Chới với vì nước ngọt bất thường

21/04/2022 07:04 GMT+7

Đó là thực trạng của nhiều nông dân ở ĐBSCL hiện nay.

Cao điểm mặn thì lại “ngọt ngay”

Ông Lý Văn Bon, ngụ P.Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) có 20 năm sống với nghề nuôi cá lồng bè trên sông Hậu. Đưa chúng tôi ra thăm bè cá, ông tâm sự: Làm nghề này phải luôn theo dõi con nước và thông tin thời tiết. Mấy năm nay nguồn nước sông Hậu đã có nhiều thay đổi rất bất thường.

Ông Lý Văn Bon, một trong những hộ nuôi cá bè sản lượng lớn tại Cần Thơ

Đình Tuyển

Chẳng hạn như thời gian này mọi năm xâm nhập mặn rất đáng sợ, nhưng năm nay không bị. Năm 2021, vợ chồng ông thiệt hại hơn 1,2 tỉ đồng khi hơn 10 tấn cá xác sọc chết vì ngộp do xâm nhập mặn. Năm nay ông quyết định thay thế 3 bè nuôi cá xác sọc để chuyển sang nuôi thí điểm 35.000 con cá chốt sọc.

Cùng với đó là thí điểm nuôi thêm cá bống mú nước ngọt. Cả hai loài cá này đều có khả năng thích nghi với nước mặn từ 5 - 7‰. Năm nay mặn không ảnh hưởng nên các bè cá này cũng bị ảnh hưởng năng suất và hiệu quả kinh tế vì tốn nhiều thức ăn hơn mà cá lại chậm lớn. “Khi dòng chảy của sông Cửu Long thay đổi thì những phán đoán bằng kinh nghiệm không còn chính xác như xưa.

Chúng tôi nghe nói rất nhiều về thủy điện ảnh hưởng đến dòng chảy. Nếu vậy thì người nuôi cá cũng bó tay vì không biết nuôi loại gì cho phù hợp. Tương lai chẳng biết sẽ thế nào nhưng chắc chắn là rất khó khăn khi quy luật bị đảo lộn. Chúng tôi cần được thông tin đầy đủ và chính xác về nguồn nước cũng như hướng dẫn kỹ thuật để nuôi trồng hiệu quả hơn, không bị tréo ngoe như vừa rồi”, ông Bon tâm sự.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết mặc dù sự thay đổi nguồn nước sông Mê Kông hiện chưa gây ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất nhưng đã có nhiều biểu hiện lạ thường. “Theo như kịch bản hằng năm, bây giờ đang là cao điểm mặn thì ngoài sông nước lại ngọt ngay. Nước ngọt từ thượng nguồn về nhiều đẩy nước mặn ra xa. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm hai bên sông Nhu Gia, thuộc H.Mỹ Tú khi không thể lấy được nước mặn để vào vụ nuôi”, ông Đạo nói và cho biết hiện có khoảng vài trăm héc ta nuôi tôm của người dân Sóc Trăng đang bị thiếu nước mặn. Đây là một hiện tượng trái ngược hoàn toàn so với các năm trước, khi ngành chức năng Sóc Trăng đang phải tìm cách dẫn nước mặn cho người dân nuôi tôm.

Tuy nhiên, theo ông Đạo, hiện chưa có tài liệu hay dự báo nào nói rằng năm nay nước ngọt xuất hiện vào thời điểm này thì năm sau sẽ lặp lại. Nhưng có một điều rõ ràng là nguồn nước từ thượng nguồn Mê Kông về đang ngày càng thay đổi, khó đoán. Chưa kể những tác động của thời tiết cực đoan, có thể mưa nhiều nhưng cũng có thể hạn gay gắt. “Chính vì vậy nên chúng tôi cũng đang tuyên truyền cho người dân nắm rõ nguồn nước ngọt về hiện nay không phải là biểu hiện mang tính mùa vụ để người dân chủ động sản xuất đúng theo lịch sản xuất mà ngành nông nghiệp khuyến cáo”, ông Đạo nói.

Sản xuất tiết kiệm tài nguyên

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Trước thực trạng nguồn nước sông Mê Kông ngày một thất thường, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phát triển các dự án thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Đối với các loại rau màu và cây ăn trái, áp dụng tưới phun điều khiển tự động đã giúp giảm lượng nước tưới khoảng 30 - 40% so với truyền thống. Bên cạnh đó tập huấn cho người dân bón phân vừa đủ để tránh lãng phí tiền và tài nguyên.

Theo ông Đạo, tại Sóc Trăng, vài năm trở lại đây chuyển biến lớn nhất của người nông dân để ứng phó với tình hình hạn mặn và thời tiết thất thường là giảm đáng kể sản xuất lúa vụ 3 (tức vụ xuân hè), đặc biệt là vùng ngọt hóa ven biển. Trong đó có thể kể đến 22.000 ha đất ruộng ở H.Trần Đề, hơn 42.000 ha ở vùng Long Phú. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cũng được người dân tích cực ủng hộ.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học - Trường ĐH Cần Thơ, nói: Nhiều nông dân quen với chủ nghĩa kinh nghiệm. Nhưng điều kiện mới về tự nhiên, về tiến bộ khoa học kỹ thuật đòi hỏi làm nghề gì cũng phải học lại một cách bài bản, kể cả trồng lúa, nuôi heo… những thứ mà trước giờ nhiều người rất tự tin là mình giỏi. Để nông dân chịu học và tuân thủ những tiến bộ đó, cần phải kết hợp với doanh nghiệp. Vì chỉ có doanh nghiệp lo đầu ra cho nông dân thì nông dân mới làm theo những tiêu chuẩn sản phẩm mà họ yêu cầu. Như vậy thì nông dân mới tiến bộ và kinh tế nông nghiệp mới phát triển.

“Tích hợp nhiều mô hình kinh tế khác nhau cũng giúp giảm rủi ro thị trường và tranh chấp mặn ngọt. Hiện tại tôi cũng đang hỗ nông dân các tỉnh ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang liên kết với doanh nghiệp phát triển các ngành nghề tiểu thủ công. Điều quan trọng là phải tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của mỗi nơi mà phát triển mô hình cho phù hợp để phát huy lợi thế của chính địa phương đó”, tiến sĩ Dương Văn Ni nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.