Nghiên cứu mới cho thấy chơi nhạc cụ có thể tốt cho não do nó giúp giữ lại các kỹ năng nghe và đẩy lùi sự suy giảm nhận thức liên quan đến tuổi tác, theo tờ Deccan Chronicle .
Các nhà nghiên cứu nói rằng phát hiện trên có thể dẫn đến việc phát triển những biện pháp can thiệp phục hồi não thông qua việc huấn luyện âm nhạc.
Nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Chăm sóc Lão khoa Baycrest ở Canada nhận thấy việc học cách chơi một nhạc cụ làm thay đổi những sóng não theo cách cải thiện những kỹ năng lắng nghe của một cá nhân trong một khung thời gian ngắn.
Sự thay đổi trong hoạt động não này chứng minh khả năng bộ não tự khôi phục và bù đắp cho những thương tích và chứng bệnh có thể cản trở khả năng thực hiện các nhiệm vụ.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc học nhạc cụ làm thay đổi cảm nhận của não về âm thanh”, giáo sư Bernhard Ross thuộc Đại học Toronto cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của khoảng 32 người trẻ tuổi và khỏe mạnh có khả năng nghe bình thường và không có tiền sử rối loạn thần kinh hoặc tâm thần.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những người không thích âm nhạc thường có đầu óc rời rạc.
Sóng não của các đối tượng nghiên cứu được ghi nhận lần đầu tiên khi họ lắng nghe những âm thanh giống như tiếng chuông từ một chén hát Tây Tạng (Tibetan singing bowl) - một chén nhỏ được gõ bằng một chiếc dùi bằng gỗ để tạo ra âm thanh.
Sau khi lắng nghe, phân nửa đối tượng nghiên cứu được cung cấp chén hát kèm theo yêu cầu tái tạo các âm thanh và nhịp điệu bằng cách gõ vào chén và nhóm còn lại tái tạo âm thanh bằng cách nhấn bàn phím máy tính.
“Có thể giải thích rằng hành động chơi nhạc đòi hỏi nhiều hệ thống trên não phải vận hành cùng nhau, chẳng hạn như chức năng nghe, vận động và nhận thức”, giáo sư Ross nói.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Journal of Neuroscience.
Bình luận (0)