Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên để mưu sinh nên cuộc sống của họ bếp bênh theo dòng nước.
Mưu sinh trên dòng nước
Ở cái xóm vạn chài này là một thế giới tách biệt, khác lạ hẳn với nhịp sống sôi động ở giữa phố phường bên ngoài. Dân ở đây đều là nhập cư, gần 80% là Việt kiều Campuchia hồi hương nhưng không có giấy tờ tùy thân. Con cái muốn đến trường cũng gặp khó khăn về mặt thủ tục. Có những gia đình mấy thế hệ mưu sinh trên lòng hồ Thác Mơ chỉ với nghề đánh bắt cá. Phương thức lâu đời và được nhiều người dùng nhất hiện nay là đánh kích điện bằng bình ắc quy. Sau mỗi chuyến đánh bắt về, người nhà lại mang lên bờ bán lấy tiền, rồi mua những thứ cần thiết xuống bè.
Giữa trưa tháng 3 trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm nhà của bà Nguyễn Thị Dương. Nói là nhà chứ thật ra cũng chỉ là cái bè được che đậy bằng những tấm tôn cũ, được giữ nổi bằng phao. Ngồi trên bè, dưới mái tôn thấp nóng hừng hực, mùi hôi từ xác chết của cá, chất thải của gia súc… bốc lên nồng nặc. Như hiểu ý, bà Dương chỉ tay vào dưới sàn nhà nói: “Tôi có làm cái lồng bên dưới để nuôi cá lóc, cá lăng nha nên có mùi tanh vậy đó. Trước đây cá còn nhiều, mỗi ngày gia đình tôi đi đánh bắt cũng được vài tạ, nhưng giờ chỉ còn vài kg cá tạp các loại, bán cũng được 30.000đồng/ngày. Nếu không tận dụng mà nuôi thêm thì chỉ có bỏ xứ mà đi tiếp”.
Bà Dương cũng không rõ quê mình ở đâu, chỉ nghe cha mẹ kể lại là tận vùng biển Kiên Giang. Bà theo cha mẹ qua Campuchia sinh sống trên Biển Hồ lúc còn ẵm ngửa trên tay. Vất vả, cực khổ nên bà chưa từng được đến lớp, nên một chữ bẻ đôi cũng không biết. Bà lớn lên trên sông nước, lập gia đình nhưng cũng chỉ quanh quẩn với công việc đánh bắt cá kiếm sống. Năm 1998, cả gia đình bà hồi hương về Việt Nam và lại chọn lòng hồ Thác Mơ làm nơi cắm sào.
|
Đời bao giờ ngừng trôi
Hỏi vì sao không lên bờ, bà Nguyễn Thị Dương cho biết thêm: “Ở đây ai cũng khát khao lên bờ cả nhưng không chữ, không giấy tờ, lên bờ làm gì mà sống?”.
Những người trong cái xóm vạn chài trên lòng hồ Thác Mơ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều chỉ có chung một ước mơ như bà Dương, được một lần ngủ trên đất liền, không phải nghe tiếng ì oạp của sóng, hơi thở lạnh lẽo của dòng sông và mùi tanh của những xác cá dưới sàn nhà. Chị Tống Thị Giàng sinh sống trên lòng hồ này hơn 20 năm, đã có 2 mặt con, cuộc sống cả gia đình chỉ trông chờ vào tình thương của lòng sông này mang lại. “Ngày nào không kiếm được cá là ngay đó coi như cả nhà phải nhịn đói. Ai mà không muốn lên bờ, nhưng lên trên đó thì lấy gì để sống”, chị Giàng nói.
Ở làng chài khó có thể phân biệt được sự giàu nghèo, bởi cuộc sống của nhà nào cũng giống nhau. Tất cả đều không có một tấc đất cấm dùi. Ngày họ lang thang trên lòng hồ để kiếm sống, tối về cả gia đình neo đậu trong những căn nhà nổi ộp ẹp chưa đến 15 m2. Nói về cái ước mơ có một cuộc sống ổn định, Đặng Văn Nam như muốn khóc. “Đời vợ chồng tôi cực khổ, mù chữ, rong ruổi khắp nơi mà không có mảnh giấy lận lưng, thiệt thòi lắm nhưng điều lo nhất là đứa con trai đang học tiểu học ở trường xã đến giờ chưa có giấy khai sinh”.
Anh Nam chỉ mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình như anh được nhập khẩu, đăng ký khai sinh cho các con để chúng được đi học có cái chữ, mai này bớt khổ, bớt lênh đênh trên sông nước…
Phước Hiệp
Bình luận (0)