Chọn ngành học đón đầu 4.0: Nhiều ngành khoa học xã hội mới sẽ ra đời

29/12/2017 09:14 GMT+7

Việc làm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn sẽ không giảm đi trong thời đại công nghiệp 4.0. Các chuyên gia khẳng định điều này trước những âu lo công nghệ sẽ dần thay thế việc làm của con người.

Robot không thể thay thế
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của kỹ năng, tư duy và sáng tạo. Ở đó, máy móc được tạo ra sẽ thay thế chủ yếu cho các hoạt động sản xuất trực tiếp hoặc mang tính giản đơn, không thể thay thế hoàn toàn nhân lực các ngành khoa học xã hội. Hơn nữa, đây sẽ là lĩnh vực mà cơ hội việc làm được tạo ra nhiều hơn với thu nhập cao trong một xã hội có nhiều biến đổi.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật này chắc chắn sẽ tác động mọi mặt đời sống. Ở một xã hội chịu sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ thì đời sống xã hội của con người càng có nhiều vấn đề được đặt ra cần giải quyết. Đây chính là lý do của sự tồn tại và phát triển của các ngành xã hội”.
Dẫn chứng cho nhận định này, tiến sĩ Hạ cho biết: “Một thống kê mới đây tại Mỹ cho thấy, ngành có việc làm nhiều nhất ở một quốc gia rất phát triển này hiện không phải khoa học tự nhiên mà chính là khoa học xã hội. Nhân lực trong lĩnh vực khoa học xã hội dễ tìm được việc làm nhất”.
Thạc sĩ Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng sẽ có 2 hướng phát triển tất yếu với các ngành khoa học xã hội trong tương lai. Một mặt nhiều ngành sẽ biến mất vì không còn phù hợp với sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội, đặc biệt là những ngành mang tính quy trình, tư duy giản đơn. Ngược lại với sự bùng nổ của những thành tựu về công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội. Từ đó sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề xã hội kèm theo, như là một hệ lụy tất yếu và tất nhiên phải cần giải pháp giải quyết chúng. Đây là thời cơ để hàng loạt những ngành khoa học xã hội mới ra đời.
“Dù công nghệ có hiện đại đến mấy cũng chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong các lĩnh vực liên quan đến quản trị, sáng tạo, nghệ thuật, xã hội và nhân văn. Vì xã hội nào cũng tồn tại những vấn đề riêng mà trí tuệ nhân tạo không thể nhận diện và tìm ra phương án giải quyết tối ưu được. Năng lực sáng tạo, khả năng đánh giá hiện tượng xã hội và tìm ra giải pháp luôn có chỗ đứng riêng”, thạc sĩ Sang nhìn nhận.
Người lao động phải có kiến thức đa ngành
Theo ông Trần Anh Tuấn, chỉ tính riêng trong thời điểm hiện tại, nhân lực các ngành khoa học xã hội đáp ứng chưa được 30% nhu cầu thực tế. Dự báo trong khoảng 3 - 8 năm tới, nhu cầu nhân lực ngành này vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tổng các nhóm ngành nghề tại VN.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực qua đào tạo tại TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020 đến năm 2025 nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn - du lịch sẽ cần tới 16.200 người làm việc mỗi năm. Đây là nhóm ngành đứng thứ 3 về số lượng việc làm được tạo ra trong tổng số 8 nhóm ngành (sau kỹ thuật công nghệ và kinh tế - tài chính - ngân hàng - pháp luật - hành chính).
Cũng theo dự báo của trung tâm này, xu hướng phát triển các ngành nghề trong nhóm khoa học xã hội thời gian tới sẽ gồm: tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý, pháp luật, giáo dục, du lịch...
Theo nhiều ý kiến, dù số lượng việc làm được tạo ra không giảm nhưng sẽ đòi hỏi ngày càng cao với người lao động về khả năng tư duy và sáng tạo. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, các ngành khoa học xã hội sẽ có tính liên ngành cao hơn khoa học tự nhiên. Khi đó, người lao động cũng đòi hỏi phải có kiến thức đa ngành và xuyên suốt mới thích nghi được.
Ông Trần Anh Tuấn dự đoán, ở một xã hội phát triển thì những người làm công tác xã hội, xã hội học sẽ không chỉ đơn thuần làm công tác tư vấn, nghiên cứu các vấn đề xã hội đơn thuần. Thay vào đó, họ sẽ làm nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lớn để định hướng sự phát triển xã hội, và đây là một ngành rất được chú trọng ở nước phát triển.
Trong một hội thảo bàn về xu hướng nhân lực ngành biên - phiên dịch trong thời đại công nghệ phát triển, ông Phạm Xuân Hoàng Ân, nguyên chuyên viên Sở Ngoại vụ TP.HCM, từng khẳng định nghề này sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, vì vẫn cần có chuyên gia trong một số trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp khẩn cấp thì Google Dịch là một gợi ý cho công việc biên - phiên dịch. Tuy nhiên người dịch cần có kiến thức để biến nó thành bản dịch hoàn chỉnh. Người làm nghề này phải học liên tục không ngừng nghỉ, đặc biệt là những kiến thức tổng quát và chuyên ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.