Nhiều CLB, đội, nhóm và các cá nhân tình nguyện đang chộn rộn với các hoạt động gây quỹ, chuẩn bị sẵn sàng cho một đêm phá cỗ nồng ấm với các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Nhiều CLB, đội, nhóm và các cá nhân tình nguyện đang chộn rộn với các hoạt động gây quỹ, chuẩn bị sẵn sàng cho một đêm phá cỗ nồng ấm với các em nhỏ vùng sâu, vùng xa.
Tranh thủ những buổi trưa nắng, người dân có ở nhà, các bạn trong CLB tình nguyện Hope đến từng nhà quyên góp ve chai - Ảnh: N.V
|
Gõ cửa từng nhà
“Tụi mình bán bắp rang bơ nhưng cũng phải len vào từng con hẻm, gõ cửa từng nhà dân để bán. Nếu không làm như vậy thì hiệu quả bán được sẽ không cao”, Nguyễn Thanh Hằng, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện trẻ TP.HCM chia sẻ.
CLB Tình nguyện trẻ chỉ mới được hơn 1 năm tuổi, nguồn quỹ chưa nhiều, muốn tổ chức gì cũng khó, nên các thành viên phải đôn đáo tất cả các hình thức quyên góp. Để tổ chức tốt cho chương trình Tết Trung thu sắp tới tại xã Phú Hòa, H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ngoài bán bắp rang bơ, các thành viên còn vận động mọi người xung quanh quyên góp sách vở, các nhu yếu phẩm như: sữa, đường, gạo, dầu ăn...
Từ mấy tháng trước, CLB tình nguyện Hope TP.HCM đã tiến hành các hoạt động gây quỹ cho chương trình Tết Trung thu. Theo Trần Văn Tuấn, chủ nhiệm CLB, ngoài những hoạt động như bán nước, thu gom ve chai thì CLB tình nguyện Hope còn thành lập nhóm nhảy Flash mob, khi có đơn vị nào cần thuê thì nhóm nhảy sẽ tham gia. Đây cũng là một hoạt động gây quỹ của CLB. Phá cỗ đêm rằm năm nay, CLB này sẽ về với Trường tiểu học Mỹ Thạnh Bắc II, ấp 5, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, với 247 suất quà cộng với 10 suất học bổng. Tổng kinh phí cho chương trình dự kiến là 25 triệu đồng.
Để không là ký ức
Nguyễn Hương, giáo viên mầm non ở TP.HCM cho biết trung thu luôn là một ký ức đặc biệt, bởi nó gợi cho cô nhớ đến những kỷ niệm ngày nhỏ ở quê.
“Ở thành phố thì khó ngắm trăng sáng như ở quê. Đến đêm rằm thì đứa nào cũng háo hức chộn rộn chuẩn bị để gọi nhau rước đèn. Chuyện có được một cái bánh đậu xanh trứng muối là một cái gì đó lớn lao lắm, mỗi đứa chỉ được một phần nhỏ thôi và không dám ăn nhiều sợ hết”, Hương nói.
Còn Thiên Thư, một biên kịch tự do ở TP.HCM thì cho rằng cô thích trung thu kiểu như dịp ăn mừng vụ lúa bội thu, tức là phải bao gồm các “vế” như: nghỉ ngơi, vui vẻ, sung túc.“Mình cũng hay tiếc cho con nít bây giờ không được ăn trung thu vui như mình ngày xưa. Nhưng mà nghĩ lại, làm sao bắt tụi nó giống mình 20 năm trước được. Ở cương vị người lớn, mình muốn giữ lại những gì làm nên trung thu của mình”, Thư nói.
Nỗi niềm của Hương hay Thư cũng là suy nghĩ chung của nhiều người. Và thay vì ngồi đó than thở về một thời đã qua, họ đã bắt tay vào chuyện tìm lại cho mình những giá trị xưa cũ theo nhiều cách.
Với Hương, chuẩn bị một bữa tiệc trung thu với nhiều đồ trang trí tại trường mẫu giáo chính là cách để cô sống lại tuổi thơ của mình. Cô cho rằng, việc giới thiệu cho trẻ em những niềm vui của trung thu truyền thống là điều rất nên làm, nhưng chuyện yêu thích nó ra sao và tận hưởng thế nào thì nên để trẻ nhỏ tự cảm nhận.
“Có nhiều em sẽ thích lồng đèn pin hơn, vì chưa biết được cái vui khi chơi lồng đèn bằng đèn cầy. Ngay cả chơi xong mà các em vẫn thích đèn pin thì cũng nên tôn trọng. Hiện tại, cách làm đồ chơi trung thu cổ truyền như lồng đèn khung tre, lon sữa bò, mặt nạ, đầu lân… có ở rất nhiều trang mạng, không khó tìm, phụ huynh có thể tham khảo và làm tại nhà cho con em. Hầu như trường học nào cũng có chương trình đón trung thu và các cô cũng cố gắng hết sức để học trò nhỏ có những trải nghiệm lý thú”, Hương chia sẻ.
Hương cũng cho rằng nếu muốn con trẻ yêu Tết Trung thu nói riêng hay những giá trị dân tộc nói chung, bản thân người lớn chính là nguồn cảm hứng, là người hướng dẫn và là bạn đồng hành. Nếu không thể tự làm, thì các lớp học, trung tâm văn hóa chính là địa chỉ cần biết.
Một số nơi cũng hướng phụ huynh và thiếu nhi đến việc tham gia trung thu cùng cộng đồng với nhiều hình thức mới lạ như dự án làm mặt nạ dân gian bằng giấy bồi bắt đầu từ 13.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN của nhóm giảng viên, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật VN. Không chỉ tìm niềm vui cho bản thân, các em nhỏ còn có thể bán mặt nạ để gây quỹ cho việc xây dựng trường học, lập tủ sách ở Trường tiểu học Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Bình luận (0)