiếp, chị Ngọc Thúy (Q.Tây Hồ, Hà Nội) liền lên xem thử vé máy bay tới một số điểm du lịch biển hướng miền Nam, miền Trung. Hồi đầu tháng 3, chị Thúy đã "ngó" qua các trang bán vé nhưng thời điểm đó, hàng không chưa tăng chuyến nên giá vé khá cao - rẻ nhất hơn 5,6 triệu đồng/vé khứ hồi đi Phú Quốc, nhà đi 4 người mất hơn 22 triệu tiền vé máy bay nên chị Thúy tạm ngưng kế hoạch.

Rút kinh nghiệm năm ngoái vé máy bay bất ngờ "quay đầu" giảm giá dịp sát lễ, cộng thêm thông tin các hãng bay ồ ạt bổ sung máy bay, tăng chuyến ở hầu hết các đường bay nên chị cũng hy vọng vẫn có thể tranh thủ nghỉ lễ 5 ngày đưa cả gia đình đi chơi xa 1 chuyến.

"Không xem lại không sao, giờ còn choáng hơn. Vé Hà Nội - Phú Quốc đi ngày 27.4 giờ thấp nhất cũng phải 6,5 triệu đồng/khứ hồi. Hồi tháng 3, ngó mấy chuyến bay của Vietnam Airlines thấy hạng phổ thông mà gần 4,5 triệu đồng/chiều đã hãi rồi, nay lên hơn 5,5 triệu đồng/chiều. Mà cũng chỉ còn vài ghế trống mỗi chuyến thôi. Có chuyến bay hạng thương gia hơn 13 triệu đồng/chiều, chỉ còn 1 ghế. Kinh hoàng thật. Tôi chưa bao giờ thấy giá vé máy bay cao như hiện nay" - chị Ngọc Thúy cảm thán.

Vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc hạng ghế phổ thông lên tới hơn 11 triệu đồng/vé khứ hồi

Vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc hạng ghế phổ thông lên tới hơn 11 triệu đồng/vé khứ hồi

Chặng Hà Nội đi Nha Trang, nếu đi chuyến tờ mờ sáng 27.4 cộng cả chuyến về rẻ nhất của Vietjet hơn 5,2 triệu đồng; bay với Bamboo Airways tốn 6,7 triệu đồng/khứ hồi; còn Vietnam Airlines lên tới 7,4 triệu đồng cho 1 cặp vé, hạng thương gia giá gấp đôi - gần 14,7 triệu đồng. Chỉ Đà Nẵng mới có giá vé khứ hồi khoảng 3 - 4 triệu đồng, nhưng hầu hết đều là các chuyến bay đêm. 

Tương tự, chặng Hà Nội - Đà Lạt giá vé máy bay cũng cao kỷ lục với vé khứ hồi của Vietnam Airlines dao động từ 7 - 8,5 triệu đồng hạng phổ thông, bay Vietjet thấp nhất 3,2 triệu đồng, có chuyến lên đến 8 triệu đồng. Chặng bay từ Hà Nội đi TP.HCM hiện cũng chỉ còn mức giá thấp nhất khoảng 3,4 triệu đồng/vé.

Thất vọng tràn trề, gia đình chị Ngọc Thúy đành giữ kế hoạch lái xe đưa con về ông bà ngoại ở ngoại thành chơi hết 5 ngày lễ.

"Đầu cầu" phía TP.HCM, giá vé máy bay đến một số điểm du lịch cũng khiến người dân choáng váng còn hơn cái nắng nóng kỷ lục của mùa khô. Nếu muốn bay tới "thiên đường tránh nắng" gần nhất là Đà Lạt, một gia đình 3 người sẽ phải chi ít nhất 11,5 triệu đồng tiền vé máy bay 2 chiều. Hãng Vietnam Airlines cũng chỉ còn số ít ghế hạng phổ thông giá này, vé hạng thương gia gần 4,4 triệu đồng/chiều.

Vé chặng TP.HCM - Đà Nẵng số lượng chuyến bay và chỗ trống còn nhiều hơn, song cũng dao động từ 3,9 - 5 triệu đồng/khứ hồi tùy hãng, ngang cao điểm Tết Nguyên đán.

Choáng: Giá máy bay lễ 30.4-1.5 đắt kỷ lục- Ảnh 3.

Các hãng hàng không bổ sung nhiều máy bay, tăng tần suất nhưng giá vé vẫn không "hạ nhiệt"

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Chuyển hướng đi tàu cũng khó 

Vé máy bay tăng cao, nhiều người dân đang chuyển hướng mua vé tàu hỏa làm phương tiện di chuyển dịp lễ 30.4 và 1.5 . Song, nhiều chặng "hot" đã gần kín chỗ, giá vé tàu dịp lễ cũng tăng nhẹ. 

Tìm mua tàu chặng Sài Gòn - Huế tối 26.4, chị Thu An (Q.7, TP.HCM) loay hoay mãi vì chỉ còn 2 chuyến nhưng khoang nào cũng đã kín chỗ. Thỉnh thoảng, chị An thấy hiện khoang trống nhưng khi bấm vào thì ghế lại để ưu tiên bán chặng xa hoặc chỉ còn duy nhất 1 giường nằm trong cả khoang, không thích hợp cho chuyến đi cặp đôi hoặc gia đình. Giá vé tàu từ TP.HCM đi Huế cũng gần 1,5 triệu đồng, chỉ rẻ hơn vé máy bay vài trăm ngàn đồng, trong khi thời gian di chuyển gấp 10 lần. 

"Tôi không nghĩ là vé tàu năm nay cũng "hot" như vậy. Vì chưa đi nên chưa thể so sánh nhưng nếu đứng trên mặt bằng chung, với giá vé như vậy thì chắc chỉ những người thật sự muốn trải nghiệm, thay đổi không khí, coi đây là hành trình du lịch mới thì mới chuyển từ đi máy bay sang đi tàu" - chị Thu An nhận xét.

Phía bắc, các tàu chạy cao điểm lễ 30.4 từ Hà Nội đi TP.HCM gần như kín chỗ. Trên trang web bán vé của ngành đường sắt, các tàu nhanh như SE3, SE4 số lượng vé chỉ còn khoảng 45 - 50 chỗ mỗi chuyến, chủ yếu là vé ngồi mềm và một số ít chỗ khoang 6 giường nằm.

Một số hành khách chuyển hướng du lịch bằng tàu hỏa nhưng giá vé một số chặng

Một số hành khách chuyển hướng du lịch bằng tàu hỏa nhưng giá vé một số chặng "hot" cũng không chênh lệch quá nhiều so với vé máy bay


Trước đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã tăng cường 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30.4 năm ngoái, lượng vé giảm một chút, nhưng tốc độ bán nhanh hơn. Theo lý giải, do giá vé máy bay cao nên hành khách có xu hướng chuyển sang đi tàu nhiều hơn, các chuyến tàu thường xuyên kín chỗ.

Do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên doanh nghiệp tăng giá vé 2 - 6% với tàu Bắc - Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Giá vé giường nằm Hà Nội - TP.HCM với khoang 6 giường là từ 1,3 đến gần 1,7 triệu đồng, khoang 4 giường từ 1,5 triệu đến cao nhất khoảng 2,7 triệu đồng mỗi lượt.

Theo khảo sát từ một số doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay nội địa tăng cao dẫn tới sự lấn lướt của tour xuất ngoại, bắt đầu từ dịp lễ 30.4 - 1.5 này kéo dài tới cao điểm hè. Số lượng gia đình đặt tour đi nước ngoài đang áp đảo. Một số tour tàu hỏa cũng bắt đầu khởi động, có tín hiệu quan tâm của khách hàng vì sự hấp dẫn của cảnh quan cùng những cải tiến hiện đại của phương tiện. Tuy vậy, với các tuyến không quá xa ở khu vực miền Trung, phần lớn du khách vẫn chọn hàng không để tiết kiệm thời gian, tham quan được nhiều hơn.

Các tuyến đi gần như TP.HCM tới Quy Nhơn, Phú Yên... người dân có xu hướng chuyển sang đường bộ khá nhiều. Các cung đường này thuận tiện cho đường bộ, khung cảnh khá đẹp nên những du khách không quá cập rập về thời gian sẽ chọn để vừa ngắm cảnh vừa giảm được chi phí vé máy bay, dành kinh phí cho dịch vụ lưu trú tốt hơn từ 4 - 5 sao.

Hàng không cấp tập tăng chuyến

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dự kiến tăng hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 với hơn 15.000 chỗ. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế trên 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ 26.4 - 2.5. So sánh cùng kỳ năm 2023, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%. Trong đó, các đường bay du lịch nội địa như giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo... được tăng tải nhiều nhất. Còn đối với mạng bay quốc tế, Vietnam Airlines tập trung các chuyến bay đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia. 

Trong khi đó, hãng bay Vietravel Airlines cho biết sẽ bổ sung thêm khoảng 1 - 2 chuyến bay chặng bay đi/đến các điểm như Đà Nẵng, TP.HCM, Bangkok (Thái Lan). Hãng vẫn tiếp tục lên kế hoạch để có thể tăng giờ bay và tăng chuyến bay đêm đến mức tối đa. Hãng Vietjet cũng dự kiến sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch trong tuần nghỉ lễ giỗ Tổ, 30.4 - 1.5. Ngoài ra, hãng cũng bổ sung tần suất các đường bay đến và đi từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.