Chọn phương thức xét tuyển nào để 'chắc suất' vào đại học ?

10/04/2022 06:03 GMT+7

Giữa hàng chục phương thức xét tuyển , hiểu rõ tiêu chí và lợi thế của mỗi phương thức là điều thí sinh cần tìm hiểu và nắm rõ để có cơ hội trúng tuyển ĐH cao nhất.

Đó là nội dung của chương trình Tư vấn mùa thi "Bí quyết trúng tuyển ĐH - Nên lựa chọn phương thức nào" do Báo Thanh Niên tổ chức, được phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Tiền Giang, đồng thời được truyền hình trực tuyến tại các địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên chiều qua 9.4. Chương trình do Vingroup tài trợ.

Các chuyên gia tư vấn hỗ trợ thí sinh trong quá trình xét tuyển

Đào Ngọc Thạch

Cần nắm rõ tiêu chí của phương thức định xét tuyển

Nhìn nhận về tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm gần đây, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng các trường đã sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển nhằm mở ra nhiều cánh cửa vào ĐH, CĐ cho thí sinh, giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội thay vì trước đây chỉ có cơ hội duy nhất là xét điểm thi THPT.

"Các phương thức mà hầu hết các trường đều sử dụng hiện nay là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ và điểm đánh giá năng lực của 2 trường ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên các em cần lưu ý mỗi phương thức đều có các tiêu chí khác nhau, và có ưu điểm riêng. Chẳng hạn ở phương thức xét học bạ, mỗi trường lại có các xét tuyển khác nhau, 3 học kỳ hoặc 5 học kỳ, với các mốc thời gian khác nhau", thạc sĩ Cao Quảng Tư nhận định.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, đưa ra lời khuyên: "Ngoài 3 phương thức trên thì nhiều trường còn kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế với kết quả học bạ hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh nào có chứng chỉ quốc tế cũng là một lợi thế. Một số trường lại có kỳ phỏng vấn để thí sinh thể hiện tố chất, khả năng, điểm mạnh của mình... Thí sinh cần bình tĩnh, xem năng lực của bản thân phù hợp với phương thức nào. Thí sinh có thể liệt kê những phương thức tại các trường mà mình muốn xét tuyển ra cuốn sổ tay, sau đó cân nhắc lại xem phương thức nào tối ưu với năng lực của mình”.

Đối với bậc CĐ, đa số các trường đều sử dụng các phương thức xét tuyển như bậc ĐH, chẳng hạn điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực, tùy theo đề án mỗi trường. Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, lưu ý thí sinh nên vào các kênh của trường ĐH và CĐ mà mình định đăng ký như trang web, fanpage Facebook để tìm hiểu thông tin.

Ngành học mới, “hot” xét tuyển theo phương thức nào ?

Giải đáp thắc mắc của một học sinh về việc đăng ký xét tuyển ngành giáo dục mầm non, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Đây là ngành học mới mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến sẽ mở trong năm nay. Trong 4 tổ hợp môn xét ngành này đều có môn năng khiếu. Thí sinh có thể chọn tổ hợp 2 môn văn hóa và 1 môn năng khiếu hoặc 1 môn văn hóa và 2 môn năng khiếu, gồm đọc kể diễn cảm, hát và kiến thức âm nhạc. Trường sẽ tổ chức kỳ thi năng khiếu. Ngoài ra thí sinh có thể sử dụng kết quả thi năng khiếu tương ứng mà thí sinh thi ở trường khác”.

Thí sinh Trần Trung (H.Châu Thành, Tiền Giang) có điểm thi đánh giá năng lực 600, cho biết muốn xét tuyển chuyên ngành trí tuệ nhân tạo thuộc ngành khoa học máy tính của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết: "Trí tuệ nhân tạo là một trong những chuyên ngành “hot” của trường, có nhu cầu nhân lực rất lớn. Hằng năm ngành này có điểm chuẩn khá cao. Dự kiến năm nay trường nhận hồ sơ theo phương thức đánh giá năng lực từ 650 điểm nên mức điểm 600 sẽ khó có cơ hội. Tuy nhiên em có thể dùng phương thức xét học bạ 5 học kỳ, nhận hồ sơ từ 1.3, hoặc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét".

Nhóm ngành đặc thù gồm công nghệ thông tindu lịch của Trường ĐH Tài chính - Marketing đào tạo như thế nào là thắc mắc của học sinh Văn Hải gửi tới chương trình tư vấn. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: "Vì đây là các nhóm ngành đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho đất nước nên giúp người học tương tác nhiều hơn, học lý thuyết kết hợp với thực hành. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, chương trình quy định rõ thời lượng học lý thuyết là 50% và thực hành 50%. Trường phải ký kết hợp tác với doanh nghiệp, mời doanh nghiệp đến chia sẻ, hướng dẫn nhiều nội dung đào tạo. Sinh viên được trải nghiệm thực hành tại các phòng mô phỏng hoặc đưa đến doanh nghiệp để được thao tác thực tế. Các em tốt nghiệp sẽ có đủ năng lực để làm việc ngay".

"Nếu em chọn đường vòng, học CĐ thì sau bao lâu có thể lấy được bằng ĐH? Ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có thể liên thông lên trường ĐH nào?" là câu hỏi của học sinh Dương Chí Dũng, Trường THPT Ấp Bắc, TP.Mỹ Tho. Thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chia sẻ: "Có rất nhiều con đường để lấy bằng ĐH, ví dụ các em có thể học CĐ, sau đó liên thông lên ĐH. Thời gian học CĐ từ 2 - 3 năm. Sau khi tốt nghiệp CĐ các em có thể đi làm một thời gian rồi học liên thông vì những trải nghiệm khi làm việc sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình học liên thông ĐH của các em. Hoặc các em cũng có thể học liên thông ngay sau khi tốt nghiệp CĐ".

Theo thạc sĩ Dũng, tốt nghiệp ngành công nghệ ô tô của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thì có thể liên thông lên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong thời gian 1 năm rưỡi để lấy bằng ĐH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.