Hầu như họ phải thức trắng đêm trong phòng xét nghiệm để săn… mầm bệnh.
Ngày cũng như đêm
Từ 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên ở xã Thạch Trung (TP.Hà Tĩnh) vào ngày 4.6, dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến ngày 18.6, tỉnh này đã ghi nhận 77 ca mắc bệnh.
Số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng đã giảm trong những ngày gần đây nhưng cuộc chiến với Covid-19 vẫn không được phép chủ quan, lơ là. Công tác lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng cho hàng chục ngàn người dân vẫn được tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên hàng đầu, chỉ đạo triển khai thật nhanh để sàng lọc.
|
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên y tế ở khoa Cận lâm sàng của CDC Hà Tĩnh luôn phải làm việc hết công suất. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có ca bệnh mới là họ lại được điều động lên đường làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu đưa về để làm xét nghiệm sàng lọc.
Việc họ rời trụ sở CDC vào lúc nửa đêm hay rạng sáng để đi lấy mẫu liên tục diễn ra hàng ngày. Những “thợ săn” Covid-19 biết rằng, họ không được phép chậm trễ dù chỉ một giây.
Ngoài nhiệm vụ truy vết và lấy mẫu, có ngày khoa Cận lâm sàng phải thực hiện xét nghiệm với hơn 12.000 mẫu, nên dường như các “chiến sĩ áo trắng" không có thời gian chợp mắt để lấy lại sức.
Áp lực về thời gian và nguy cơ bị lây nhiễm cao là vậy nhưng họ không cho phép bản thân gục ngã. Ngày qua ngày, họ ẩn mình trong bộ đồ bảo hộ màu xanh kín mít từ đầu xuống chân, lặng lẽ thực viện việc phân tách, chiết mẫu bệnh phẩm trong phòng áp lực âm để nhanh chóng đưa ra kết quả sớm nhất.
|
Chị Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng khoa Cận lâm sàng (CDC Hà Tĩnh), nói rằng dù đã được Sở Y tế tăng cường thêm nhân lực, thậm chí đã nhờ một số cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh “chia lửa” xét nghiệm, nhưng cường độ làm việc của nhân viên trong khoa không hề giảm xuống vì các mẫu liên tục đổ về.
“Khoa chúng tôi có tất cả 16 thành viên, đa số đều là nữ giới. Để đáp ứng cho công tác khoanh vùng dập dịch một cách nhanh nhất, chúng tôi phải tận dụng từng giờ, từng phút để làm xét nghiệm. Làm thật nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn cho chính mình và không được mắc sai sót. Gần nửa tháng nay, toàn bộ nhân viên chưa ai được phép về thăm gia đình”, chị Hạnh tâm sự.
"Tôi kiêm cả tư vấn viên"
Quy trình xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác cần nhiều thời gian và công sức. Vì thế, để nhân viên cấp dưới không phải làm việc quá sức, chị Hạnh phân chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 6 người, luân phiên nhau vào phòng xét nghiệm để săn “Cô vít”.
“Mỗi nhóm làm việc từ 2 - 3 tiếng, hoàn thành xong kết quả xét nghiệm thì nhóm khác vào thay ca. Thay nhau như vậy thì mọi người mới có thời gian nghỉ ngơi, mới chống chọi được áp lực cho đến tận bây giờ. Các bác lãnh đạo cũng động viên và đến tặng quà liên tục nên chúng tôi có thêm động lực để chiến đấu tiếp”, chị Hạnh kể.
|
Hôm tôi đến gặp chị Hạnh thì đã hơn 20 giờ tối. Muộn thế rồi mà chị và các nhân viên cấp dưới vẫn đang “giam mình” làm việc trong phòng xét nghiệm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải gián đoạn nhiều lần vì điện thoại của chị liên tục đổ chuông. Đa số các cuộc gọi đến là của người dân nhờ chị tư vấn vì nghi ngờ bản thân bị nhiễm Covid-19.
“A lô!. Chị ơi em bị ho, sốt, có dấu hiệu nhiễm bệnh nhờ chị tư vấn giúp. Bây giờ phải làm gì ạ, em lo quá”, giọng đầu dây bên kia cầu cứu.
Chị Hạnh nhẹ nhàng hỏi rõ địa chỉ, thông tin dịch tễ rồi tư vấn cho người này lập tức gọi báo cho chính quyền địa phương hoặc trạm y tế xã đến để lấy mẫu làm xét nghiệm.
|
“Những ngày qua, điện thoại của tôi không được phép hết pin. Số điện thoại lạ nào gọi đến bất kể thời gian nào cũng phải nghe máy. Nhiều đến nỗi mà tôi khàn đặc giọng vì trả lời quá nhiều. Dù vậy cũng phải giải thích, phải tư vấn để giúp người dân khỏi bất an lo lắng và thực hiện phòng dịch cho đúng cách. Tôi giờ kiêm cả tư vấn viên”, chị Hạnh cười, nụ cười ẩn sau lớp khẩu trang.
“Chúng ta đều là F1”
Từ phòng đọc kết quả xét nghiệm bước ra, chị Nguyễn Thị Hiền (33 tuổi) thở phào như vừa trút được gánh nặng. Chị Hiền lập tức báo cáo: “Hơn 1.000 mẫu chúng em vừa hoàn thành đều âm tính cả chị Hạnh ơi. Mừng quá!”.
Chị Hiền bảo, mỗi lần phát hiện mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì ai cũng buồn. Chị và đồng nghiệp đều biết rằng chủng virus lần này có tốc độ lây lan mạnh hơn, đồng nghĩa những người tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.
|
Tôi hỏi chị Hiền có sợ không khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh?, chị trả lời: “Chúng tôi giờ chai mặt rồi. Nói vậy thôi chứ ai cũng sợ bị lây nhiễm chứ. Chúng tôi đùa nói với nhau là chúng ta đều là F1. Vì thế, việc xét nghiệm phải tuân thủ mặc đồ bảo hộ để bảo đảm an toàn cho bản thân”.
Chị Hiền và chồng là anh Phan Huy Thông (38 tuổi) đều là nhân viên y tế của CDC Hà Tĩnh. Gần nửa tháng nay, vợ chồng chị ở lại cơ quan để thực hiện nhiệm vụ chống dịch mà chưa về nhà.
“Tôi làm việc ở phòng xét nghiệm, còn chồng thì làm nhiệm vụ truy vết. Bố mẹ thực hiện nhiệm vụ, nên phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc. Công việc phải làm liên tục nên ít có thời gian gọi điện về nhà trò chuyện với con cho đỡ nhớ. Các nhân viên ở đây ai cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, mong cho dịch sớm được đầy lùi để sớm trở về nhà”, chị Hiền nói.
|
Còn anh Thông thì cho biết việc phải bỏ dở hộp cơm đang ăn dở để lên đường vào các điểm nóng điều tra, truy vết F0, F1, F2 không còn xa lạ đối với anh. Mỗi lần có ca nghi nhiễm là anh và đồng nghiệp trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức lại lập tức đến tận nhà để khai thác thông tin dịch tễ.
Giữa tháng 6 oi ả này, ngoài kia những “chiến sĩ áo trắng" vẫn đang “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để truy vết và lấy mẫu làm xét nghiệm. Nỗi vất vả của lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 không từ ngữ nào có thể diễn tả hết.
Họ vẫn kiên cường, thầm lặng hy sinh để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bình luận (0)