Chọn lại nghề giáo sau 3 năm học bác sĩ: Bạn chọn nghề y hay nghề giáo?

07/09/2019 12:23 GMT+7

Câu chuyện một thủ khoa ngành sư phạm từng là sinh viên năm thứ 3 ngành bác sĩ đa khoa đã khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối và chia sẻ. Nếu được lựa chọn, bạn sẽ chọn nghề y hay nghề giáo ?

"Bác sĩ là thầy thuốc đó…"

Thay đổi ngành học là chuyện không lạ nhưng việc quyết định dừng học ngành bác sĩ đa khoa - ngành học nhiều người mong muốn, để chọn lại ngành khác có thể xem là hy hữu. Vì vậy mà việc Nguyễn Hoàng Gia Khánh (22 tuổi, TP.HCM) - tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã từ bỏ ngành bác sĩ đa khoa dù học gần hết năm thứ 3 để thi lại ĐH đã gây nhiều tiếc nuối với mọi người.
Trước đó 4 năm, Khánh từng là thí sinh có tổng điểm 6 môn trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước và trúng tuyển đồng thời 2 trường: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ngành sư phạm hóa học 27,5 điểm) và Trường ĐH Y dược TP.HCM (ngành y đa khoa 28,5 điểm). Khánh đã chọn học bác sĩ đa khoa, cho đến khi gần hết năm thứ 3 thì quyết định xin bảo lưu, nghỉ 1 năm ôn luyện để thi lại ĐH và chọn theo nghề giáo vì không thấy phù hợp với giảng đường cũ. Năm nay, Khánh đã trúng tuyển Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngành sư phạm hóa học với điểm số rất cao (28,05 điểm).
Trước thông tin này, nhiều ý kiến bạn đọc gửi về toà soạn Báo Thanh Niên lại bày tỏ sự nuối tiếc cho sự lựa chọn của Khánh.
Bạn đọc tên Nam (TP.HCM) viết: "Tiếc quá, suy nghĩ kỹ lại đi bạn ơi. Bạn vẫn có thể là nhà giáo nếu sau này bạn làm giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM".
Tương tự, bạn đọc Lê Đức Thơ (Đà Nẵng) nói: "Chú rất ngưỡng mộ ý chí của cháu nhưng bác sĩ là thầy thuốc đó".
Trong khi đó, bạn đọc NguoiQuaDuong (TP.HCM) đã chỉ ra thực tế những áp lực trong việc học ngành y. Người này nói: "Vào được trường này đã khó, học ngành y đa khoa lại càng khó hơn nhiều. Con tôi học y đa khoa, cháu nói mỗi năm có khoảng 7-10 bạn bị stress phải dừng ngay việc học hoặc bảo lưu kết quả, hoặc ôn thi lại tìm trường có áp lực học nhẹ hơn".

"Không gì là muộn cả"

Trong khi đó, không ít ý kiến bày tỏ sự chia sẻ với quyết định được cho là táo bạo của thủ khoa này. Đặc biệt là ý kiến từ những người trong cuộc, hiểu rõ được những áp lực mà một người học và sau này hành nghề y cần trải qua.
Bạn đọc Nguyễn Thị Kim Yến (Bình Thuận) chia sẻ: "Con tôi đã tốt nghiệp dược sĩ ĐH, đi làm một năm thấy không hợp và lại ôn thi, giờ đang học năm thứ 4 ngành bác sĩ đa khoa. Con tôi bảo bây giờ chọn ngành mới chính xác, không gì mà muộn cả".
Một bạn đọc tại TP.HCM cũng ủng hộ khi cho rằng khi bị stress, không chịu nỗi áp lực học ngành y thì việc dừng lại là điều tất nhiên.
Trước sự thay đổi này, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ và khâm phục vì lựa chọn làm lại của Khánh.
"Rất đáng khâm phục vì đã dũng cảm chọn lựa được con đường khác cho mình. Không ít người lựa chọn sai đường nhưng vẫn sống chết không dám thay đổi vì hoàn cảnh không ủng hộ, hoặc chỉ đơn giản là sợ mất tất cả. Họ chọn cách thích nghi nhưng thích nghi không được thì chẳng khác nào để bản thân chết dần trong công việc sau này…", Uyên Phương (TP.HCM) bày tỏ.

"Chọn nghề theo sở thích là tốt nhất"

Cá nhân Gia Khánh, sau khi trải qua 4 năm với 2 lần lựa chọn, Khánh có lý giải riêng cho lựa chọn của mình: "Nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được".
Khánh đã rút ra những chiêm nghiệm riêng cho bản thân mình rằng, nếu không đam mê thực sự sẽ rất khó để theo đuổi.
"Nghề nào cũng có những khó khăn riêng nên không thể so sánh cái nào hay hơn cái nào. Quan trọng là sau những áp lực đó mình có cảm thấy vui với những việc mình làm hay không", người trong cuộc nhìn nhận trước sự quan tâm của mọi người.
Trước tình huống thay đổi và chọn ngành học này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: "Chọn nghề theo sở thích là tốt nhất".
Còn bạn, nếu có cơ hội được lựa chọn, bạn sẽ chọn nghề y hay nghề giáo?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.