Bác sĩ thú y ngoài làm việc để tạo ra thu nhập hàng tháng, không ít người còn sẵn sàng thăm khám, chữa bệnh và tiêm vắc-xin cho chó, mèo bị bỏ rơi.
Ngành thú y là ngành nghiên cứu ứng dụng những nguyên tắc của y học trong chẩn đoán và điều trị bệnh cho động vật: gia súc, gia cầm, thú cưng, động vật nuôi trong sở thú, động vật hoang dã.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn phóng sự trong đó một sinh viên ngành thú y chia sẻ mức lương bác sĩ thú y mới ra trường dao động từ 40 – 50 triệu đồng/tháng khiến nhiều người càng tò mò về công việc này.
Quyết học thú y vì đau đớn khi chó bị mất
Th.S, BS Thái Thị Mỹ Hạnh (CEO, Founder BV thú y PetPro) gắn bó với nghề bác sĩ thú y đã 25 năm. Thời còn học phổ thông, bà Hạnh học chuyên khối B (Toán, Hóa, Sinh). Bà cứ nghĩ sẽ học theo ngành gia đình lựa chọn là học y để trở thành một bác sĩ nhân y.
Năm lớp 11, gia đình bà có nuôi một con chó tên là Keeper (người giữ nhà). Thời điểm đó, bà đã xem Keeper như một thành viên trong gia đình. Một ngày, Keeper bỗng dưng bị bệnh. Bà đi tìm "nát" Q.Tân Bình – nơi bà sống nhưng không gặp được một BS thú y nào. Là một phật tử, bà vào chùa tụng kinh như bao ngày và được mọi người chỉ cho gặp một người đi tiêm chó, mèo dạo. Bà nhờ người đó về chích cho con chó đang bệnh ở nhà.
"Người đó đến nhà và lấy 3 mũi chích cho Keeper và đi về. Tôi ngây thơ không biết cách họ làm đúng hay sai. Sau 3 tiếng từ khi chích, Keeper chết. Tôi đau khổ vô cùng, đau đáu suy nghĩ nếu con vật bị bệnh sẽ không có ai cứu chữa. Tôi nghĩ lại BS nhân y đã có nhiều, con người đau sẽ biết khai bệnh còn chó, mèo sẽ không nói được, ít ai hiểu để chữa bệnh cho chúng. Ngã rẽ chuyển sang học BS thú y của tôi bắt đầu từ đó", bà Hạnh kể lại.
Bà âm thầm thi vào ngành thú y của trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Gia đình phản đối kịch liệt vì không biết ra trường sẽ làm công việc gì. Bạn bè nhiều người còn chọc quê học xong sẽ về đi chích heo, thiến heo, chích trâu, bò…
"Thời điểm đó dân thành phố mà đi học thú y chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong lớp mọi người thường lựa chọn theo thú lớn (trâu, bò, heo…) còn tôi theo thú nhỏ (chó, mèo…). Tôi phải nghiên cứu nhiều con thú thay vì một loài, có thể bị chó, mèo cắn, nguy cơ có thể lây bệnh dại khi tiếp xúc", bà nói.
Vượt qua sự mắc cỡ, bà Hạnh cố gắng học thật tốt và ra trường năm 1992. Bà được một cơ quan nhà nước nhận vào làm trưởng bộ phận điều trị ở chi cục thú y.
"Tôi vẫn nhớ có lần chích thuốc cho một con chó, nó rất quậy. Ông chủ có táng nó tôi liền nói: "chú đừng có đánh em, phải dỗ em". Tôi dỗ và con chó hợp tác để chích thuốc. Mười mấy năm sau, khi tôi không làm ở cơ quan nhà nước nữa, chủ của con chó đó đi tìm tôi khắp nơi và tới phòng mạch nơi tôi làm việc vì câu nói với con chó năm xưa. Dù khi gặp lại con chó đó đã mất nhưng người chủ vẫn muốn tôi chữa cho con chó hiện tại", vị BS thú y nhớ lại.
Thu nhập thế nào?
Anh Đàm Hồng Huy (25 tuổi, BS thú y ở Q.Tân Phú) cho hay, cơ duyên đến với nghề là để thỏa mãn niềm yêu thích với chó, mèo, nghiên cứu về cơ thể. Khi anh đăng ký học ngành thú y, gia đình và bạn bè có "đầy rẫy sự nghi ngờ" về công việc sau này.
"Hiện nhiều người vẫn nhầm tưởng tôi đi chích chó, chích heo, chích gà… nhưng tôi vẫn vui vẻ đón nhận. Tốt nghiệp đại học, tôi trở thành BS thú y chữa bệnh cho chó, mèo như dự định ban đầu", anh nói.
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền thông tin sinh viên ngành thú y chia sẻ mức lương mới ra trường dao động từ 40 – 50 triệu đồng/tháng khiến anh Huy "giật mình".
Cũng theo anh Huy, công việc về ngành thú y không thiếu nhưng để có thu nhập ổn định không phải là dễ. Mức lương của một sinh viên thú y ra trường trung bình khoảng 5 – 8 triệu đồng/tháng. Vị BS này cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thăm khám, chữa bệnh, tiêm vắc xin cho những chó, mèo bị bỏ rơi tại các trạm cứu hộ.
"Một ngày tôi sẽ đi khắp BV để kiểm tra chó, mèo và khám, kê toa thuốc cho những thú cưng mới đến chữa bệnh. Lương của một BS thú y có thể đạt được con số 40 – 50 triệu đồng/tháng nhưng phải có thời gian trau dồi suốt nhiều năm không thể mới ra trường đã đạt mức lương đó. Ngoài đi làm để có thu nhập hàng tháng, tôi rất thích tham gia vào các chương trình, chiến dịch chăm sóc chó, mèo lang thang cơ nhỡ xuất phát vì tình thương của những loài động vật này", BS Huy bày tỏ.
Anh Nguyễn Mạnh Cường (27 tuổi, BS thú y tại Q.Bình Thạnh) chia sẻ, ba mẹ làm nông nên nhà nuôi nhiều gà, vịt, dê… Hồi nhỏ, nhiều lần chứng kiến ba mẹ làm ăn thua lỗ vì không biết chữa khi chúng bị bệnh nên anh quyết tâm sau này sẽ trở thành một BS thú y.
"BS thú y phải làm tất cả mọi việc từ chăm sóc các bé bị bệnh, dọn phân, theo dõi việc ăn uống hằng ngày, phẫu thuật… Vì vậy mỗi ngày tôi phải học hỏi, trau dồi thật nhiều để nâng cao tay nghề để chữa cho thú cưng. Theo tôi, mức lương trung bình của một BS thú y khoảng từ 10 – 15 triệu đồng. Nếu mức lương 40 – 50 triệu đồng phải có kinh nghiệm lâu năm trừ khi có những người may mắn khởi nghiệp thành công hoặc có nền tảng sẵn mới có mức lương cao hơn", anh nói.
Bình luận (0)