Vì sao nhiều trường hợp tiền sử dụng đất tăng cao?

26/10/2024 06:23 GMT+7

Sau thời gian dài tạm dừng, đến ngày 21.9 vừa qua UBND TP.HCM chấp thuận việc sử dụng bảng giá đất được ban hành theo luật Đất đai 2013 như đã thực hiện trước ngày 1.8 để giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trong giai đoạn từ ngày 1.8 đến khi có bảng giá đất điều chỉnh.

Quyết định của UBND TP.HCM đã tháo gỡ phần nào tình trạng ùn ứ hổ sơ sau một thời gian gián đoạn. Tuy nhiên, do gián đoạn nên nhiều hồ sơ bị lỡ bảng giá cũ, phải tính theo bảng giá mới cao hơn...

Nhiều thắc mắc về hệ số K

Nộp hồ sơ từ tháng 9.2023 để chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất ở cho miếng đất 58,9 m2 ở Q.12 nhưng mãi đến ngày 20.8.2024, ông Thạch Kim Trường Sơn mới được UBND Q.12 chấp thuận. Tuy nhiên, sau bao nhọc nhằn, vất vả và tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc, hồ sơ của ông cùng hàng chục ngàn hồ sơ của người dân trên địa bàn TP.HCM lại bị tạm ngưng tính nghĩa vụ tài chính vì vướng mắc liên quan đến bảng giá đất điều chỉnh. 

Đến ngày 21.9, UBND TP.HCM có công văn cho phép các Chi cục Thuế tiếp tục sử dụng bảng giá đất theo luật Đất đai 2013 để xử lý các hồ sơ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… cho đến khi TP ban hành bảng giá đất điều chỉnh. Dù vậy, mãi đến 22.10, hồ sơ của ông Sơn mới nhận được thông báo qua tin nhắn của Phòng TN-MT Q.12 lên nhận thông báo thuế. Tuy nhiên, ông đã bị sốc vì tổng số tiền sử dụng đất phải nộp lên đến 323 triệu đồng, trong đó giá đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng là 930.000 đồng/m2 và sau khi chuyển mục đích sử dụng là 6,4 triệu đồng/m2.

Vì sao nhiều trường hợp tiền sử dụng đất tăng cao?- Ảnh 1.

Người dân có nhiều thắc mắc vì tiền sử dụng đất tăng cao

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Đáng nói, lô đất của ông nằm ở vị trí 3 đường Nguyễn Văn Quá và hình thức sử dụng đất phải nộp theo thông báo thuế là: "Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng, xây dựng cơ sở lưu trữ tro cốt...". Ông Sơn khẳng định tất cả giấy tờ hồ sơ liên quan đều là cá nhân, xây dựng nhà ở riêng lẻ, không phải làm dự án nhà ở thương mại hay nghĩa trang. 

"Tôi không hiểu căn cứ vào quy định nào và tính toán như thế nào mà Chi cục Thuế Q.12 báo tiền sử dụng đất tôi phải nộp là hơn 323 triệu đồng, một con số quá lớn so với khả năng của tôi. Trong khi tôi hiện không có nhà ở, đang thuê nhà để ở, không sở hữu bất kỳ đất đai nhà cửa nào khác, hạn mức đất ở theo quy định ở TP.HCM hiện đang là 160 m2/1 người áp dụng cho Q.12. Xét về luật tôi chỉ chuyển mục đích 58,9 m2, dưới 160 m2 hạn mức đất ở nên tôi không thuộc nhóm bị điều chỉnh bởi hệ số K theo Quyết định số 56/2023, vậy căn cứ vào đâu để Chi cục Thuế Q.12 tính tiền sử dụng đất tôi phải nộp lớn như vậy?", ông Sơn đặt vấn đề.

Tương tự, bà Lan ở Q.Tân Phú cũng "choáng váng" vì tiền sử dụng đất tăng cao vô lý với hồ sơ tính tiền sử dụng đất cho khu đất 1.000 m2 chuyển từ đất thương mại dịch vụ lên đất ở. Bởi dù luật Đất đai 2024 đã bỏ hạn mức và bỏ hệ số K nhưng khi tính thuế, Chi cục Thuế Q.Tân Phú lại giữ hệ số K, bỏ hạn mức. Trong khi đó, hệ số K nơi đây được tính là 2,5 lần và hạn mức giao đất ở không quá 160 m2/cá nhân. Điều này đồng nghĩa với việc 160 m2 đất của bà Lan được tính tiền sử dụng đất theo bảng giá đất, phần còn lại nhân với hệ số K. Nhưng thực tế, toàn bộ diện tích đất của bà đều nhân với hệ số K là 2,5 lần. Khi bà Lan khiếu nại thì cán bộ thuế yêu cầu bà tạm tính, sau này có điều chỉnh sẽ tính sau. "Sợ hồ sơ bị kẹt lại sau ngày 31.10 giá đất sẽ tăng cao nên tôi tạm chấp nhận cho xong. Sau này tôi sẽ khiếu nại để đòi quyền lợi", bà Lan cho hay.

TP khẳng định tự quyết

Cho rằng số tiền sử dụng đất phải nộp tăng quá cao nên bà Thanh, một người dân trên địa bàn TP.Thủ Đức, nêu thắc mắc về cách tính thuế của ngành thuế cho các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Theo bà, luật Đất đai 2024 và Nghị định 103/2024 có hiệu lực từ ngày 1.8 không áp dụng hệ số K và hạn mức. Dù vậy, với những hồ sơ nhà đất nộp từ ngày 1.8 đến nay ngành thuế khi tính tiền sử dụng đất cho người dân vẫn áp dụng hệ số K nhưng lại bỏ hạn mức. "Theo Văn bản 5635 ngày 21.9 của UBND TP.HCM hướng dẫn tính tiền sử dụng đất theo giá đất trong Quyết định 02/2020 nhân với hệ số K theo Quyết định 56/2023. Theo Quyết định 56/2023 thì hệ số K chỉ nhân với diện tích đất vượt hạn mức, nhưng thực tế cơ quan thuế lấy hệ số K nhân với toàn bộ diện tích mà không trừ hạn mức sử dụng đất. Vậy xin được hỏi, cách áp dụng tính tiền sử dụng đất như thế có xuyên suốt, có đồng bộ không và có đúng luật hay không?", bà Thanh chất vấn.

Mang những bức xúc này của người dân đến hỏi ông Giang Văn Hiển, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thì được biết việc này Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND TP.HCM và quyền áp dụng bảng giá đất tại TP thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM nên cơ quan thuế căn cứ theo quy định tại thời điểm UBND TP cho phép để thực hiện.

"Trước đây do TP ban hành bảng giá đất ở thời điểm từ những năm 2020 và từ đó đến nay không thay đổi nên phải dùng hệ số K để điều tiết, làm sao để giá đất phù hợp theo từng năm. Hiện nay UBND TP cho áp dụng tiếp theo thì vẫn lấy hệ số K cho đến khi sửa đổi bảng giá đất, khi đó sẽ thay đổi. Theo quy định của luật Đất đai là UBND TP có quyền quyết định, thuộc thẩm quyền của TP và UBND TP cũng đã có phán quyết. Cơ quan thuế chỉ là đơn vị hành thu, dựa trên quy định có sẵn mà thực hiện. Cơ quan thuế chỉ nhận thông tin từ các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai đưa sang, nếu đủ điều kiện và được áp dụng chính sách bảng giá đất nào và giá nào thì trên cơ sở đó sẽ tính thuế. Mong người dân hiểu, để tránh khiếu nại, khiếu kiện mất thời gian khi mà cơ quan chức năng đang tìm mọi giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với pháp luật, với Nhà nước. Cơ quan thuế hay cơ quan chức năng khác cũng đang thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, không được phép thay đổi", ông Hiển cho hay.

Toàn bộ tiền sử dụng đất từ tháng 1 đến tháng 8 khi luật Đất đai 2024 chưa có hiệu lực được thu theo bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 và hệ số K theo Quyết định 56/2023. Đối với những hồ sơ từ 1.8 đến nay khi chưa có bảng giá đất điều chỉnh cũng thu như vậy nhằm đảm bảo công bằng, ổn định, vì quyền lợi của người dân như các trường hợp đã đóng trước đây. Việc thu tiền sử dụng đất như hiện nay thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của TP.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM

Kể từ ngày 1.8, theo Nghị định số 103/2024 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định nghĩa vụ tài chính hộ gia đình, cá nhân không còn phân biệt mức giá đất trong, ngoài hạn mức. Về giá đất áp dụng từ ngày 1.8, trong thời gian TP.HCM chưa ban hành quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2020 quy định bảng giá đất theo khoản 1 điều 257 luật Đất đai 2024, cơ quan thuế thực hiện theo công văn số 5635 của UBND TP.HCM về việc giải quyết nghĩa vụ tài chính, thuế về đất đai trên địa bàn TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.