- Game ảnh hưởng thế nào đến tính cách người chơi?
- Khi game giúp người chơi khám phá khoa học
- Chơi game giúp cải thiện thị lực
- 7 công dụng lớn của game có thể bạn chưa biết
Từ trước đến nay, game nói chung và các game thủ thường bị dư luận xã hội gán cho là nguyên nhân gây nên một số trường hợp trộm cắp, hút chích, cướp của, giết người... Thế nhưng, rất ít thấy những thông tin nói đến những hữu ích của ngành công nghiệp giải trí này. Bên cạnh những giá trị tinh thần hiện hữu từ game, nếu biết chơi game một cách điều độ thì loại hình giải trí này còn nhiều lợi ích đáng quan tâm khác.
Câu hỏi đặt ra là “Như thế nào là chơi game điều độ?”. Về ngữ nghĩa, điều độ nghĩa là có chừng mực, đều đặn và được lặp lại như một thói quen hằng ngày. Nhưng dường như khái niệm này vẫn còn khá trừu tượng bởi thực tế mỗi người đều tự đặt ra sự điều độ của riêng mình. Sự đều đặn thể hiện ở tính thường xuyên, liên tục. Theo thời gian, nó trở thành hành vi được mặc định trong một khoảng thời gian nào đó hằng ngày, hằng tháng và thậm chí hằng năm.
Về thực tiễn, chơi game đều đặn phụ thuộc nhiều vào quan đểm, cách sắp xếp, cân bằng cuộc sống của mỗi cá nhân. Với một số người, chơi game khoảng 30 phút đều đặn mỗi ngày được cho là đủ, nhưng cũng có những người phải chơi 2 hoặc 3 tiếng mới thoả mãn.
(Ảnh minh họa)
Khi xã hội còn nhiều cái nhìn gay gắt và cảm tính với game thì việc đưa ra vấn đề “Game mang lại lợi ích gì?” được khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là các nhà nghiên cứu xã hội và tâm lý. Ngoài mục đích nghiên cứu khoa học thì họ còn muốn đánh dấu sự nghiệp của mình bằng một dự án có tính trung thực, hữu ích cho việc quản lý và giáo dục con người, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời họ mong muốn tác động làm thay đổi nhận thức của xã hội về game. Tuy nhiên, đây vẫn là điều còn nhiều bỏ ngỏ sau nhiều năm qua.
Ở Việt Nam, trong một cuộc đối thoại về game online năm 2010, Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng: “Game online là một hiện tượng xã hội, một thực tiễn đã và đang tác động vào đời sống tinh thần, giải trí của xã hội. Cần có những công trình nghiên cứu để đặt vấn đề quản lý nó, kiềm tỏa nó cũng như phát huy những lợi thế, những tác động dương tính của nó đến đời sống xã hội”.
Thế nhưng, kể từ đó đến nay, chúng ta vẫn chưa ghi nhận một nghiên cứu khoa học nào mang tính “cách mạng” về game online. Có chăng về mặt quản lý, đã có vài dự thảo, quy định về việc quản lý, phát triển game online. Mảng này thì chỉ dành cho cơ quan ban ngành và các doanh nghiệp, chưa tác động nhiều đến dư luận và xã hội.
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình trong buổi tọa đàm về game online. (Ảnh: VTC)
Trong khi đó, ở nước ngoài, nhất là các nước có nền kinh tế phát triển, từ rất lâu đã công nhận game là một ngành công nghiệp giải trí và có những đóng góp nhất định cho xã hội. Ngoài việc tạo lợi ích kinh doanh thì game còn mang lại nhiều giá trị trong đời sống. Đặc biệt khi con người biết điều phối cuộc sống, trải nghiệm game một cách đều đặn, hợp lý thì "món ăn" này được xem là yếu tố tinh thần hữu ích sau những bon chen của cuộc sống thường nhật. Thậm chí, việc chơi game còn được xem là những điều kiện góp phần vào sự phát triển và hoàn thiện các chức năng thần kinh cũng như cảm xúc của con người.
Giáo sư Emily Holmes (đại học Oxford) đã chứng minh được rằng các trò chơi thuộc dòng casual có khả năng mang lại nhiều xúc cảm cho người chơi. Hơn nữa, bà còn đưa ra nhận định khác rằng những trò chơi dạng như xếp kim cương Bejeweled (ảnh dưới) hoặc bắn bi quanh vòng tròn Zuma rất hiệu nghiệm trong việc xả stress.
(Ảnh: PopCap)
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đức với trò chơi Mario lại đưa ra kết luận khá thú vị. Họ đã cho thử nghiệm với 23 người có độ tuổi trung bình là 25 chơi game Super Mario 64 trong vòng 30 phút mỗi ngày, đều đặn 2 tháng liên tiếp và so sánh với một nhóm khác không chơi game. Kết quả cho thấy người chơi Mario có gia tăng về chất xám, khả năng ghi nhớ, giữ thăng bằng tốt hơn, độ nhanh nhạy cũng được cải thiện. Mặc dù không có nhiều cách biệt so với người không chơi bất kỳ loại hình điện tử nào nhưng nghiên cứu trên cũng phần nào cho thấy hữu ích đáng quan tâm đối với việc chơi game hợp lý.
(Ảnh: Nintendo)
Hiện nay, có rất nhiều tựa game hành động với nhiều cảnh được cho là bạo lực. Thế nhưng, nhìn ở một góc độ khác, dòng game này lại đóng góp nhiều giá trị trong sự phát triển hệ vận động cũng như phản ánh chân thực tính cách của người chơi.
Tính chất của hành động thường nhanh, mạnh, dứt khoát. Để chơi dòng game này, người chơi cần suy nghĩ thật nhạy bén, đưa ra quyết định tức thì, hành động chớp nhoáng, cố gắng đạt độ chính xác và mục kích đối tượng một cách nhanh chóng. Những điều này được kích thích mạnh chính từ não bộ của con người. Bởi khi tiếp cập vấn đề, các cơ quan nhận biết như thị giác, thính giác, xúc giác,… sẽ ghi nhớ và phản ánh ngay lập tức đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó, các hành động được thực thi nhờ sự điều khiển của hệ thần kinh.
Game bắn súng Brothers in arms (Ảnh: Gearbox)
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ (đại học Rochester) cho thấy các game bắn súng có thể cải thiện tầm nhìn. Bởi thực tế, khi chơi game này, người chơi buộc phải tập trung cao độ tìm kẻ thù và góc nhìn phải thật rộng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng khuyến cáo người chơi nên có một tư thế, tinh thần, cách thức chơi thật hợp lý để tránh phát sinh tác dụng ngược bởi tính chất game được cho là bạo lực.
Trong khi đó, các game thuộc dòng chiến thuật như Starcraft có thể giúp cải thiện khả năng tư duy, tăng độ khôn ngoan của người chơi. Điều này được chứng minh bởi các nhà nghiên cứu của Anh vào năm 2013.
Game chiến thuật Starcraft 2 (Ảnh: Bilzzard)
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng trong game, những gam sắc màu đa dạng, âm thanh sống động sẽ góp phần vào việc tăng thị lực, thính lực. Tính chất của game sẽ tác động đến hoạt động của người chơi. Ví dụ, thể loại game vũ đạo sẽ kích thích con người tăng cường vận động thể chất, đến gần với thiên hướng nghệ thuật.. Game cờ vua, cờ tướng nghe có vẻ “hại não” nhưng lại mang tính thể thao và tăng cường sự tư duy của não bộ. Hoặc các dạng game mini như ném tuyết, ném bóng, xếp gạch, bóng đá… lại thúc đẩy khả năng tương tác của người chơi, đặc biệt là các em nhỏ.
Game vũ đạo (Ảnh minh họa)
Không có gì là tuyệt đối cả. Vấn đề nào cũng có mặt trái-phải của nó. Game cũng vậy, việc điều phối cuộc sống để biến game thành món ăn tinh thần, mang đến những giá trị hữu ích là điều rất khó nhưng khi đã làm được thì nó là điều tuyệt vời của cuộc sống. Dù vậy, một điều đáng tiếc đang diễn ra là có rất nhiều trường hợp lạm dụng game quá mức để phải gánh chịu điều tiếng của dư luận. Đây cũng là vấn đề nhức nhối mà các ban ngành quản lý và xã hội quan tâm.
(Ảnh minh họa)
Hãy ý thức rằng game là một món giải trí sẽ thực sự thú vị, hữu ích. Từ đó hãy chọn cho mình cách thức trải nghiệm thật hợp lý, điệu độ để cuộc sống thêm đẹp và ý nghĩa hơn.
Bình luận (0)