Chọn lọc FDI

16/02/2025 05:35 GMT+7

Như Thanh Niên vừa phản ánh, động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế hàng hóa từ nhiều thị trường làm gia tăng nỗi lo hàng hóa xuất khẩu của VN bị vạ lây. Vạ lây ở đây là các dự án đầu tư nước ngoài mượn xuất xứ để né thuế, nên cần tăng cường chọn lọc các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhiều năm qua, FDI là một trong những trụ cột của nền kinh tế VN. Tuy nhiên, giá trị mà nền kinh tế VN hấp thụ được từ khối FDI thì chưa cao.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số VN lần thứ 6 diễn ra vào ngày 15.1 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: "Sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn". "Đừng để VN trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công", là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Đó là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận. Trong chuỗi giá trị của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ, thì hầu hết các công đoạn ở nền kinh tế VN nằm ở nhóm "hạ nguồn" - vốn không tạo ra nhiều giá trị. Không chỉ tập trung chủ yếu công đoạn "hạ nguồn", nhiều dự án FDI còn dẫn "bầu đàn thê tử" vào VN để bao phủ phần lớn hệ sinh thái xung quanh dự án. Điển hình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn chứng một dự án FDI "hàng khủng" có tổng cộng 236 đối tác cung ứng cấp 1 thì có đến 219 đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, khối doanh nghiệp nội địa hay nguồn lực nội tại của nền kinh tế VN nhận được bao nhiêu từ dự án FDI "khủng" này?

Trong khi đó, chúng ta lại có rất nhiều ưu đãi dành cho khối FDI. Tại nhiều diễn đàn hay hội thảo, các doanh nghiệp tư nhân VN còn phải bức xúc vì không được hỗ trợ tốt như các doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí, đại diện nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt tự ví bản thân như là "con ghẻ".

Lẽ ra, sự ưu đãi dành cho khối FDI không đơn thuần để thu hút đầu tư, mà còn nhằm góp phần thúc đẩy nền tảng cho doanh nghiệp nội địa. Qua đó, chúng ta mới tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nội địa để nâng cao nguồn lực nội tại của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng, thực tế đang chỉ ra chúng ta chưa đạt kết quả trong vấn đề vừa nêu.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta từng có bài học cay đắng với ngành công nghiệp ô tô khi hình thức liên doanh hoàn toàn không thúc đẩy như mục tiêu đề ra, dù chỉ là mảng phụ trợ của nền công nghiệp ô tô. Dường như bài học cũ đang lặp lại với lĩnh vực công nghệ.

Chính vì thế, để củng cố hiệu quả cho doanh nghiệp Việt và nguồn lực nội tại cho nền kinh tế nước nhà, đã đến lúc chúng ta cần có một chiến lược chọn lọc các dự án FDI để hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài. Có như thế, khi đối mặt các biến động, nền kinh tế VN mới có thể vững vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.