Rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành học đã được các chuyên gia thảo luận trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào đang "nóng" trong năm nay" do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 23.4.
Chương trình được phát trực tuyến tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.
NGÀNH HỌC MỚI CÓ PHẢI LÀ NGÀNH "NÓNG" ?
Có mặt tại chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, những ngành học "nóng" đến 2030 gồm có an toàn thông tin, truyền thông đa phương tiện, khoa học máy tính, nhóm ngành khoa học sức khỏe... Còn theo dự báo nhu cầu nhân lực, tại TP.HCM đến năm 2030 việc làm nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ lệ 35% và nhóm kinh tế - tài chính chiếm 33%.
"Như vậy ngành "nóng" là ngành gắn liền với xu thế và có cơ hội việc làm cao. Sự khát nhân lực khiến cho một ngành trở nên nóng. Có thể nói thiết kế vi mạch, bán dẫn trong năm nay cũng đang rất nóng", tiến sĩ Hải nhận định.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đặt vấn đề những ngành mới mở tại các trường trong năm nay liệu có phải ngành "hot" hay không?
PGS-TS Thụy chia sẻ: "Ngành "nóng" là ngành có sức hấp dẫn của nhu cầu lao động ngay trong thời điểm hiện tại, còn ngành mới là ngành dự báo xu hướng phát triển trong giai đoạn sắp tới. Hầu hết trường ĐH khi mở ngành mới đều dựa trên nhu cầu đào tạo, nhu cầu nhân lực của thị trường và xu hướng biến động của thị trường. Như vậy giữa ngành "nóng" và ngành mới có sự tương đồng, cùng được thị trường cần và nhận được sự quan tâm của người học".
Bên cạnh đó, ông Thụy cho rằng có những ngành đã được trường tuyển sinh và đào tạo lâu năm nhưng vẫn có sức "nóng" như quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh... do thị trường lao động thời điểm nào cũng rất cần nhân lực các ngành này.
NHỮNG NGÀNH ĐANG THU HÚT NHIỀU NGƯỜI HỌC
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết nhóm ngành thu hút tuyển sinh của trường vẫn là quản trị kinh doanh, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử... Trong đợt 1 xét tuyển học bạ, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào những ngành này tăng 30% so với năm 2023. Trong khi đó, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khối ngành kinh tế và sức khỏe, ngành quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện đang được xem là "nóng" vì thí sinh lựa chọn nhiều.
Với Trường ĐH Mở TP.HCM, PGS-TS Vân Thị Hồng Loan, Trưởng khoa Đào tạo đặc biệt, cho hay xu hướng thí sinh vẫn chọn quản trị kinh doanh, marketing, logistics, ngôn ngữ Anh... nên tỷ lệ chọi những ngành này cao hơn các ngành khác.
Còn Trường ĐH Công thương TP.HCM thí sinh lại quan tâm nhiều tới nhóm ngành kinh tế, ngôn ngữ và công nghệ thông tin.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn lại nhận được nhiều hồ sơ ở các ngành quản trị kinh doanh, Đông phương học, tâm lý học, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng...
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng ngành học mới của một trường có thể không phải là một ngành đón đầu một xu hướng hoàn toàn mới nhưng nó vẫn nằm trong trong xu hướng phát triển nhân lực và được thí sinh quan tâm nên vẫn có độ "nóng". "Chẳng hạn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các ngành mới mở trong năm nay như kinh tế số, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo... trước đó cũng đã được đào tạo ở trường ĐH khác, nhưng thị trường lao động đang rất cần nên người học vẫn lựa chọn nhiều", thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ.
CÁC YẾU TỐ ĐỂ SINH VIÊN CÓ VIỆC LÀM KHI TỐT NGHIỆP
Theo các chuyên gia, không phải cứ học ngành "hot" là ra trường chắc chắn có việc làm và có thu nhập cao, cho dù thị trường lao động rất "khát" nhân lực những ngành này.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khẳng định những ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nhiều do độ "hot" của nó, chưa hẳn đã phù hợp với bản thân. "Học ngành nóng nhưng nếu bạn không tạo ra giá trị hành nghề, không tạo giá trị cho doanh nghiệp thì cũng khó có việc làm và thu nhập cao. Vì vậy dù là ngành học nào thì phải phù hợp với bạn, có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, ngoài chuyên môn, kỹ năng còn phải giỏi ngoại ngữ, tin học và tạo được giá trị hành nghề. Lúc đó bạn sẽ luôn được doanh nghiệp săn đón", thạc sĩ Nguyên lưu ý.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng nhận định: "Ngành "nóng" mà không phù hợp với bản thân thì con đường học tập và làm việc sẽ rất khó khăn. Khi chọn ngành học các em phải hết sức lưu ý, cần dựa vào năng lực của bản thân đầu tiên. Vì nếu chọn ngành "nóng" mà năng lực không đảm bảo thì sẽ bị sàng lọc trong quá trình ở ĐH. Hằng năm có tới 10 - 15% sinh viên không thể tiếp tục ngành học do không đủ năng lực. Chọn ngành phải có sự yêu thích, đam mê. Nếu có năng lực, có đam mê và ngành đó lại là ngành "hot" thì sẽ có nhiều cơ hội thành công".
Ở một góc độ khác, thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khẳng định học ngành "nóng" thì rõ ràng sẽ có nhiều cơ hội việc làm và mức lương hấp dẫn, tuy nhiên rào cản chính là tính cạnh tranh rất cao do nhiều người học. Bên cạnh đó, đã là xu hướng thì sẽ có sự thay đổi nên thí sinh phải căn cứ vào năng lực của bản thân chứ không nên chọn ngành theo đám đông, theo trào lưu. "Ngành nào cũng có lợi thế và khó khăn. Các em phải có sự yêu thích ngành học thì mới không chán nản, không từ bỏ. Xác định sở trường, đam mê, năng lực chứ không chỉ lựa chọn do ngành đó hot", thạc sĩ Trị đưa ra lời khuyên.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thì cho rằng ngành hiện nay "hot" chưa chắc 4 năm sau vẫn "hot", nên thí sinh hãy trở nên "hot" trong ngành học mình đã chọn.
Có những ngành không "hot" nhưng vẫn có việc làm phù hợp
Một học sinh cho biết mình khá yêu thích các hoạt động bảo vệ môi trường, vậy em có nên đăng ký ngành không "hot" như công nghệ kỹ thuật môi trường hay không? Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2023, trong 24 lĩnh vực thì nhóm ngành môi trường chỉ có 0,9% thí sinh nhập học, nghĩa là chưa đến 5.000 sinh viên trên tổng số hơn 500.000 sinh viên theo học. "Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này có việc làm là 96%. Vì thế nếu em học ngành này thì cơ hội việc làm sẽ có", tiến sĩ Hải cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, chia sẻ nhóm ngành kỹ thuật công nghệ cũng được xem là không "hot", thí sinh đăng ký thường thấp hơn khối ngành kinh tế và các ngành xu hướng, nhưng doanh nghiệp lại rất cần nhân lực.
Bình luận (0)