Chơi tết 'độc lạ' giữa sông, trải nghiệm cuộc sống không điện và wifi...

24/01/2023 09:19 GMT+7

Chúng tôi chọn chơi tết "độc lạ" ở giữa sông miền Tây, trải nghiệm cuộc sống không điện và wifi... trong dịp đầu năm Quý Mão.

Nằm giữa con sông Cổ Chiên, cách đất liền vài km, cồn Hô thuộc ấp Mỹ Hiệp A, xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nơi đây, có không gian vô cùng thoáng đãng, bà con chủ yếu làm kinh tế từ việc trồng bưởi. Cồn Hô không có điện hay wifi... người trẻ chơi tết ở địa điểm này như được hòa mình với thiên nhiên, tách biệt với cuộc sống náo nhiệt bên ngoài.

Duy Tường ra cồn giữa sông miền Tây chơi tết, trải nghiệm cuộc sống không điện và wifi

TẤN ĐẠT

Quên đi những phiền muộn của cuộc sống

Cách cầu Cổ Chiên gần 15 km đường bộ (quốc lộ 60 đoạn đường từ TP. Bến Tre đi Trà Vinh) và cách xã Đức Mỹ hơn 1 km đường thủy, từ bến đò xã Mỹ Đức, sau khoảng 5 phút di chuyển chúng tôi đã thấy cồn Hô dần hiện ra với những hàng dừa xanh mát, thoang thoảng mùi hoa bưởi.

Cồn Hô nằm giữa sông Cổ Chiên, chúng tôi di chuyển bằng đò

DUY TƯỜNG

Nhà người dân tại cồn Hô

TẤN ĐẠT

Sau khi đò chúng tôi đi vừa cập bến bên bờ cồn, một khung cảnh làng quê bình dị, hiền hoà hiện ra ngay trước mắt. Tất cả thành viên trong nhóm chúng tôi cũng bắt đầu thấy hào hứng và hy vọng sẽ có được những trải nghiệm mới mẻ nơi này.

Do nằm giữa sông nên cồn lúc nào cũng có gió thổi, mát mẻ và trong lành. Con đường đất đã dẫn chúng tôi len lỏi vào các nhà dân, và dù trời có nắng nhưng không khí vẫn mát rượi, bởi những tán dừa và vườn cây ăn trái bao quanh. Ở đây người dân trồng đủ loại trái cây như bưởi, tắc, chuối già, vú sữa... Thổ nhưỡng tốt, khí hậu thích hợp, hoa quả quanh năm, lúc nào cũng sum suê.

Mùa xuân, trăm hoa đua nở tại cồn Hô

TẤN ĐẠT

Người dân cồn Hô chủ yếu làm kinh tế từ việc trồng bưởi

DUY TƯỜNG

Bưởi được trồng tại cồn Hô

DUY TƯỜNG

Hít thật sâu bầu không khí trong lành tại cồn Hô, Lữ Duy Tường (26 tuổi), ngụ Q.7, TP.HCM, là thành viên trong nhóm chúng tôi chia sẻ: “Mình như quên đi những phiền muộn của cuộc sống hiện đại và áp lực trong công việc. Tránh xa các thiết bị điện tử, thong dong giữa một mảnh vườn xanh mát là giải pháp tinh thần hoàn hảo, giúp mình xoa dịu đi những vết thương từ bên trong. Có thể nói đây là một chuyến chơi tết độc lạ của mình so với những mùa xuân trước".

Những vật dụng đơn sơ của bà con cồn Hô

TẤN ĐẠT

Yên bình và thoải mái

Cồn Hô có diện tích 27 ha, không đến 30 hộ dân sinh sống. Đi từ đầu cho đến cuối cồn chỉ 2-3 km, mất hơn 20 phút.

Sinh sống từ nhỏ tại cồn Hô, chú Huỳnh Văn Nguyên, Tổ trưởng tổ tự quản ấp Mỹ Hiệp A, xã Mỹ Đức, cho biết cồn này không có điện, chợ, trạm y tế hay wifi... ai muốn mua gì đều phải "qua sông lụy đò".

Chú Nguyên sinh ra và lớn lên ở cồn Hô

TẤN ĐẠT

Sông Cổ Chiên mênh mông, hiền hòa vào buổi chiều

TẤN ĐẠT

“Dân sống ở đây lớn tuổi hết rồi (đa số 35 tuổi trở lên). Mọi người không muốn qua bờ "đóng đô" vì dù gì nơi đây cũng là mảnh đất quê hương của mình. Họ cố gắng sống từng ngày, giữ đất, cho đến khi… mất đất (do nước sông 'ăn') hay người không còn nữa thì thôi”, chú Nguyên nói.

Nhìn những bờ kè bị xói mòn từng ngày, chú Nguyên tâm sự: “Cồn không đủ điều kiện về tỉ lệ dân số, mức sống, nên không được nhà nước đưa điện về. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng từ tấm pin mặt trời mà trước đó cồn được chính quyền địa phương cấp. Nguồn điện cũng đủ để chúng tôi sạc điện thoại, nấu nước... một số hộ muốn tiết kiệm năng lượng thì họ đốt đèn dầu vào buổi tối".

Bờ kè bằng đất để nước sông không lấn cồn

TẤN ĐẠT

Cồn Hô hiện chưa có điện lưới. Người dân sinh hoạt chủ yếu từ nguồn điện năng lượng mặt trời.

DUY TƯỜNG

Người dân tích trữ điện sang bình ắc quy rồi sử dụng

TẤN ĐẠT

Đến cồn Hô, mọi người cảm nhận được sự chân tình, hiếu khách của người dân. Ai cũng được nhâm nhi tách trà hoa đậu biếc, thưởng thức trái cây hái từ vườn nhà hay các loại mứt dừa, chè bưởi, trà gừng... tất cả đồ dùng này được chính tay bà con làm tại gia. Chiều tối, chúng tôi may mắn được thưởng thức ẩm thực địa phương như canh chua, cá hú kho tộ, thịt vịt kho gừng... trong ánh đèn dầu tại ngôi nhà của cô Nguyễn Thị Thu (61 tuổi), người dân sinh ra và lớn lên tại cồn Hô.

Trà tắc, trà hoa đậu biếc được người dân làm tại gia

TẤN ĐẠT

Bữa cơm xế chiều tại cồn Hô

TẤN ĐẠT

Những món ăn bình dị tại nhà người dân

TẤN ĐẠT

Nhà cô Thu sử dụng đèn dầu để tiết kiệm năng lượng mặt trời

TẤN ĐẠT

Bà con ở cồn Hô hiền lành, chất phác và hiếu khách vô cùng. Nhà có gì thì đem ra đãi nấy, cây nhà lá vườn, không cao sang, mỹ vị nhưng đó là tất cả những gì ngon nhất của cồn này mà bà con có được.

Các bạn trẻ đến cồn Hô để vui chơi dịp đầu năm 2023

DUY TƯỜNG

Người dân cồn Hô mến khách, nhiệt tình

Uống một tách trà nóng bên mứt dừa thơm phức, gió thì cứ thổi nhẹ nhàng, Duy Tường bộc bạch: “Ngồi uống trà, chuyện trò, hỏi thăm bà con về việc sinh sống ở cồn này, công ăn chuyện làm, khó khăn, thiếu thốn... tôi biết thêm được nhiều thông tin hay. Có thể người mới đến trải nghiệm chơi tết ở giữa sông miền Tây này nếu chưa quen thì sẽ thấy buồn, không tiện nghi bởi không điện hay wifi, riêng tôi thì thấy yên bình và thoải mái vô cùng”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.