'Choáng' với tiền thu phí đỗ ô tô không đủ trả cho người đi thu

17/09/2019 05:49 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc muốn "bật ngửa" sau khi đọc bài Thu phí đỗ ô tô, tiền vào túi ai? trên Thanh Niên ngày 16.9.

Trong khi số lượng ô tô tại TP.HCM ngày càng tăng kéo theo nhu cầu đỗ xe khu trung tâm rất cao thì số tiền phí đỗ ô tô ở 23 tuyến đường TP.HCM thí điểm thu phí qua ứng dụng công nghệ điện tử lại ngày càng tụt giảm xuống mức không thể tin được!

Cận cảnh thu phí đỗ ô tô bằng công nghệ "tiền tươi" ở trung tâm TP.HCM

Từ tháng 8.2018 - 4.2019, Sở GTVT giao lực lượng trật tự đô thị của UBND các quận: 1, 5, 10 triển khai hướng dẫn, giám sát thí điểm thu phí đỗ ô tô nói trên. Số liệu thống kê cho thấy số thu thực tế ngày càng giảm, thê thảm nhất là tháng 4.2019 chỉ thu được 135.000 đồng/ngày.
Để chống thất thu, tháng 5.2019, TP.HCM giao cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích TNXP hướng dẫn, giám sát việc đóng phí và công ty vừa qua công bố số tiền thu phí đỗ ô tô từ ngày 1.5 - 11.6 được 184,1 triệu đồng, trong khi chi phí nhân công đi thu tiền hơn 840,5 triệu đồng.

Không thể chấp nhận

Nhiều bạn đọc (BĐ) đã rất bức xúc, cho rằng “không thể chấp nhận được”, và đặt câu hỏi: “Chúng ta đang quản lý kiểu gì vậy?”. BĐ Nguyen Van Minh (TP.HCM) bất bình: Chúng ta đang quản lý kiểu gì mà cái việc cỏn con thế cũng làm không xong. Nếu làm không nổi thì cho đấu giá đi, nhà nước thu được tiền, công việc trôi chảy. Còn làm thì thiếu gì cách, đã có hệ thống camera giám sát mà không xử được thì... cạn lời. Quản lý của ta kém đến thế sao? BĐ Thanh (TP.HCM) thì cho rằng: “Thu không đủ bù chi cho lực lượng đi thu thì tốt nhất không thu, và giải tán luôn lực lượng đi thu cho rồi”.
Nhiều BĐ khác cũng đề nghị cho đấu giá, kể cả cho tư nhân tham gia, chắc chắn kết quả sẽ khác so với hiện tại. BĐ Long Dang (TP.HCM) cho rằng cứ để cho tư nhân đấu thầu và thu phí, nếu họ thu phí quá giá thì xử phạt nặng là xong. BĐ Anh Hiến (Bình Dương) thì cho biết: “Tui mà có đủ 23 bãi này một tháng sẵn sàng nộp 1 tỉ đồng cho ngân sách”.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Trước tình hình trên, BĐ Toàn Cơ Chân Nhân (Cao Bằng) đặt câu hỏi: “Sao lãnh đạo không ai đi thực tế hiện trường để tìm hiểu sao lại vô lý như vậy...”. Nói về quản lý, BĐ Hai (Hà Nội) bày tỏ: Tôi thấy vấn đề quản lý ở đây đâu có khó nhỉ. Ví dụ: mỗi điểm trông xe sẽ có camera theo dõi, đếm xe và kết nối với phần mềm packing. Sẽ có nhiều lợi ích như: biết chính xác số còn trống, không lo bị báo láo... Cần có các biện pháp mạnh để chấn chỉnh”.
Trong khi đó, BĐ Ha Thanh (TP.HCM) kể chuyện ở Úc, như một cách làm đáng để tham khảo: “Tôi thấy bên Sydney (Úc), khi đậu xe tài xế chỉ đến cột quẹt thẻ và đi, không có ai tiếp xúc. Nếu “quên” quẹt thẻ thì sau đó sẽ nhận... giấy phạt. Nếu “quên” nộp phạt thì cho xe nằm ở nhà và thành đồ... lưu niệm. Vì thế, xe đông nghịt nhưng họ nhường nhau chỗ đậu, ngay ngắn và... quẹt thẻ ngay”. Theo BĐ này, “làm theo kiểu thu tiền tươi như báo nêu thì... không xong rồi. “Trị” từng anh trực tiếp thu tiền sẽ không đến đâu đâu. Có “thải” anh này sẽ “mọc” ra anh khác. Nếu thực sự muốn làm đàng hoàng thì thiếu gì cách”.
“Cứ thử đấu giá nghiêm túc xem tiền thu về gấp bội mà các cơ quan nhà nước đâu phải nhức đầu thế này…”.
Le Hai (TP.HCM)
“Cứ hỏi mấy ông thu tiền xem về đâu là biết ngay cả thôi. Người ta cứ nói mấy kẻ giang hồ thu nhưng theo tôi chẳng giang hồ nào dám đâu...”.
Tèo Em (Hà Giang)
Lấy công trình công cộng mà quản không nổi, để cá nhân làm giàu thì thực hiện làm gì cho mất công, mất sức lại không được lòng dân.
LT (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.