Liên tiếp hàng loạt nhà thầu chính, nhà thầu phụ, tư vấn giám sát trong nước và nước ngoài tại dự án QL18, QL14, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... bị Bộ GTVT cảnh cáo, đuổi khỏi dự án, thậm chí bị cấm cửa không cho tham gia vào các dự án giao thông trong 2 - 3 năm.
Lẽ dĩ nhiên, nhà thầu mắc lỗi phải xử phạt, nhưng việc xử lý mang tính chất hậu kiểm này không thay đổi được nhiều thực tế các dự án bị cắt xén, chất lượng kém, lún nứt, hằn vệt bánh xe... Câu hỏi đặt ra là phải chăng khâu kiểm soát đầu vào khi chọn nhà đầu tư (với các dự án BOT), nhà thầu và đặc biệt là vai trò kiểm soát chất lượng, tiến độ dự án thông qua kiểm soát nhà thầu của Ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý chất lượng của Bộ còn bị buông lỏng? Việc xử lý khi chuyện đã rồi cũng chính là hậu quả của việc lựa chọn sai ngay từ đầu, kiểm soát thiếu hiệu quả.
Đơn cử mới đây, Tổng công ty Sông Hồng bị đuổi khỏi dự án QL14, do bán gói thầu số 9 dẫn đến dự án đình trệ. Đáng nói là dự án mới chỉ được khởi công vài tháng trước, hồ sơ của Tổng công ty Sông Hồng cũng chứng minh đủ năng lực, nhưng thực tế sau đó Cục Quản lý xây dựng khẳng định nhà thầu không có hai yêu cầu tối thiểu để hoàn thành công trình là máy móc và nhân lực.
Có thể kể ra một danh sách dài các nhà thầu, tư vấn giám sát bị Bộ xử lý, cấm tham gia các dự án giao thông. Như Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Cần Thơ bị Thanh tra Bộ kiến nghị cấm tham gia đấu thầu trong 6 tháng, bởi những lỗi hư hỏng rất nặng của dự án QL91B qua địa bàn tỉnh Cần Thơ, đường xuất hiện ổ gà chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác; có dấu hiệu bán thầu, chủ đầu tư không ban hành chỉ dẫn kỹ thuật cho dự án… Một nhà thầu QL18 cũng đã bị cấm không cho tham gia các việc liên quan đến giao thông trong 3 năm, do không đảm bảo chất lượng, khiến mặt đường QL18 bị hằn lún vệt bánh xe ngay sau khi thông xe.
Bản thân người đứng đầu Bộ GTVT nhiều lần nhấn mạnh phải lựa chọn đúng nhà đầu tư, nhà thầu đủ năng lực, cũng như vai trò quan trọng của Ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế giám sát trong kiểm soát tiến độ, chất lượng dự án. Tuy nhiên, bản thân ông cũng phải thừa nhận nội bộ đang có vấn đề, bởi vẫn tồn tại tình trạng chủ đầu tư, nhà thầu năng lực kém, bán thầu, thông thầu…
Người dân ghi nhận hành động xử lý sai phạm nhanh và quyết liệt của Bộ trưởng GTVT, nhưng để giải quyết “căn bệnh” của ngành, giải pháp căn cơ là bịt ngay “lỗ hổng” trong đấu thầu để lựa chọn đơn vị đủ năng lực. Đặc biệt, phải xóa bỏ các khoảng tối như tình trạng nể nang khi tư vấn giám sát bị “ràng buộc” bởi nhà thầu, nhà thầu thì “đi đêm” với chủ đầu tư để trúng thầu. Có như vậy mới không phải xử lý chạy theo sự vụ đã rồi khi chất lượng kém, tiến độ công trình kéo dài gây bức xúc dư luận.
Mai Hà
>> Cảnh cáo, cấm cửa nhiều nhà thầu tại dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình
>> Quản lý chặt nhà thầu nước ngoài
>> Giành thị phần từ nhà thầu ngoại
>> Chấm dứt nhà thầu thi công vì chậm tiến độ
>> Bộ GTVT ra 'tối hậu thư' cho nhiều nhà thầu
Bình luận (0)