Sáng 30.7, tại hội trường Trung tâm trao đổi văn hóa với Pháp IDECAF (Q.1, TP.HCM) đã diễn ra diễn đàn “Du học Pháp” lần thứ 17, do Campus France Vietnam, bộ phận chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp với Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức. Diễn đàn giúp trả lời những thắc mắc về nhà ở, việc làm thêm và thực tập… dành cho học sinh - sinh viên lần đầu đi du học Pháp.
Làm thêm và thực tập tại Pháp thế nào?
Nhiều loại hình làm thêm được sinh viên quốc tế chọn lựa từ phục vụ nhà hàng, giao hàng đến công việc trông trẻ, gia sư… Tuy nhiên, thay vì rải đơn xin việc trên nền tảng trực tuyến, du học sinh có thể trực tiếp đến địa điểm làm việc như cửa hàng, siêu thị… để nộp hồ sơ.
Theo Dương Thị Mai Lan (Tổng thư ký UEVF), du học sinh nên ký hợp đồng và kê khai thời gian làm việc đầy đủ để đảm bảo quyền lợi về lương khi làm thêm. “Ở Pháp, du học sinh có thể làm việc bán thời gian tối đa 20 giờ/tuần và không bắt buộc số lượng giờ làm trong ngày mà có thể phân chia phù hợp với lịch học. Mức lương tối thiểu là 8,6 euro/giờ sau khi trừ thuế”, Mai Lan chia sẻ.
Diễn đàn thu hút đông đảo sinh viên - học sinh tham dự |
Phương Thảo |
Cũng theo Mai Lan, ngoài những website tìm việc thông thường, các diễn đàn, hội nhóm dành cho du học sinh Việt Nam tại Pháp cũng thường đăng tải việc làm và hỗ trợ du học sinh trong quá trình tìm việc.
Về câu chuyện thực tập, du học sinh sẽ tự ứng tuyển dựa trên sự tìm hiểu cá nhân, thông qua diễn đàn, bạn bè, người thân giới thiệu hoặc từ đối tác của trường học…
Với thực tập sinh bậc cử nhân, Nguyễn Hà Giang (tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán, kiểm toán và quản lý sản xuất tại Pháp) chia sẻ: “Nhà trường khuyến khích sinh viên tự tìm nơi thực tập để cọ xát. Nếu thực tập sinh làm việc trên 10 tuần sẽ bắt đầu nhận được lương hỗ trợ. Các bạn nên thực tập ngay từ những năm đầu tiên để tiếp cận môi trường, làm giàu kinh nghiệm”.
Còn Nguyễn Hoàng Hải (tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng tại Pháp) cho biết kỳ thực tập dành cho bậc thạc sĩ sẽ gồm kỳ thực tập 3 tháng vào năm học đầu tiên và 6 tháng cho khóa luận tốt nghiệp.
“Du học sinh sẽ gửi hồ sơ, thư xin việc và chờ phỏng vấn. Nếu thực tập từ 2 tháng trở lên, thực tập sinh sẽ nhận được lương hỗ trợ, thấp nhất là 3,5 - 3,9 euro/giờ, dao động khoảng 500 - 2.000 euro/tháng tùy vào năng lực của thực tập sinh và thương lượng với nhà tuyển dụng”, Hải nói thêm.
Nhiều thông tin bổ ích được cung cấp trước thềm diễn đàn |
Phương Thảo |
Nên ở ký túc xá hay thuê nhà?
Đang băn khoăn trong việc tìm kiếm chỗ ở để chuẩn bị cho chuyến du học vào năm sau, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ: “Ngoài vấn đề ngoại ngữ, chỗ ở là điều mình lo lắng nhiều nhất. Vì vậy, tới diễn đàn du học, tôi mong muốn biết thêm thông tin về việc tìm nhà ở Pháp”.
Các diễn giả cho hay có nhiều loại hình nhà ở để sinh viên lựa chọn khi sang Pháp như ở ký túc xá, sống với người thân, người bản địa, thuê nhà ở một mình… Tuy nhiên, ký túc xá là lựa chọn ưu tiên của du học sinh.
Anh Việt Anh chia sẻ thông tin cho sinh viên có dự định sang Pháp du học |
Thanh Dung |
Cựu du học sinh Nguyễn Hoàng Hải cho biết, chi phí ở ký túc xá rẻ hơn so với những hình thức thuê nhà khác nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, diện tích ở ký túc xá khá nhỏ (khoảng 9 - 20m2), phù hợp với 1 - 2 người ở.
“Ký túc xá cũng là nơi hội tụ nhiều du học sinh Việt Nam nên việc sinh hoạt chung cũng có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, nhu cầu ở ký túc xá cao và số lượng phòng có hạn nên việc đăng ký khá khó, các bạn cần liên hệ trước với trường để tìm hiểu và được hỗ trợ”, Hải nói.
Bạn trẻ hào hứng check-in cùng quà tặng tại diễn đàn Du học Pháp |
Phương Thảo |
Về việc hỗ trợ chi phí nhà ở, Mai Lan cho biết: “Pháp có quỹ hỗ trợ nhà ở CAF và APL, tất cả mọi người khi thuê nhà đều có quyền xin hỗ trợ một phần chi phí. Tuy nhiên, số tiền được hỗ trợ phụ thuộc vào thành phố mà các bạn thuê nhà, tiền thuê nhà và khả năng chi trả của sinh viên (được hỗ trợ khoảng 20 - 40%). Với những bạn có học bổng của Chính phủ sẽ được hưởng trợ cấp nhiều hơn (khoảng 40%)”.
Để được hỗ trợ tiền nhà, du học sinh phải có hợp đồng thuê nhà, bảo hiểm xã hội sinh viên, giấy tờ tùy thân và tài khoản ngân hàng tại Pháp. Do đó, du học sinh nên làm hồ sơ hỗ trợ càng sớm càng tốt trên trang web của CAF hoặc đến các cơ sở CAF.
Ngoài ra, hình thức ở chung nhà với người bản địa cũng được các bạn trẻ quan tâm. Đây là loại hình nhà ở rất phù hợp cho sinh viên quốc tế muốn học hỏi, thực hành tiếng Pháp và tìm hiểu về văn hóa nước này.
Theo anh Nguyễn Việt Anh, phụ trách quan hệ Quốc tế tại ILCI Business School Paris (Pháp) - đối tác thường niên của UEVF, trường thường xuyên có chương trình hỗ trợ tìm nhà ở, việc làm, thủ tục hành chính… khi sinh viên sang Pháp du học. Anh Việt Anh chia sẻ, sinh viên Việt Nam khi sang Pháp du học gặp hai cú sốc lớn về văn hóa và ngôn ngữ.
“Có du học sinh khi sang Pháp vẫn không thể đi chợ, khi thanh toán hóa đơn thì không thể trả tiền vì kỹ năng nghe nói còn hạn chế. Do đó, chúng tôi sẽ cung cấp mẹo để sinh viên chào hỏi, nghe hiểu từ thông dụng… giúp các em thích nghi văn hóa Pháp trước khi vào học tập”, anh Việt Anh nói.
Bình luận (0)