93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN (3.2.1930 - 3.2.2023)

Chọn cán bộ tốt là cái gốc để Đảng vững mạnh

Lê Hiệp
(thực hiện)
01/02/2023 14:40 GMT+7

Lựa chọn cán bộ sao cho trúng, cho đúng chính là cái gốc giúp Đảng vững mạnh để đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản VN, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra 3 điều kiện để thành lập Đảng, gồm: có lý luận; có mục tiêu; và thứ 3 là phải hình thành về mặt tổ chức - tức là phải có con người.

Chọn cán bộ tốt  là cái gốc để Đảng vững mạnh - Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc

Ảnh: Gia Hân

"Việc đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm khi về Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1924 là mở các lớp huấn luyện cán bộ. Hơn 70 cán bộ được Bác huấn luyện sau đó đều trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng", ông Phúc nói, và khẳng định trong 93 năm phát triển, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng hết sức chăm lo đội ngũ cán bộ.

"Những thắng lợi của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 90 năm qua là nhờ có đội ngũ cán bộ tốt", ông Phúc nhấn mạnh.

"THEN CHỐT CỦA THEN CHỐT"

Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng trong 93 năm qua là gì, thưa ông?

Nếu xây dựng Đảng là "then chốt" để Đảng thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng thì công tác cán bộ chính là "then chốt của then chốt". Do đó, Đảng phải hết sức chăm lo cho công tác cán bộ. Bác Hồ khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Muốn có cán bộ tốt thì Đảng phải đào tạo, bồi dưỡng và quan trọng là sử dụng cán bộ cho tốt. Trong đó, chọn lựa, sử dụng cán bộ cho đúng sẽ quyết định thành công hay thất bại trong công việc. Có cán bộ tốt, cán bộ giỏi nhưng không biết sử dụng đúng chỗ thì không phát huy được. Một người làm khoa học rất giỏi, một giáo sư rất giỏi, nhưng cho làm bộ trưởng chưa chắc làm tốt được. Cho nên, cha ông ta mới có câu: "Dụng nhân như dụng mộc" là vì thế.

Chọn cán bộ tốt  là cái gốc để Đảng vững mạnh - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo vào ngày 12.1 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, xác định chương trình công tác năm 2023

TTXVN

Từ thực tiễn hình thành, phát triển 93 năm qua của Đảng, theo ông có thể hình dung thế nào về một cán bộ tốt?

Xuyên suốt lịch sử hình thành và phát triển của Đảng, có thể thấy, cán bộ trước hết phải có lý tưởng cách mạng trong sáng. Đó là lý tưởng suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân. Cán bộ có lý tưởng thì mới có bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; mới dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung như Đại hội XIII đã xác định. Nếu vào Đảng không có lý tưởng, chỉ để thăng quan, tiến chức thì chẳng giải quyết được điều gì cả.

Thứ hai, cán bộ phải có năng lực, trình độ, hay còn gọi là trí tuệ. Khi đã có lý tưởng rồi thì phải ra sức học tập, nâng cao trình độ, năng lực của mình. Phải có điều này thì cán bộ mới có thể tổ chức thực tiễn. Lênin từng nói, là người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tổng số tri thức mà nhân loại đã tạo ra. Bây giờ, lãnh đạo không thể lên nói vài câu động viên chung chung mà phải thực sự hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó. Muốn vậy, phải tự làm giàu trí tuệ của mình.

Thứ ba, đặc biệt quan trọng, cán bộ phải có đạo đức. Từ đảng viên trở thành cán bộ là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện. Thế thì cán bộ phải làm gương trong Đảng và làm gương trong xã hội về mặt đạo đức, phẩm chất cách mạng.

Nếu như về phía Đảng phải hết sức chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ thì ngược lại, cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là về đạo đức. Khi hai điều này gặp nhau, chúng ta sẽ có được những cán bộ tốt. Thực tiễn 93 năm qua cho thấy, chúng ta đã có nhiều thế hệ cán bộ không phải tiến sĩ, giáo sư gì, nhưng khả năng tự học, tự rèn luyện vươn lên rất mạnh mẽ và trở thành những lãnh đạo rất giỏi, rất trí tuệ. Chúng ta giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác là nhờ có những thế hệ cán bộ như vậy.

CHÚ Ý CẢ "XÂY" VÀ "CHỐNG" TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

Từ khi bước vào giai đoạn đổi mới tới nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là việc chọn được cán bộ tốt, đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn đang là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Theo ông, những bài học từ hơn 90 năm qua có thể vận dụng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Hiện nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, "then chốt" khi chúng ta có Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII và tới Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII vừa qua đều nhấn mạnh công tác này. Trong đó, công tác tổ chức, cán bộ vẫn được Đảng xác định là khâu "then chốt của then chốt".

Trong công tác cán bộ hiện nay, phải chú ý cả hai phương diện "xây" và "chống". "Xây" tức là làm sao bồi đắp đội ngũ cán bộ có năng lực, có đạo đức, trong đó đạo đức chính là cái gốc như Bác Hồ đã nói. Một điểm nữa là phải xây dựng được phong cách, phương pháp lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, Đảng đang hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo; từng đảng viên, cán bộ cũng phải tự rèn luyện, bồi đắp phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc không quan liêu, không xa dân, luôn gắn với thực tiễn.

Nếu cái gốc của "xây" là đạo đức thì trọng tâm của "chống" là chống suy thoái. Phải chống sự suy thoái cả trong tư tưởng chính trị, cả về đạo đức, lối sống. Đây cũng là điều được Đảng hết sức chú trọng. Ngày 17.10.1945, ngay sau khi giành được chính quyền, Bác Hồ đã có thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, chỉ ra 6 lỗi lầm "rất nặng nề" của cán bộ trong cơ quan chính phủ phải "hết sức tránh". Tới năm 1947, Bác Hồ viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đã trở thành cuốn kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hiện nay, Đảng đang tập trung cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là chống sự suy thoái theo tinh thần Bác Hồ đã chỉ ra.

Thời gian qua, với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, rất nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao đã mắc khuyết điểm và bị kỷ luật, xử lý hình sự. Liệu có phải chúng ta vẫn có hạn chế trong việc lựa chọn, sử dụng cán bộ, thưa ông?

Việc rất nhiều cán bộ cấp cao bị xử kỷ luật, hình sự thời gian qua cho thấy cần phải xem xét lại việc lựa chọn, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược sao cho trúng và đúng. Tất nhiên, đây là vấn đề con người, tức là vấn đề khó thật chứ không phải đơn giản. Nhưng lựa chọn cán bộ sao cho trúng, cho đúng chính là cái gốc giúp Đảng vững mạnh để đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo.

Có thể vào thời điểm quy hoạch, lựa chọn thì cán bộ đó tốt; nhưng khi có chức vụ, quyền lực thì bị tha hóa. Cũng có khả năng chúng ta chưa hiểu hết cán bộ, cán bộ lại cố tình giấu giếm khuyết điểm, vi phạm cho nên lựa chọn không chính xác. Cũng có khả năng tiêu cực trong công tác cán bộ mà chúng ta gọi là "chạy chức, chạy quyền". Để ngăn chặn những khả năng xấu này, siết chặt kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm các sai phạm "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" là điều cần thiết. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định "rất đau lòng nhưng buộc phải xử lý", "chặt một cành cây để cứu cả cái cây".

Chúng ta xử lý nghiêm nhưng đồng thời cũng nhân văn, có ý nghĩa giáo dục chứ không cốt xử lý cho nặng, như Bác Hồ nói là "đối với người có khuyết điểm như đối với thuồng luồng, hổ mang, đòi đuổi họ ra khỏi Đảng ngay". Vừa qua, nhiều cán bộ giữ chức vụ cao khi có khuyết điểm hoặc tự thấy trách nhiệm chính trị của mình đã xin nghỉ, thôi chức vụ. Đó cũng là một nét mới, tôi cho là tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì xét đến cùng, trong công tác cán bộ, xây dựng và phòng ngừa vẫn là chính. Cán bộ không được chăm lo, không tự tu dưỡng, rèn luyện thì xử lý mạnh đến đâu cũng không xuể được.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.