Đầu tư pickleball
Pickleball là cái tên khá lạ lẫm, nhưng đang dần được nhiều người biết đến. Ngay cả những người ít chơi thể thao, khi xem báo, lên mạng hoặc trò chuyện ở đâu đó, chắc cũng đôi lần nghe đến trào lưu này. Dạo một vòng các sân pickleball trong thời gian gần đây, điều dễ nhận thấy là không khí rất sôi nổi bởi lượng người chơi lúc nào cũng đông đúc.
Chú Hùng, năm nay gần 60 tuổi, là khuôn mặt thân quen của cụm sân pickleball Happy Club trên đường Đào Sư Tích, H.Nhà Bè (TP.HCM). Trò chuyện với chúng tôi, chú Hùng cho biết: "Ngày nào tôi cũng ra sân chơi từ 2 - 3 tiếng. Người chơi càng lúc càng đông, sân thì ít, tôi phải lập nhiều nhóm khác nhau. Có nhóm tôi chốt luôn giờ chơi cố định, thu tiền luôn một lần, nếu không thì sẽ không có đủ sân để chơi".
Tình trạng cung không theo kịp cầu trong môn pickleball đang là câu chuyện diễn biến ở nhiều cụm sân pickleball tại TP.HCM. Chúng tôi đã thử liên hệ đặt sân pickleball tại Q.3, Q.7, Q.2 (nay thuộc TP.Thủ Đức) thì hầu hết đều lắc đầu và bảo rằng cần phải đăng ký trước. Cao Khoa, quản lý cụm sân Lan Anh (Q.3), cho biết các hội nhóm chơi pickleball ngày càng đông, hầu như các giờ đẹp trong ngày đều được "thuê bao" hết.
Chị Lưu Thị Sinh, chủ sân Happy Pickleball (H.Nhà Bè), là một người nhanh nhạy trong kinh doanh. Đang kinh doanh sân bóng đá cỏ nhân tạo, đầu tư phòng gym, bida… nên ngay từ khi môn pickleball vừa nhen nhóm chị đã đầu tư thêm cụm sân.
"Nhưng lượng người chơi tăng nhanh lắm, 3 sân cũng không đủ, tôi mở rộng thêm 3 sân nữa, đến bây giờ có 6 sân nhưng lượng người chơi đã lấp kín, hầu như các giờ "vàng" trong ngày đều có khách đặt dài hạn", chị Sinh phấn khởi thông báo.
Trên các diễn đàn pickleball, chủ đề đầu tư kinh doanh sân thi đấu luôn được nhiều người tham khảo. Thậm chí, trong một lần trò chuyện với chúng tôi, một cán bộ thuộc Liên đoàn Pickleball - quần vợt TP.HCM còn "tiết lộ" rằng chính mình cũng đang cùng với 2 tay vợt tennis nổi tiếng VN đang tìm đất trống để đầu tư xây sân pickleball vì thấy tiềm năng phát triển, lan tỏa trở thành môn thể thao đại chúng rất gần trong thời gian tới.
Anh Võ Văn Hải, chủ đầu tư ngụ tại Q.1 (TP.HCM), kể: "Hơn 1 tháng nay tôi và nhóm bạn đang tìm đất trống để đầu tư sân pickleball nhưng vẫn chưa có. Để đầu tư cụm sân cần ít nhất 1.000 m² và yêu cầu phải là nơi có dân cư đông, nhưng khi tìm được đất đúng theo ý mình thì họ chỉ cho thuê 1 - 2 năm. Hoặc có một số đất trống tại dự án cao ốc chưa xây dựng thì giá thuê lại quá cao. Môn này rõ ràng đang hot trend, cung không đủ cầu nhưng nếu đầu tư lớn thì cần phải tính toán rất nhiều".
Vừa thi đấu chuyên nghiệp vừa đầu tư, kinh doanh quần vợt, ông Huỳnh Phú Quý, có truyền thống 4 thế hệ đều có những VĐV quần vợt lừng danh của VN, cũng không thể đứng ngoài dòng chảy pickleball.
Hơn 20 năm qua, gia đình ông đã đầu tư và kinh doanh cụm sân quần vợt Kỳ Hòa và nay ông cũng đầu tư, kinh doanh thêm sân pickleball. Ông Huỳnh Phú Quý tính toán diện tích 1 sân quần vợt là 18,3 x 36,6 (m) trong khi diện tích 1 sân pickleball là 9,15 x 18,3 (m). Nếu như kinh phí đầu tư 1 sân quần vợt (chưa tính đất) là 850 triệu đồng thì 1 sân pickleball chỉ 180 triệu đồng. Ngoài ra, yêu cầu chiều cao của quần vợt là 13 m thì pickleball chỉ 7 m. Hệ thống bao quanh sân quần vợt phải là lưới sắt B40 thì pickleball chỉ là lưới đan chất liệu nhẹ.
"Tôi đang quản lý 8 sân quần vợt ở Kỳ Hòa (Q.10, TP.HCM). Trước đây sân luôn đông người chơi, nhưng trước phong trào pickleball nở rộ, sân quần vợt đã bớt nhộn nhịp hơn. Làm bài toán kinh doanh, mỗi giờ thuê sân quần vợt dao động từ 180.000 - 280.000 đồng, trong khi pickleball là từ 140.000 - 180.000 đồng. Rõ ràng, đầu tư pickleball lợi nhuận gấp nhiều lần so với quần vợt. Đó là chưa kể lượng sân pickleball hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu nên sắp tới, tôi sẽ chuyển thêm 3 sân quần vợt trong cụm 8 sân ở Kỳ Hòa thành 12 sân pickleball, ngoài 3 sân pickleball hiện có", ông Quý cho biết.
Chơi pickleball tiêu tiền nhiều không?
Theo tìm hiểu của người viết, cộng đồng pickleball phát triển nhanh chóng có sự đóng góp của công nghệ. Với ứng dụng Reclub được tải về trên smartphone, người chơi có thể kết nối với nhau để lập thành hội nhóm, thậm chí không cần quen biết ai cũng có thể đăng ký tham gia những trận "social" được chủ sân thiết lập vào giờ cố định.
Tại cụm sân USC ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), vào khung giờ "social" có thể thấy rất đông người chơi là giới doanh nhân, Việt kiều, người nước ngoài… tham gia chơi.
Nguyễn Lâm, một quản lý tại cụm sân này, chia sẻ: "Môn pickleball tạo ra cộng đồng rất vui. Nếu so với tennis thì pickleball dễ học hơn, phù hợp hơn với thể trạng người Việt. Nhờ sự kết nối của công nghệ, người chơi khắp nơi sẽ dễ dàng lựa chọn khung giờ phù hợp để chơi với nhau thông qua smartphone, thậm chí có thể biết được trình độ của người chơi để theo dõi, kết bạn và tạo thành hội nhóm riêng".
Ngồi cầm điện thoại lướt vài thao tác, anh Hồ Quý Tự, giám đốc một công ty nội thất tại Q.7 (TP.HCM), đã nhanh chóng đặt xong một "slot" (suất chơi game) cho buổi tối.
Anh Tự nói: "Bây giờ mọi thứ đều rất đơn giản thông qua ứng dụng điện thoại. Chủ sân có thể tạo được khung giờ để mọi người đăng ký giao lưu, người chơi có thể lựa chọn sân và khung giờ phù hợp. Thanh toán thì chuyển khoản. Ai đăng ký mà không đến vài lần thì bị đưa vào danh sách cảnh giác, sẽ bị hạn chế đặt slot hoặc yêu cầu phải thanh toán trước. Tôi đã từng chơi golf, tennis nên có nhiều trải nghiệm về mặt chi tiêu, nếu so với pickleball thì môn thể thao mới du nhập này tiết kiệm hơn rất nhiều. Kể cả trang bị giày, vợt, pickleball vẫn rẻ hơn nhiều so với tennis chứ chưa nói đến gậy đánh golf. Thật ra mấy năm nay kinh tế khó khăn, nhu cầu giao lưu kết bạn của tôi cũng giảm, tôi chỉ thỉnh thoảng đi đánh golf để "giữ mối", còn lại dành thời gian chơi pickleball, vừa giữ sức khỏe vừa tiết kiệm được một khoản kha khá".
Chu Chu (40 tuổi), chủ một hệ thống cửa hàng trà sữa tại TP.HCM, chỉ mới đến với pickleball một thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng bị cuốn hút. "Em làm mẹ đơn thân nên thời gian khá eo hẹp, mặc dù vậy cứ rảnh lúc nào là em sẽ ra sân chơi pickleball. Công việc kiếm tiền lúc nào cũng phải làm, nhưng sức khỏe quan trọng hơn, vả lại môn này rất đông vui, có thêm nhiều bạn mới nên tạo ra động lực để em ra sân mỗi ngày".
Ở giải pickleball do Báo Thanh Niên tổ chức vào tháng 7 năm nay, Chu Chu đã thi đấu nỗ lực và giành cúp vô địch ở nội dung newbie (người mới chơi). Khi chúng tôi hỏi rằng chơi pickleball có tốn tiền không, Chu Chu cho biết: "Mỗi ngày chỉ tốn khoảng 80.000 đồng để chơi, cây vợt thì chỉ tầm 1 triệu đổ lại, nhiều hot girl điệu đà thì tốn nhiều tiền để mặc đồ cho đẹp, còn tôi thì đơn giản lắm, cứ mặc tự do miễn sao di chuyển cảm thấy thoải mái, nên tính ra chi phí mỗi tháng vào khoảng 3 - 4 triệu đồng nếu chơi nhiều".
Những giải đấu đặc biệt
Khi nghe chúng tôi nói rằng giới nhà giàu ở Mỹ, nơi phát minh ra môn thể thao pickleball đang chuyển từ đánh golf sang pickleball, một lãnh đạo thể thao TP.HCM cho rằng phong trào pickleball ở VN có khi còn thay đổi nhanh hơn, vì người chơi đang dịch chuyển từ các môn như tennis, cầu lông, bóng bàn, đặc biệt môn thể thao này gắn kết được các thế hệ trong gia đình, có nhiều người chơi là mẹ con, vợ chồng, anh chị em… Trong lúc kinh tế khó khăn, bộ môn này vẫn phát triển chứng tỏ tiềm năng trụ vững lâu dài rất lớn.
Với đà phát triển của pickleball, các giải đấu được tổ chức khắp nơi, trong đó, có những đơn vị như cơ quan báo đài Trung ương, cơ quan công an một số tỉnh thành đứng ra tổ chức. Báo Thanh Niên vừa qua cũng đã tổ chức giải pickleball và tạo được hiệu ứng lan tỏa rất lớn, góp phần phổ biến pickleball và thúc đẩy thêm nhiều giải đấu phong trào diễn ra sau đó.
Mới đây, khi cơn bão Yagi đi qua để lại nhiều đau thương mất mát, TP.Thủ Đức đã phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ VN tổ chức giải đấu pickleball đặc biệt với sự góp mặt của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên để gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc. Qua sự kiện này, ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 2,7 tỉ đồng từ các cá nhân, tổ chức, đơn vị đóng góp.
Trong tháng 10 này, Báo Phụ nữ TP.HCM cũng lần đầu tiên tổ chức giải pickleball lần 1 với đối tượng chính là phụ nữ, trong đó có những nội dung thi đấu lạ lẫm như đôi mẹ - con, đôi vợ chồng, kể cả người chuyển giới nữ cũng được tham gia thi đấu. Mặc dù vậy, ban tổ chức giải đấu này vẫn yêu cầu đôi vợ chồng phải chứng minh tính hợp pháp bằng giấy đăng ký kết hôn. Trong khi đó, nhiều giải đấu phong trào do một số đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức thì cởi mở hơn, cụ thể: nội dung thi đấu đôi vợ chồng chỉ cần chứng minh được là ở chung với nhau (thông qua hình ảnh đăng tải công khai trên Facebook cá nhân) hoặc chứng minh có con chung…
Đại diện Liên đoàn Pickleball - quần vợt TP.HCM nhận định: "Đây chính là sự khác biệt của pickleball khi du nhập VN so với các môn thể thao khác. Các cặp vợ chồng cùng chơi với nhau, mẹ con cùng chơi với nhau, bạn bè đồng trang lứa làm quen thông qua ứng dụng smartphone cùng chơi với nhau… tạo nên một đặc trưng mà khó có môn nào so sánh được. Hình ảnh các vận động viên nam, nữ, người đồng tính, người chuyển giới cùng chơi với nhau trên sân pickleball không còn xa lạ gì nữa. Thông qua các giải đấu, các doanh nhân còn có thể gặp gỡ đối tác, tạo cơ hội kinh doanh hoặc tham gia vào các hoạt động thiện nguyện xã hội".
Liệu có "bạo phát bạo tàn"?
Dưới góc độ kinh tế, trước đầu tư dài hạn vào một môn thể thao thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là tuổi thọ của môn này sẽ kéo dài bao lâu? Chủ đề này cũng khơi mào cho khá nhiều cuộc tranh luận trên diễn đàn mạng xã hội.
Trước sự phát triển như vũ bão, sân pickleball đã mọc lên khắp nơi ở khắp các địa phương. "Tranh nhau đầu tư cho nhiều vào rồi lại có ngày tranh nhau thanh lý", "Dù ai có lời hay lỗ thì người hưởng lợi chắc chắn là ông thầu xây dựng"… Một vài ý kiến dự báo theo chiều hướng tiêu cực nhưng không hẳn đã vô lý. Trước khi pickleball dậy sóng, nhiều phong trào hay thú chơi đu trend của lớp trẻ cũng đã từng trở thành trào lưu một thời và sau đó lại trở về nốt trầm tĩnh lặng.
Đơn cử, trước dịch Covid-19, phong trào đi phượt bằng xe máy được lớp trẻ rỉ tai nhau và lan truyền nhanh chóng trên các hội nhóm. Ở thời điểm đó, các hội nhóm mọc lên như nấm. Mỗi tỉnh thành đều có chục nhóm, nhóm ít thì chục người còn đông thì lên đến cả trăm. Tôi nhớ có lần gặp ở đèo Hải Vân kín cả con đường từ đỉnh đèo đến dưới đèo. Trên thị trường, các cửa hàng chuyên phục vụ đồ chơi, dụng cụ bảo hiểm, đồ nghề trekking cũng mọc lên khá nhiều. Tuy nhiên, các phượt thủ "phong trào" quá đông tạo ra khá nhiều sự cố và điều tiếng không hay liên quan đến tình và tiền. Đến nay trào lưu đi phượt vẫn còn nhưng dần thu hẹp lại, thanh lọc bớt những người ăn theo và đi phượt hiện nay là những người đam mê thực thụ, hoặc kết hợp đi phượt với các chương trình thiện nguyện xã hội.
Chứng kiến pickleball đang trên đà lan rộng, anh Huỳnh Tuấn Kiệt, một phượt thủ mô tô lâu năm tại Q.10 (TP.HCM), nhận định: "Tôi từng chứng kiến thăng trầm của phong trào đi phượt. Nếu so sánh với diễn biến hiện tại của môn pickleball thì khá khập khiễng, nhưng một thú chơi hay trào lưu nào muốn tồn tại lâu dài đều phải trải qua quá trình sàng lọc. Chỉ những ai có đam mê thật sự và phù hợp thì mới có thể đeo đuổi lâu dài. Trước mắt, sự phát triển của môn pickleball tại VN đang là một thành công và hội đủ điều kiện để có thể duy trì sự hứng khởi trong thời gian tới".
Bình luận (0)