Chọn bài thi tổ hợp nào?

11/03/2019 10:05 GMT+7

Chọn tổ hợp môn xét tuyển không chỉ để trúng tuyển ĐH mà còn phải phát huy năng lực trong ngành học phù hợp.

Đừng "tham" chọn quá nhiều môn

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng nguyên tắc đầu tiên khi chọn môn thi/bài thi là căn cứ vào năng lực. Ngoài 3 môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), thí sinh (TS) chọn 1 hoặc 2 bài tổ hợp tùy thuộc vào năng lực của mình. Khi chọn quá nhiều thì sự đầu tư phải nhiều và bị chia đều. Đồng quan điểm, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng TS chỉ nên tập trung vào tổ hợp thế mạnh nhất, không nên quá tham.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý quy chế năm nay TS đã đăng ký cả 2 bài tự chọn thì bắt buộc phải dự thi, nếu không sẽ không được xét tốt nghiệp. Khi đó, TS sẽ không có cơ hội tham gia xét tuyển ĐH, CĐ dưới bất kỳ hình thức nào. “Đừng nên thi cùng lúc 2 bài vì thống kê năm ngoái cho thấy, TS thi cả 2 bài (6 môn) và 3 môn bắt buộc thì quá tải nên dẫn đến kết quả rất thấp”, tiến sĩ Hải nói.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng chọn lựa môn thi sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập vì dù xét tuyển bằng tổ hợp nào cũng đều học chung một chương trình. Điều này đòi hỏi TS cần có chọn lựa tổ hợp môn thông minh, phù hợp với ngành học. Ví dụ, có những TS chọn môn dễ đậu nên sử dụng tổ hợp xã hội để xét tuyển các ngành kỹ thuật. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập sau này. “Ngay cả phương thức xét tuyển học bạ cũng vậy, có những trường xét bằng điểm tổng kết cuối năm. Nhưng nếu không có khả năng học phù hợp thì khó theo học. Việc lựa chọn môn thi rất quan trọng vì không chỉ để trúng tuyển mà còn ảnh hưởng đến ôn tập và cả quá trình học tập sau này”, thạc sĩ Sơn nói.

Khi nào nên điều chỉnh nguyện vọng? 

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, TS có quyền điều chỉnh lại sau khi đã có kết quả thi THPT quốc gia. Khi đó TS có thể điều chỉnh trực tuyến ( không thêm số nguyện vọng) và điều chỉnh bằng giấy (có tăng số nguyện vọng). TS chỉ chọn 1 trong 2 cách để điều chỉnh. Tuy nhiên nếu đã cân nhắc kỹ lưỡng, TS không cần quan tâm đến việc điều chỉnh nguyện vọng. Chỉ khi có ý muốn thay đổi ngành thì mới cần điều chỉnh. “Nếu có đam mê sở thích sẽ rất thành công, điều này có thể thấy ngay khi học, còn ngược lại thì có thể bị “mất lửa””, tiến sĩ Hạ nhắn nhủ TS.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng cho rằng, vào bằng được trường mong muốn nhưng không đúng ngành học là điều không nên. Vì vậy, TS cần cân nhắc để không thay đổi theo phong trào. Còn theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, khi đã lựa chọn tổ hợp môn thế mạnh thì nên giữ ổn định.
Thạc sĩ Dương Duy Khải, Phó giám đốc tuyển sinh khu vực Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nêu ý kiến: “Nếu thích ngành sức khỏe phải có năng lực hóa và sinh, các ngành kỹ thuật là môn lý, toán… vì đây chính là nền tảng để học tập. Nếu chỉ thi để trúng tuyển, sinh viên sẽ bị cuốn đi không thể theo học, mất thời gian, công sức và tiền bạc”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho biết: “Việc học cần phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình chứ không nên vì không trúng tuyển ĐH mới xuống CĐ” 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.