Dân chơi thể thao Việt Nam đã cải biên ra những cách chơi thể thao “tà đạo” như dùng bàn nhựa đánh bóng chuyền, dùng cục gạch đánh quần vợt...
Trần Văn So chơi bóng chuyền bằng bàn nhựa
|
Trò chuyện với vận động viên nhiều năm liền đoạt danh hiệu vô địch bóng chuyền bãi biển quốc gia Trần Ngọc Cao Sơn (TP.HCM), hỏi anh bí quyết làm sao chơi bóng chuyền hay đến như vậy. Thay cho câu trả lời, Cao Sơn rủ rê chúng tôi về sân bóng chuyền Cầu Tre trên đường Lương Thế Vinh (P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) - đây là sân bóng phong trào đã đưa anh đến với bóng chuyền đỉnh cao.
Bóng chuyền không đánh bằng tay
Hôm chúng tôi theo chân Cao Sơn đến sân bóng chuyền Cầu Tre, trên sân có khoảng 100 người rôm rả bàn tán trận đấu đang diễn ra. Phía bên kia sân, một cầu thủ mặc quần ngắn, cởi trần, chân không mang giày. Đặc biệt hơn, anh đang ôm cái bàn nhựa, chấp đối thủ bên phần sân đối diện chơi bằng tay. Cái bàn 4 chân to là thế, vướng là thế vậy nhưng cầu thủ này vẫn điều khiển lanh lẹ, “bắt” được những cú đánh nhét bóng dọc biên lẫn cuối sân của đối thủ. Không những thế, anh còn “ôm bàn” lên lưới ghi điểm rất điệu nghệ.
“So đó, nó là trùm chơi bóng chuyền bằng vũ khí ở sân này, mà chắc trùm trong cả nước chứ không phải chơi”, anh Nguyễn Thiệp, người gắn bó với sân Cầu Tre từ khi nó ra đời hơn 15 năm trước, bật mí trong lúc chúng tôi đắm đuối xem trận đấu. Anh Thiệp cho biết nếu đánh bóng chuyền bằng bàn nhựa thì Trần Văn So, quê Đồng Tháp, là nổi tiếng nhất sân Cầu Tre. Trần Văn So vốn là cựu cầu thủ trước kia sinh hoạt ở đội bóng chuyền Nhà văn hóa Thanh niên, sau về đây chơi. Ban đầu do trình độ nhỉnh hơn các anh em khác nên anh bày ra trò cầm bàn nhựa, vốn của quán cà phê ngay trong sân, để chấp người khác thi đấu. Cũng máu ăn thua nên có khi anh vừa chấp bàn, vừa chấp đối thủ đánh nửa sân, ai muốn chấp kiểu gì anh cũng chơi. Cứ thế, So đánh bóng bằng bàn còn hay hơn đánh bằng tay.
|
Hỏi Trần Văn So làm sao anh chơi bóng chuyền bằng bàn nhựa hay đến như vậy, anh nói: “Cái này phải có năng khiếu, đam mê và phải chịu khó luyện tập. Lúc đầu tôi cầm bàn chơi chủ yếu cho vui nhưng càng chơi càng thấy nó hay lắm. Khi chơi bằng bàn nhựa, tốc độ bóng bay gấp đôi so với người đánh bằng tay nên mình đánh chuẩn xác, đúng kỹ thuật đối phương sẽ rất khó chống đỡ. Đó là chưa kể nếu luyện tập được những pha tấn công trên lưới thì đối thủ coi như chịu thua”.
Quần vợt không chơi bằng… vợt
Một tay vợt giao bóng bằng két nước - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tương tự, quần vợt cũng đã được các tay vợt TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sáng tạo ra những cách đánh lạ lùng với những thứ “đồ chơi” như ghế, gạch, chai rượu XO dẹp, két nước ngọt hay bất cứ thứ gì có thể đánh được quả bóng bay đi chứ không phải bằng một cây vợt bình thường.
Cựu tuyển thủ quốc gia Đỗ Thanh Hoàng, người cũng đánh vợt gỗ rất hay, cho biết: “Chơi quần vợt bằng những thứ “đồ chơi” là rất khó. Bởi những vật dụng này đều rất nhỏ hoặc rất nặng như két nước ngọt. Muốn đánh hay bằng những thứ này đòi hỏi người chơi phải có một thể lực rất tốt và khéo léo”.
Trong một trận đấu mà chúng tôi mục sở thị, dù cầm vợt gỗ nhưng Thanh Hoàng vẫn thực hiện những pha đẩy bóng cuối sân hiểm hóc hay những cú bắt vô lê chuẩn xác ghi điểm. Ở phần sân đối diện, 2 tay vợt cầm ghế cũng rất điêu luyện với những tình huống phán đoán, kê bóng gây không ít khó khăn cho đối phương. Nhiều pha bóng hai bên phải phân định thắng thua sau hơn 10 lần qua lại.
Bình luận (0)