Chống béo phì ở học sinh: Đừng trông chờ 2 tiết thể dục mỗi tuần!

04/01/2023 07:05 GMT+7

Các giáo viên, chuyên gia đều cho rằng xã hội không thể dửng dưng trước tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì ở TP.HCM ngày càng gia tăng.

Chống béo phì phải từ chính những hoạt động giáo dục thể chất trong trường học và xây dựng nếp sống yêu thích vận động từ cộng đồng.

21/30 học sinh trong một lớp thừa cân - béo phì

Anh T.H.T, một phụ huynh có con học lớp 4 tại một trường tiểu học “có tên tuổi” ở ngay Q.1, TP.HCM cho chúng tôi xem tờ thông báo kết quả khám sức khỏe định kỳ mới đây của cả lớp. Lớp sĩ số 30 học sinh (HS) thì tới 21 em được kết luận thừa cân - béo phì. Số lượng HS béo phì lớn hơn nhiều số em thừa cân. “Thật sự rất đáng buồn. Không chỉ thừa cân - béo phì, nhiều em còn bị tật khúc xạ ở mắt. Béo phì có nguy cơ tử vong không kém gì ung thư nhưng rất nhiều phụ huynh xem nhẹ, chỉ quan tâm điểm số của con ra sao, đứng thứ mấy ở lớp”, anh này thở dài.

Một giáo viên có hơn 10 năm giảng dạy giáo dục thể chất cấp THCS tại khu vực Q.7, TP.HCM, trước đó dạy giáo dục thể chất ở tiểu học cho hay với tình trạng ăn uống nhiều đồ béo, không theo giờ giấc, ngồi học cả ngày rồi lại đi học thêm, trong khi thời gian vận động ít thì không thừa cân - béo phì mới lạ. Giáo viên này cũng cho biết với cấp THCS, HS có mỗi tuần 2 tiết giáo dục thể chất, mỗi tiết 45 phút, chỉ một số ít trường có câu lạc bộ thể dục thể thao ngoại khóa ngoài giờ cho HS, còn lại là không.

Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM trong giờ khám sức khỏe định kỳ

THÚY HẰNG

Trường học nỗ lực chống béo phì

Sáng 3.1, PV Thanh Niên có mặt ở Trường tiểu học Thái Hưng, đường Ba Đình, Q.8, TP.HCM vào giờ giáo dục thể chất của HS. Đây là cơ sở tạm của trường (cơ sở chính đang sửa chữa), diện tích hạn chế, thầy trò cùng phải xoay xở tập luyện trong khoảnh sân khoảng 80 m2. Các lớp thay phiên nhau tập. Với HS khối lớp 1, 2, 3, các em thực hiện các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục phát triển chung, kỹ năng vận động cơ bản. Khối 4, 5, HS được tham gia các bài tập đá cầu, nhảy dây, ném bóng vào rổ, bật xa tại chỗ… Trường có 2 trụ bóng rổ nhưng các em không chơi được vì diện tích sân có hạn.

Thầy Nông Đức Hòa, giáo viên giáo dục thể chất nhà trường, cho biết mỗi tuần các em có 2 tiết thể dục, 35 phút/tiết. Phần thể thao tự chọn các em được học đá bóng, nhưng vì sân nhỏ nên HS chỉ thực hành một số động tác như dẫn bóng hình zích zắc…

Thầy Nguyễn Trần Chí Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thái Hưng, cho biết trường có 19,67% HS thừa cân - béo phì. Với những em này nhân viên y tế nhà trường sẽ nhắc nhở cô bảo mẫu cho các em ăn nhiều rau xanh, nhiều canh hơn, ít cơm và trao đổi với giáo viên giáo dục thể chất hướng dẫn các em thêm một số bài tập. Tuy nhiên sự hướng dẫn này cũng cần rất tế nhị, vì tránh cho trẻ bị cảm giác tự ti, mặc cảm. Thầy Hoàng cho hay trong các buổi họp phụ huynh, nhà trường cũng trao đổi với cha mẹ các em về việc chăm sóc sức khỏe thể lực, cho con tham gia các hoạt động thể thao, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào phụ huynh có muốn và sắp xếp được thời gian hay không.

Những đề xuất về môn giáo dục thể chất

Tiến sĩ Phạm Thái Vinh, giảng viên Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao, một trong những tác giả sách giáo khoa giáo dục thể chất lớp 6, 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo), cho biết HS THCS học 2 tiết giáo dục thể chất mỗi tuần (tương đương 90 phút), còn tiểu học cũng 2 tiết/tuần, tương đương 70 phút, trừ đi thời gian khởi động, sắp xếp lớp thì còn khá ít để các em có thể vận động toàn diện.

Tiến sĩ Phạm Thái Vinh đề xuất: “Với HS tiểu học, 2 tiết giáo dục thể chất có thể sắp xếp thành tiết đôi, để triển khai nội dung môn học hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các giáo viên, nhà trường cần phải coi trọng môn giáo dục thể chất trong trường học”.

Một GV dạy thể dục ở Q.7, TP.HCM đề xuất: “45 phút một tiết học thể dục nhưng thời gian khởi động, tập trung cũng mất 5 - 10 phút rồi. Để đốt cháy hết lượng mỡ thừa trong cơ thể, HS phải tập luyện với cường độ cao, thời lượng liên tục chứ thời gian này là không khả thi. Ít nhất HS THCS cần 4 - 5 tiết giáo dục thể chất mỗi tuần mới đủ để rèn thể chất”.

Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết với lợi thế sân trường rộng, trường cho HS tham gia đa dạng hoạt động giáo dục thể chất. Tại sân trường cũng có lắp nhiều dụng cụ tập thể dục thể thao để các em có thể vận động ở giờ ra chơi. Theo cô Hương, để khuyến khích HS học giáo dục thể chất trong vui vẻ, các giáo viên giáo dục thể chất cho HS tham gia nhiều hoạt động mà các em yêu thích. Bên cạnh đó, trường còn có các CLB thể thao ngoài giờ được nhiều em đăng ký như cầu lông, võ thuật, thể dục nhịp điệu, nhảy hiện đại…

Tuy nhiên, theo cô Thu Hương, để chống béo phì trong HS cần sự phối hợp tham gia của các bên, từ gia đình, nhà trường, cộng đồng. Bên cạnh tập luyện thể thao còn là chế độ dinh dưỡng. “Nhà trường đã không bán nước ngọt có ga trong căn tin, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, hạn chế các món chiên dầu mỡ trong khẩu phần cơm trưa, nhưng về nhà phụ huynh cho con ăn gà rán, pizza, khoai tây chiên, uống nước ngọt có ga và trà sữa thoải mái và không vận động, chỉ ngồi xem ti vi, iPad thì rất khó để chống thừa cân - béo phì”, cô Thu Hương nói.

Học sinh Trường tiểu học Thái Hưng, Q.8 trong giờ học giáo dục thể chất

thúy hằng

Cha mẹ ôm điện thoại, làm sao bảo con “chống béo”

Không thể phó mặc hết cho nhà trường trong việc rèn thể lực cho trẻ cũng như phòng chống thừa cân - béo phì. Theo các chuyên gia, mỗi gia đình cần phải xây dựng văn hóa yêu thể dục thể thao đầu tiên.

Anh Trần Hữu Tài, người sáng lập trung tâm chăm sóc sức khỏe bà bầu, mẹ sau sinh “Care With Love”, ông bố của 4 con (lần lượt 10 tuổi, 9 tuổi, 7 tuổi và hơn 1 tuổi) yêu thích chạy bộ, 3 môn thể thao phối hợp (bơi lội - đạp xe - chạy bộ), vợ của anh thì rất mê yoga, aerobic. Gia đình anh Tài luôn có “một giờ hạnh phúc” mỗi tối, thời gian đó cả nhà cùng tập yoga, đọc sách trước khi ngủ, còn cuối tuần thì cả nhà cùng đi tập một môn thể thao.

Mỗi cuối tuần, thay vì ra quán cà phê ngồi rồi vợ chồng, 4 đứa con mỗi đứa ôm một cái điện thoại, iPad thì cả nhà anh, 6 thành viên cùng đi bộ ở công viên hoặc đạp xe (bé út có xe mini, có người hỗ trợ phía sau). Anh Tài bày tỏ: “Cha mẹ không yêu thể thao, khó mà nói con ham vận động. Giá như các trường tiểu học ở TP.HCM, bên cạnh những tuyên dương HS giỏi, đạt giải thưởng học tập… thì sẽ có thêm những giải thưởng trao cho các HS khỏe mạnh, chơi được nhiều môn thể thao, không thừa cân - béo phì tốt biết bao”.

Một phần kết quả khám sức khỏe của lớp 4, một trường tiểu học ở Q.1 TP.HCM trong đó có nhiều học sinh thừa cân, béo phì

phụ huynh cung cấp

Giáo viên dạy giáo dục thể chất tại một trường THCS tại P.Tân Kiểng, Q.7, TP.HCM thì thẳng thắn cho rằng: “Nhiều phụ huynh cứ than rằng chương trình của con nặng, không có thời gian cho con tham gia hoạt động thể dục thể chất, nhưng thực tế là họ đang bắt các con học quá nhiều. Cha mẹ đòi hỏi con phải nhiều điểm cao, học thêm Anh văn, toán, lý, hóa… các ngày rồi học cả cuối tuần, thì thời gian ở đâu cho con vận động?”. Giáo viên này cũng cho rằng tấm gương vận động cơ thể, lối sống lành mạnh cho các con phải từ chính cha mẹ. Cha mẹ chỉ ngồi xem ti vi, iPad, không vận động, không thể dục thể thao thì rất khó để khuyên các con rằng "hãy yêu thích thể thao đi", “hãy vận động cơ thể đi, chống béo phì đi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.