Chọn chương trình ngoại ngữ nào ở tiểu học?

17/05/2018 07:09 GMT+7

Chọn chương trình giảng dạy ngoại ngữ như thế nào đang là những quan tâm của phụ huynh chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Học tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Trung ?
Việc tuyển sinh vào lớp 1 tại TP.HCM thực hiện phân tuyến theo địa bàn, đa số học sinh (HS) cư trú ở phường nào sẽ học tại trường tiểu học đóng trên địa bàn phường đó. Do vậy sau khi nắm thông tin trường mà con em mình sẽ vào học lớp 1, các phụ huynh bắt đầu quan tâm tìm hiểu đến các chương trình ngoại ngữ được giảng dạy trong trường.
Anh Hồ Phước Cường (107 Trần Hưng Đạo, Q.5) chia sẻ: “Nhà tôi ở Q.5 và là người Hoa nên rất muốn tìm hiểu việc dạy ngoại ngữ trong trường như thế nào, đặc biệt quan tâm đến chương trình dạy tiếng Hoa cho HS”.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Lụa (chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3) lại có ý định tìm trường có dạy tiếng Pháp cho con vì muốn cho con theo học kiến trúc, mỹ thuật. Phụ huynh này nói: “Tôi muốn cho bé học tiếng Pháp bài bản từ lớp 1 do tài liệu về kiến trúc, mỹ thuật hầu hết đều của Pháp xuất bản và ba cháu từng theo học ngành này bên Pháp nên muốn cháu tiếp tục ngành nghề của gia đình”.
Phụ huynh Nguyễn Hoài Phong (đường Nguyễn Du, Q.1) cho hay: “Qua tìm hiểu thông tin thì thấy các trường tiểu học của Q.1 đang dạy chương trình tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh đề án. Nhưng giờ tôi cũng chưa biết cụ thể việc giảng dạy của 2 chương trình này là thế nào để chuẩn bị lựa chọn cho con”.
Nói về việc tuyển sinh lớp 1 các chương trình ngoại ngữ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2018 - 2019, TP tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung. Việc tổ chức thực hiện và giảng dạy trong trường học do các phòng GD quy định, riêng chương trình tăng cường tiếng Trung sẽ ưu tiên tuyển sinh con em người Hoa.
Các quy định về tuyển sinh
Trước những quan tâm của phụ huynh, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), cho biết trong các trường tiểu học hiện nay có 2 chương trình tiếng Anh, là tăng cường và đề án. Thông thường, vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ nhập học của HS, bộ phận học vụ sẽ giới thiệu để phụ huynh đăng ký. Từ đó, bà Thúy Hà cho rằng phụ huynh nên có thông tin trước để lựa chọn chương trình học cho con một cách phù hợp.
Theo bà Thúy Hà, nếu đăng ký chương trình tiếng Anh đề án, HS sẽ học 4 tiết tiếng Anh/tuần và không thu học phí. Tuy nhiên, để nâng cao kỹ năng cho HS, một số trường có hợp đồng thuê giáo viên nước ngoài vào dạy 1 tiết/tuần. Để chi trả kinh phí này, trung bình mỗi HS đóng khoảng 100.000 đồng/tháng.
Ở chương trình tăng cường tiếng Anh, HS sẽ học 8 tiết tiếng Anh/tuần. Để theo học chương trình này, mỗi HS sẽ đóng học phí từ 120.000 - 150.000 đồng/tháng, tùy từng quận huyện. Cũng tương tự như chương trình tiếng Anh đề án, hầu hết các trường đều xây dựng thời khóa biểu 2 tiết học với giáo viên nước ngoài. Vào thời gian này, giáo viên nước ngoài sẽ tăng cường kỹ năng giao tiếp với HS, tạo điều kiện cho HS tiếp cận kiến thức toán và khoa học bằng tiếng Anh. Mức phí mà mỗi HS phải trả để hợp đồng với giáo viên nước ngoài vào khoảng 400.000 đồng/tháng.
Chương trình tăng cường tiếng Trung tập trung ở các khu vực có nhiều người Hoa sinh sống như Q.5, Q.6, Q.11... Qua tìm hiểu, ở Q.11, chương trình ngoại ngữ này được tổ chức tại các trường tiểu học Nguyễn Thi, Lạc Long Quân, Phạm Văn Hai, Âu Cơ, Đề Thám, Hàn Hải Nguyên, Thái Phiên, Phú Thọ, Lê Đình Chinh.
Tương tự, ở Q.5, các trường tổ chức lớp tiếng Trung là Hùng Vương, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Viết Xuân, Huỳnh Kiến Hoa. Các trường ở Q.6 là tiểu học Châu Văn Liêm, Kim Đồng tổ chức giảng dạy chương trình này. Những trường này sẽ tuyển HS vào lớp tiếng Trung trong số HS phân tuyến vào trường.
Còn chương trình tăng cường tiếng Pháp, hiện nay tại TP.HCM có 5 trường tiểu học giảng dạy theo quy định của Bộ GD-ĐT là Kết Đoàn (Q.1), Lương Định Của (Q.3), Minh Đạo (Q.5), Bông Sao (Q.8), Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình). Theo đó, mỗi tuần HS sẽ học 10 tiết tiếng Pháp và 3 tiết môn toán bằng tiếng Pháp. Để theo học chương trình này, HS phải tham gia bài khảo sát với hình thức trắc nghiệm theo đề của Bộ. Nội dung bài thi gồm các nội dung nhận dạng các hình ảnh, kiểm tra khả năng nghe - hiểu, khả năng phát âm, khả năng nhận dạng những chữ viết giống nhau và khoanh tròn các chữ này. Hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các lớp này được phát hành tại những trường nói trên vào khoảng đầu tháng 6.
Theo quy định của Sở GD-ĐT, các trường tiểu học sẽ thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 1 bắt đầu từ ngày 1.7. Đến ngày 31.7, các trường phải đồng loạt công bố danh sách HS trúng tuyển vào trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.