Chơi nhạc bằng bút

20/09/2014 06:25 GMT+7

Âm thanh, nhịp điệu do những chiếc bút tạo nên đã làm mê hoặc các bạn trẻ.

Chơi nhạc bằng bút
Trào lưu đập bút tạo tiếng nhạc đã và đang gây sốt với giới học trò - Ảnh: Thanh Nam 

Đó là trò pen tapping, trong đó người chơi (pen tapper) sử dụng một hoặc hai chiếc bút và tay của mình đập lên mặt bàn để tạo ra những nhịp điệu, những âm thanh liên tiếp theo một bản nhạc nhất định.

Theo Nguyên Khoa, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, trò này đang là trào lưu “hot” nhất hiện nay của học trò. Ngoài ra, qua khảo sát trên nhiều diễn đàn, Fan Page của học sinh, tất cả đều thừa nhận pen tapping chính là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất.

Không chỉ khiến các chàng trai mê như điếu đổ, trò này còn hút hồn phe áo dài. Hoàng Long, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nói pen tapping là một môn nghệ thuật, còn người chơi là một nghệ sĩ. “Lớp mình hầu hết mọi người đều là nghệ sĩ của bộ môn này, kể cả nữ sinh, thậm chí nhiều bạn nữ chơi cực kỳ hay và điêu luyện”, Long hào hứng khoe.

“Tình cờ thấy bạn trẻ trên thế giới chơi trò này, mình đã ấn tượng và bị hút hồn bởi những màn đập bút vô cùng ảo diệu, tạo thành những âm thanh cực hay, giúp những bài nhạc lôi cuốn hơn. Vậy là mình tập tành theo, dần dần lên tay và giờ thì được bạn bè ngưỡng mộ”, Hồng Quân, học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM - người chơi pen tapping đã gần hai năm, kể. 

Dễ và rẻ

Hồng Quân chia sẻ, nếu thích chơi trống như ở các ban nhạc hay chơi trống cajon thì khó lòng thỏa chí. Bởi chi phí quá cao, đặc biệt là đối với những học sinh, sinh viên. Hay với đàn guitar, để chơi thuần thục không hề đơn giản mà phải mất một thời gian dài. Nhưng ngược lại, với những ai đam mê nhạc và thích gõ, thì pen tapping lại là sự lựa chọn lý tưởng vì hội tụ cả “dễ và rẻ”. Dụng cụ chơi chỉ là… hai cây bút chưa đến chục ngàn đồng, vừa tập một cách dễ dàng, và có thể trở thành “cao thủ” chỉ sau vài ngày tập luyện.

“Chỉ có các nhịp cơ bản là gõ cổ tay phải, cổ tay trái, thân bút phải, thân bút trái, lướt bút… Sử dụng nhuần nhuyễn những động tác này thì có thể đệm bất kỳ bài nhạc nào. Và với một ca khúc, tùy theo sự sáng tạo và cảm nhận âm nhạc của mỗi người sẽ tạo nên những màn đập bút khác nhau”, Nguyên Khoa hướng dẫn.

Vừa trình diễn một cách điêu luyện để tạo tiết tấu cho các chuỗi ca khúc, Nguyên Khoa vừa cho biết ban đầu có thể còn đập bút một cách ngập ngừng, hoặc gặp phải trường hợp chỉ đập được ở tay thuận và vừa đập bút vừa nhìn beat (nhịp, phách trong bản nhạc) ghi sẵn trên giấy, nhưng chơi một vài buổi là thuần thục ngay. “Khi đó không chỉ chơi với tốc độ vừa nhanh, đều, vừa chính xác từng giai điệu trong mỗi ca khúc, mà những phản xạ sẽ linh hoạt, nhanh nhạy dần lên. Nhờ vậy có thể tạo nên những đoạn phiêu vô cùng hay, lạ”, Nguyên Khoa hào hứng nói.

Giờ đây, trong những buổi liên hoan lớp, những dịp tụ tập bạn bè, trong chương trình văn nghệ hay trong những giờ giải lao trên lớp, những chàng trai như Nguyên Khoa, Hồng Quân luôn được yêu cầu biểu diễn pen tapping.

Muốn thử sức trò chơi mới lạ này không khó, bởi có rất nhiều trang được xem là “ngôi nhà chung” của giới trẻ yêu thích pen tapping như pentap.weebly.com, trang VietNam Pen Tapping trên Facebook...

Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những đoạn phim hướng dẫn kỹ thuật trong bộ môn đập bút trên YouTube. Chưa kể có hàng ngàn đoạn phim của giới trẻ thể hiện tài năng đập bút đệm theo những ca khúc yêu thích. Những cái tên như Suki Nguyễn, Rùa Đi Chậm, Tuấn Minh… không chỉ quen thuộc với dân mạng mà đã trở thành thần tượng của giới trẻ vì tài năng chơi pen tapping với những màn trình diễn đập bút đầy mê hoặc.

Theo nhiều bạn trẻ, không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, sở thích trở thành nhạc công, pen tapping còn giúp rèn sự khéo léo và tập trung. “Nếu không tập trung thì sẽ tạo ra những tiếng nhạc rời rạc, lạc lõng, không ăn khớp với giai điệu bài hát”, Hoàng Long nói thêm.

Bình luận

Phạm Diệu Linh 
“Trên cả nước đã có hơn 20.000 thành viên tham gia các diễn đàn pen tapping, chủ yếu là học sinh THCS và THPT. Điều đó đã nói lên sức hút, sự lan tỏa của trò này”.

Phạm Diệu Linh
(học sinh lớp 11 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Phòng)

Nguyễn Thị Thanh Phương 
“Thoạt nhìn cứ ngỡ chơi trò này khó lắm. Nghĩ con gái ai lại chơi trò này, nhưng thấy hay nên cũng thử sức, sau đó biết con gái chơi trò này rất nhiều. Giờ thì bài nào mình cũng gõ pen tapping được cả”.

Nguyễn Thị Thanh Phương
(học sinh lớp 9 Trường THCS Ngô Tất Tố, TP.HCM)

 Lâm Tuấn Minh
“Trò này có điểm cộng là những buổi đi chơi xa, không cần phải khệ nệ vác theo trống cajon, đàn guitar, chỉ bọc theo hai cây bút là có thể chơi nhạc được”.

Lâm Tuấn Minh
(sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm Q.6, TP.HCM)

Thanh Nam

>> Chơi nhạc bằng bút
>> Học chơi nhạc cụ tăng kỹ năng vận động
>> Học chơi nhạc cụ tăng kỹ năng vận động
>> Cá chơi nhạc
>> Trang phục tự chơi nhạc  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.